Niềm vui biết đọc chữ của “học trò” 66 tuổi

(Dân trí) - Năm nay 66 tuổi, bà Lô Thị Niệm ở bản Giáp Gát (xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã là bà nội, bà ngoại của gần chục đứa cháu, các cháu của bà có đứa cũng lập gia đình. Thế nhưng khi được vận động đến lớp xóa mù chữ, bà Niệm hăm hở đi ngay.


12h trưa, nắng như đổ lửa nhưng các chị phụ nữ bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) vẫn lục tục kéo nhau đến điểm trường Tiểu học Lục Dạ 2. Các cô giáo cũng vừa chạy xe máy tới nơi. Một hồi trống vang lên, sân trường lại có thêm nhiều người xuất hiện. Họ là những học viên của lớp học xóa mù chữ ở đây.

30 học viên thuộc 2 lớp đã đến đầy đủ, lớp học bắt đầu. Hôm nay, các lớp bước vào bài học đầu tiên của chương trình lớp 3 – mốc cuối cùng của chương trình xóa mù chữ. Cô Lương Thị Ba (Trường Tiểu học Lục Dạ 2) cho biết: “Điểm bản Mọi có 30 học viên, tất cả đều là nữ. Lớp khai giảng từ ngày 17/3, đến nay đã hoàn thành chương trình lớp 1 và lớp 2. Về cơ bản, các chị đã biết đọc, biết viết”.

Lớp xóa mù chữ bản Giáp Gát (Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) có những học viên hơn 60 tuổi.
Lớp xóa mù chữ bản Giáp Gát (Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) có những học viên hơn 60 tuổi.

Những lớp học tiểu học trở thành lớp xóa mù vì đây đang là thời gian nghỉ hè của các cháu. Những chiếc ghế, chiếc bàn quá nhỏ, quá thấp với các “học sinh” đặc biệt này nhưng nó dường như chẳng ảnh hưởng gì đến sự hào hứng của các học viên.

Học viên ít tuổi nhất cũng đã ngoài hai mươi, nhiều tuổi nhất cũng đã hơn 40 tuổi. Các chị ngồi ngay ngắn, hướng mắt lên bảng, đọc theo nhịp thước của cô giáo. Những bàn tay sần sùi vết nứt nẻ cố gắng giữ chặt bút, đưa từng nét chậm chạp nhưng chắc chắn. Thỉnh thoảng, những đôi mắt hằn nét mệt mỏi ngước lên nhìn dòng chữ trên bảng rồi cắm cúi xuống trang giấy trắng. Những dòng chữ ngay ngắn đã dần hiện lên trên trang vở - điều mà trước đây họ chưa từng nghĩ mình có thể làm được.

Lớp xóa mù chữ bản Giáp Gát (Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) có những học viên hơn 60 tuổi.
Bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) có 2 lớp xóa mù, mỗi lớp 15 học viên, tất cả đều đã lập gia đình.

Chị Lương Thị Lan (SN 1982, trú bản Mọi) tâm sự: “Ngày xưa bố mẹ nghèo lắm nên dù muốn học cái chữ cũng không được đến trường. Lấy chồng rồi sinh con cũng nghĩ mình không bao giờ được đi học nữa. Giờ Đảng mở cho cái lớp học chữ, các cô giáo vào tận nơi dạy, chồng con cũng động viên đi học nên mình đi học thôi".

Bà mẹ hai con rơm rớm nước mắt khi nhớ lại cái lần đầu tiên mình tự tay viết được tên của mình, tên của chồng, tên hai con: “Lúc đó chỉ muốn khóc, vì mừng quá. Có cái chi đó thay đổi trong người mình. Giờ mình không phải là dốt nhất nhà nữa, mình cũng biết chữ như chồng, như các con rồi”.

Để xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao là cả một cuộc chiến thực sự của cả cô lẫn trò.
Để xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao là cả một "cuộc chiến" thực sự của cả cô lẫn trò.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) thì đông hơn một chút. “Lúc đầu lớp chỉ có 20 chị đăng ký tham gia học, khi khai giảng được mấy ngày thì có thêm 3 chị xin đi học cùng. Có những chị đã lên chức bà rồi vẫn mang vở đi học chữ”, thầy giáo Bùi Hoài Nam (Trường Tiểu học Mỹ Lý) cho biết.

Do khai giảng muộn hơn nên hiện nay các chị mới chỉ hoàn thành chương trình học lớp 1, tức là mới chỉ dừng lại ở việc ghép vần thành câu đơn giản. Những người phụ nữ ngọ nguậy bàn chân trong đôi dép (vì không quen đi), đôi mắt hướng lên bục giảng chờ đợi từng lời giảng của thầy giáo. Lớp học này do thầy giáo Nguyễn Quang Hùng (Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Lý) và thầy Nam phụ trách.

Những bàn tay chai sạn, nứt nẻ cần mẫn đưa từng nét bút.
Những bàn tay chai sạn, nứt nẻ cần mẫn đưa từng nét bút.

“Các chị đã có tuổi nên việc tiếp thu cũng hạn chế, các ngón tay đã cứng khớp nên ban đầu các thầy cũng phải cầm tay đưa từng nét. Dù có tuổi, dù bận bịu việc gia đình nhưng bù lại các chị rất ham học và kiên trì. Đến thời điểm này hầu hết các chị đều đã biết đọc, biết viết, thậm chí có những chị viết chữ đẹp hơn cả học sinh tiểu học”, thầy Nam nói về lớp học đặc biệt của mình.

Chị Vi Thị Vân (SN 1980, trú bản Yên Hòa, Mỹ Lý) tâm sự: “Trước đây mình có được đi học nhưng lâu quá rồi nên quên hết. Vừa rồi được chị em phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội phụ nữ bản nhưng mình không biết chữ, sợ không làm được việc. Nhà nước mở lớp xóa mù nên phải đi học chứ. Có cái chữ thì làm cán bộ tốt hơn, nói chị em nghe hơn”.

Những bàn tay chai sạn, nứt nẻ cần mẫn đưa từng nét bút.
Tuổi đã lớn, các khớp tay đã cứng nên việc học đối với các học viên là một điều khó khăn đòi hỏi lòng kiên trì và cả sự khổ luyện.

Điều đặc biệt là các lớp học xóa mù chữ không học theo thời khóa biểu cố định mà việc tổ chức các buổi dạy phụ thuộc vào các học viên. Lớp có thể học vào buổi sáng, buổi chiều, buổi tối hay thậm chí là vào buổi trưa. “Mùa này các chị bận đi rẫy, đi cấy lúa nên lớp học vào lúc 12h trưa, kéo dài đến 14h chiều để các học viên còn đi làm đồng chiều. Nói chung, học viên rảnh lúc nào chúng tôi sẽ sắp xếp việc riêng dạy lúc đó để đảm bảo chương trình”, cô Lưu Thị Phương – giáo viên tham gia lớp xóa mù chữ của Trường Tiểu học Lục Dạ cho biết.

Học viên xóa mù chữ cao tuổi nhất chúng tôi gặp là bà Lô Thị Niệm (bản Giáp Gát, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Bà Niệm năm nay 66 tuổi, đã là bà nội, bà ngoại của gần chục đứa cháu, các cháu của bà có đứa cũng lập gia đình nhưng khi được vận động đến lớp xóa mù chữ, bà hăm hở đi ngay. “Bà sống từng này tuổi rồi, khổ cực nhiều rồi. Cái khổ cũng từ cái dốt, cái không biết chữ mà ra. Đi học, biết đọc, biết viết, mở mang được nhiều lắm, ví như đi bệnh viện, đọc cái chỉ dẫn còn biết đường mà đi. Già rồi cũng phải học làm gương cho con cháu”, bà Niệm tâm sự. Tuổi cao nên để biết đọc, biết viết đối với bà Niệm thực sự là cả một quá trình rèn luyện khổ công.

Học viên lớp xóa mù ở bản Mọi (Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An) giúp nhau học bài.
Học viên lớp xóa mù ở bản Mọi (Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) giúp nhau học bài.

“Cái chữ nó không chịu nghe lời, chui tai này qua tai khác nhưng mình bắt nó phải ở trong đầu. Một ngày không thuộc thì hai ngày, ba ngày, khi nào cái đầu mình nhớ cái chữ, cái tay mình viết được, cái miệng đọc được thì thôi. Mình không biết chữ, hai con mình (SN 1993, 1994) cũng không biết chữ nên giờ phải cố mà học lấy cái chữ. Đợt này mẹ đi học trước làm gương, lần sau đến lượt hai con đi học chữ”, chị Hồ Thị Sinh (SN 1968, cùng lớp với bà Niệm) chia sẻ.

Không chỉ được học chữ, học các phép tính toán mà các học viên còn được học Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán phụ nữ, tìm hiểu về các tổ chức chính trị, xã hội… Chị La Thị Vân (SN 1977, bản Mọi, Lục Dạ, Con Cuông) đi học chữ khi đứa con trong bụng đã được 6 tháng. Có thể, chị sẽ không thể hoàn thành được chương trình xóa mù chữ trước khi sinh con nhưng chị vẫn đến lớp đều đặn, nhẫn nại đưa từng nét chữ dù chưa thực sự tròn trịa và đánh vần đọc từng dòng chữ trong sách. “Mang thai đứa thứ 3 đấy, lúc đó mình không biết sinh con thứ 3 là vi phạm chính sách dân số. Giờ đi học, được các cô dạy nên biết rồi. Đẻ đứa này nữa rồi thôi, để còn nuôi các con ăn học chứ không để các con phải mù chữ như mình”, chị tâm sự.

Học viên lớp xóa mù ở bản Mọi (Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An) giúp nhau học bài.
Khát khao hiểu biết giúp những phụ nữ vùng cao vượt qua khó khăn, tuổi tác để tham gia các lớp xóa mù chữ.

Giữa tĩnh mịch của núi rừng, tiếng đọc bài vang lên dù âm thanh không còn được trong trẻo như những lớp học khác: “Chị Lan chăm chỉ học tập/ Chị Lan học rất giỏi”. Mỗi tiếng đọc bài vang lên chứa đựng niềm khát khao con chữ, khát khao hiểu biết của những người phụ nữ ở các bản làng vùng sâu, vùng xa xứ Nghệ.

Hoàng Lam