Niềm tin phi thường của người thầy khuyết tật

(Dân trí) - Đã bao năm nay, thầy Khiêm bước đi xiêu vẹo trên đôi nạng gỗ, thầm lặng đem những kiến thức học được từ trường, xã hội dạy cho bao lớp học trò nghèo, người tàn tật…

Đó là câu chuyện về nghị lực của người thầy khuyết tật Nguyễn Trần Khiêm (SN 1966, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). 

“Với người khuyết tật, sự mặc cảm, tự ti bởi những định kiến, sự kỳ thị… khiến họ cảm thấy mình là người thừa. Vì vậy, nếu không có niềm tin vào chính bản thân mình thì suốt đời mình chỉ là gánh nặng của gia đình và xã hội” - thầy Khiêm chia sẻ.

Người thầy vươn lên từ đôi chân tật nguyền.
Người thầy vươn lên từ đôi chân tật nguyền.

Đến trường trên đôi chân của mẹ

Sinh ra tại một làng quê nghèo của huyện vùng cao Vân Canh, cha mất sớm, bản thân Khiêm bị tật từ nhỏ, đôi chân teo tóp không thể đi lại. Thương con đứt từng khúc ruột nhưng người mẹ nghèo đành nuốt nước mắt vào lòng. Hàng ngày, người mẹ cõng đứa con tàn tật trên lưng đến trường.

Thời đó học hết lớp 3 là hết cấp 1, để tiếp tục học gia đình phải gửi Khiêm ở nhà người quen bên xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) học. Cũng từ đó Khiêm bắt đầu cuộc sống tự lập. Năm tháng rồi cũng nhanh chóng qua đi, Khiêm học hết THPT với thành tích học tập xuất sắc, đạt 9 điểm môn Văn tốt nghiệp THPT.

Năm 1986, Khiêm học hết cấp ba, ước mơ thi vào đại học mở ra trước mắt nhưng cũng vì định kiến xã hội mà anh không được thi đại học. Mãi đến năm 1992, Khiêm mới được thi đại học và đậu vào Trường Kỹ thuật điện Đà Nẵng (nay là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng).

5 năm dài đằng đẳng theo học, khổ cực, anh phải đi dạy kèm, làm thêm để lấy tiền ăn học.

Năm 1997, tốt nghiệp đại học, Khiêm lặn lội khắp nơi trong tỉnh, lên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để xin việc nhưng đều bị từ chối vì đôi chân không lành lặn. Ngậm ngùi về quê, nhưng với niềm tin vào cuộc sống anh nghĩ không thể buông xuôi.

“Lúc đó tôi nghĩ chẳng lẽ bao công sức của mình bỏ ra vô ích. Nên mình nghĩ mình phải làm một điều gì đó có ích bởi đó là mồ hôi và những giọt nước mắt của mẹ…” - anh Khiêm chia sẻ.

Dạy chữ, dạy đời...

Từ suy nghĩ đó, thầy Khiêm dọn dẹp lại căn nhà cấp 4 xập xệ mở lớp dạy học cho trẻ em nghèo trong xóm. Ban đầu chỉ vài em nhưng vài tháng sau đã lên vài chục em theo học. Thầy tâm sự: “Học trò mình chủ yếu là học sinh nghèo nên dạy cho các em thường dạy miễn phí. Mình chỉ muốn đem kiến thức học được dạy các em để mai này chúng vượt qua cái nghèo”.

Thương thầy một phần, phần cảm phục nghị lực của thầy nên học sinh đều cố gắng học tập. Cũng từ đó mà nhiều học sinh của vùng đất nghèo này bước chân vào cổng trường ĐH, CĐ, điều mà trước đó rất hiếm.

Em Ngô Thị Thùy Trang, bố mẹ mất từ khi mới học lớp 8, nhờ thầy Khiêm động viên, kèm học rồi đi vận động nhà hảo tâm giúp đỡ, giờ Trang đã là sinh viên năm thứ 2 ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Quy Nhơn. Trang chia sẻ: “Thầy Khiêm như một người cha, nếu không có thầy dạy dỗ có lẽ em không có ngày hôm nay. Thầy là một người giàu nghị lực, thầy không tự ti mà thầy biết vượt qua số phận. Thầy không chỉ dạy em chữ mà còn dạy em đạo làm người, phải biết yêu thương, chia sẻ…”.

Việc dạy học đã đem lại cho thầy thêm niềm vui trong cuộc sống nhưng từng đó là chưa đủ bởi thầy luôn trăn trở với những con người cùng cảnh ngộ. Học tin học nhưng không có điều kiện để vận dụng nó vào cuộc sống, vì không mua nổi chiếc máy tính bàn cũ. Thầy quyết định mua các linh kiện máy tính hỏng của những người bán đồng nát, khi thanh ram, lúc con chuột, bàn phím… để ráp thành một chiếc máy.

Năm 2005, chiếc máy tính bàn cà khổ đầu tiên ra đời do chính tay thầy tự mày mò lắp ráp. Chiếc máy tính ổ cứng chỉ 2,5GB, thanh ram 128MB, tuy chưa thật sự hoàn hảo nhưng đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời đầy nghị lực của người thầy tật nguyền.

Nhận thấy nhu cầu công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, từ chỗ có một chiếc máy cũ, thầy cứ góp nhặt mua phụ kiện cũ để ráp. Đến nay, thầy đã có một cơ sở dạy tin học được liên kết với Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Từ tổ ấm của người khuyết tật...

Bản thân là người khuyết tật, hơn ai hết thầy cảm nhận được mất mát cũng như nỗi đau đó. Không thể khoanh tay đứng nhìn, thầy đứng ra nhận nuôi dạy trẻ khuyết tật, người mù, câm điếc, người không biết chữ… Thầy tự tìm hiểu qua sách báo, cái nào chưa biết thì xuống Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi tỉnh Bình Định để xin tài liệu về nghiên cứu.

Như trường hợp em Đào Thị Lệ Diễm bị liệt cả 2 chân, không dám ra khỏi nhà, sợ chỗ đông người vì tự ti nhưng sau nhiều lần tâm sự và lấy bản thân mình ra làm gương, thầy đã giúp Diễm hòa nhập với mọi người. Bây giờ, Diễm đang làm tổ trưởng một tổ 4 người khuyết tật cùng làm ở một cơ sở photocopy, vi tính do thầy vận động vốn tài trợ.

Người tìm đến thầy ngày một nhiều nên thầy phải tìm đến Hội Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi tỉnh Bình Định xin thành lập Chi hội người tàn tật để có cơ sở pháp lý hoạt động, đồng thời tìm nhà tài trợ giúp các hội viên sau khi học thành nghề tự nuôi sống bản thân.

Đến nay, thầy Khiêm đã thành lập được 4 nhóm tự lực gồm: Nhóm sữa chữa máy tính; nhóm mộc nề dân dụng, nhóm gia công làm chổi đót và nhóm dịch vụ tin học (photocopy) với khoảng hơn 25 người làm với công việc ổn định cho thu nhập khoảng 800 đến 1 triệu đồng/người/tháng.

Thầy Khiêm sửa chữa máy tính.
Thầy Khiêm sửa chữa máy tính.

Thầy Khiêm đã được Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ký hợp đồng mở cơ sở tin học đào tạo cho cán bộ xã, người dân trên địa bàn huyện Vân Canh.

Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định nhận xét: “Chi hội “Niềm tin” ở huyện Vân Canh do anh Khiêm làm Chi hội trưởng là Chi hội mạnh nhất trong tám chi hội của tỉnh. Các hội viên sau khi ra nghề hầu hết có công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng. Bản thân anh Khiêm rất nhiệt tình, có nhiều sáng kiến, làm việc công minh nên được xã hội tin tưởng”.

...Đến tổ ấm gia đình

Trong một lần tham gia sinh hoạt ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga (TP Quy Nhơn), anh Khiêm đã quen chị Nguyễn Thị Dịu (37 tuổi, người ở huyện Phù Cát) cũng bị tật ở chân. Sau 2 năm quen nhau, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Một đám cưới giản dị diễn ra trong niềm vui của gia đình, họ tộc và bạn bè. Đến nay, anh chị có 2 người con, một trai và một gái.

Chị Dịu hàng ngày làm chổi đót kiếm thêm thu nhập.
Chị Dịu hàng ngày làm chổi đót kiếm thêm thu nhập.

Nói về chồng mình, người vợ hiền thủ thỉ: “Anh ấy là người của công việc, suốt ngày lo cho mọi người trong Chi hội. Cảm ơn đời đã cho tôi gặp ảnh, bây giờ chúng tôi đã có 2 đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn điều mà trước đây tôi chẳng bao giờ mơ tới…”.

Mái ấm gia đình hạnh phúc của thầy Khiêm.
Mái ấm gia đình hạnh phúc của thầy Khiêm.

“Mình hạnh phúc được làm công việc mình yêu thích. Hơn nữa, bây giờ mình còn có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Chỉ cần chúng ta có niềm tin vào cuộc sống và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì không có gì là ta không thể làm được”, thầy Khiêm tâm sự.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm