Niềm vui đỗ đại học của nữ sinh nặng 16kg

(Dân trí) -Thi vào ngành Tâm lý học ĐH KHXH&NV TPHCM, cô thí sinh “tí hon” Võ Thị Thanh Thảo được 20 điểm, nếu cộng cả điểm ưu tiên thì em thừa 1 điểm đỗ. PV <i>Dân trí</i> vừa về thôn Lộc Phước (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) để chia vui cùng Thảo và gia đình.

Dù đã đọc bài và xem hình của Thanh Thảo trên báo Dân trí (bài Cảm phục nghị lực nữ thí sinh nặng 16kg) được đồng nghiệp viết trong kỳ thi ĐH vừa qua nhưng tôi không khỏi bất ngờ với hình dáng của Thảo khi em ra ngõ đón tôi. Vừa gặp, Thảo nhỏ nhẹ “Dạ con là Thảo đây chú”. Hỏi Thảo nay được bao nhiêu kg rồi, cô bé "tí hon" nói “Dạ con được 17 kg rồi ạ”.

Hai chị em cách nhau 3 tuổi nhưng Thương và Thảo cách biệt về chiều cao quá lớn
Hai chị em cách nhau 3 tuổi nhưng Thương và Thảo cách biệt về chiều cao quá lớn. (Ảnh: Công Bính)

Thảo cho biết, cách đây vài ngày em vừa lên mạng và biết được số điểm thi vào ngành Tâm lý học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM của mình là Văn 7 điểm, Toán 6,75 điểm và Anh văn 6 điểm. Tổng cộng làm tròn được 20 điểm, chưa kể 1 điểm ưu tiên khu vực 2 nông thôn. “Con vừa lên mạng xem điểm chuẩn của trường và biết con đã đậu ĐH. Nếu kể điểm ưu tiên thì con dư 1 điểm”, Thanh Thảo tâm sự với tâm trạng phấn khởi.

 
Thảo cũng cho biết, Học viện Hành chính cũng đã công bố điểm thi và em được 16 điểm nhưng trường chưa công bố điểm chuẩn.
 
“Con thích trở thành Bác sĩ tâm lý hơn nên con sẽ học ngành này”, Thảo nói.
 
Cảm phục nghị lực nữ thí sinh nặng 16kg
Thanh Thảo trong phòng thi đại học. Trông thấy Thảo, nhiều người nhầm tưởng em là học sinh tiểu học vì chiều cao chỉ 104cm, nặng 16kg.
 
Trong phòng thi, Thảo được sắp xếp một bàn riêng để em thoải mái làm bài thi.
Trong phòng thi đại học, Thảo được sắp xếp một bàn riêng để em thoải mái làm bài thi. (Ảnh: Quốc Anh - Lê Phương)

Nhà Thảo hiện chỉ có 3 mẹ con, hỏi ba đâu, Thảo cho biết ba “đi núi” (đi tìm trầm - PV) tận Khánh Hòa gần ba tháng nay chưa về nhà. Lâu lâu ra khỏi rừng mua thực phẩm mới gọi điện về hỏi thăm con và gia đình. “Ba con nói đi làm khi nào có tiền mới về”, Thảo tâm sự.

Hàng ngày, buổi sáng Thảo cùng chị là Võ Thị Minh Thương phụ mẹ làm bánh bột lọc, đến trưa thì mẹ Thảo - bà Đỗ Thị Đào đạp xe đi bán đến tối mịt mới về; mỗi ngày nếu may mắn bà cũng kiếm được trăm ngàn, còn ế ẩm thì chỉ kiếm được năm bảy chục là nhiều. Ở nhà hai chị em lại quấn quýt bên nhau chăm lo nhà cửa.

Hàng ngày hai chị em Thương và Thảo giúp mẹ công việc nhà
Hàng ngày hai chị em Thương và Thảo luôn quấn quýt bên nhau. (Ảnh: Công Bính)

Hỏi Thanh Thảo về nguyện vọng sắp tới, em thật thà: “Trước mắt, con ước mơ có cái máy tính để đi học. Còn sau này con sẽ cố gắng để trở thành một Bác sỹ tâm lý”. Thảo kể: Từ khi thi ĐH xong em mới tạo trang Facebook cá nhân. Vài ngày trước, khi kết quả điểm thi được công bố rồi có điểm chuẩn, bạn bè của em đã gởi rất nhiều chúc đến em, ai cũng mong Thảo vượt qua thử thách để hoàn thành ước mơ ĐH của mình.

Tâm sự với PV Dân trí, bà Đào nói khi nghe tin cháu Thảo đỗ ĐH thì vui lắm nhưng tối nằm nghĩ lại lo lắng vì kinh tế gia đình khó khăn quá, tiền đâu lo một lúc 2 đứa con ăn học. Bà tâm sự: “Mấy hôm nay tôi đi vay mượn bà con hàng xóm để đưa cho cháu Thương chuẩn bị ra Đà Nẵng đóng học phí và tiền ăn cho năm học mới; còn cháu Thảo thì tôi cũng phải mượn thêm mấy triệu đồng nữa dẫn cháu vào TPHCM nhập học.”

Góc học tập hàng ngày của Thảo trong căn phòng nhỏ
Góc học tập hàng ngày của Thảo trong căn phòng nhỏ. (Ảnh: Công Bính)

“Lần này tôi vào TPHCM cùng cháu Thảo và ở lại trong đó luôn để kiếm việc làm nuôi cháu ăn học. Trông cho ai kêu gì làm nấy kiếm một tháng vài triệu cho con, nếu không có gì làm tôi sẽ làm bánh ướt đi bán như ở quê vậy”, bà Đào ngân ngấn nước mắt.

 
Bà Đào cho hay nhà có hơn 1 sào ruộng, làm lúa 2 vụ một năm cũng không đủ ăn nên đến khi nông nhàn thì chồng lại đi tìm trầm để kiếm tiền nuôi gia đình. Còn chị ở nhà buôn bán hôm được hôm mất nên cuộc sống rất khó khăn, giờ thêm 1 đứa con vào ĐH thì cuộc sống càng khó khăn hơn.
 
“Con nó đỗ ĐH thì mình phải theo, không cho cháu học thì tội quá, mà cho cháu học thì tôi cũng không biết tính sao nữa”, bà Đào tâm sự.
Công Bính
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm