Những thủ thuật giúp sinh viên tăng hiệu quả bài học

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có những chia sẻ rất chi tiết giúp sinh viên tự học hiệu quả, từ việc chuẩn bị trước khi vào bài học, cách đọc, cách ghi chép, nghe giảng...

Luôn chuẩn bị trước bài học
 
Luôn chuẩn bị trước bài học

Trước khi bắt đầu môn học, theo thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng, sinh viên nên tiếp cận tìm hiểu chương trình môn học để thấy được những nội dung sẽ học, nghiên cứu, từ đó chuẩn bị giáo trình, tài liệu, phương tiện cần thiết phục vụ việc học tập.

Thói quen đọc, tìm hiểu trước các bài học tiếp theo trong chương trình rất quan trọng; cùng với đó là đọc, suy nghĩ về các nội dung trong bài học trước đó để tạo tiền đề tiếp cận bài học tiếp theo tốt hơn.

Khi đọc trước bài giảng cần chú ý đánh dấu chỗ khó hoặc chưa hiểu đẻ tập trung nhiều hơn vào nội dung đó khi nghe giảng trên lớp. Nếu cần thiết, có thể đặt câu hỏi, thắc mắc để khi lên lớp trao đổi với giảng viên, bạn học.

Nên học hỏi từ sinh viên khóa trước, tìm hiểu thêm các nội dung liên quan đến môn học như: Thông tin về giảng viên bộ môn, giáo trình, tài liệu tham khảo, cách thức kiểm tra, đánh giá và kinh nghiệm học tập.

Đọc có suy nghĩ

Kỹ năng đọc giáo trình, tài liệu tham khảo rất quan trọng. Với kỹ năng này, thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng lưu ý, với bất kỳ tài liệu nào, sinh viên nên đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát để nắm sơ bộ nội dung. Sau đó, tùy vào mục đích đọc mà đọc kĩ một lần hay nhiều lần.

Sinh viên cũng cần rèn cách đọc nhanh để tập trung được sự chú ý, suy nghĩ diễn ra liên tục, dễ dàng xác lập được mối quan hệ với các đoạn với nhau, từ đó nắm được dễ dàng nội dung tài liệu.

Bên cạnh đó, cần đọc có chọn lọc, đọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất, có ích cho việc học nhất.

Đọc sách là học tập tích cực, nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu, cụ thể là ghi dàn ý và diễn tiến nội dung; ghi chép cẩn thận các ý chính, gạch chân hoặc tô màu. Những phần chưa hiểu, chưa nắm vững cũng nên đánh dấu để tiếp tục suy nghĩ.

Trước khi đọc, sinh viên cần dựa vào mục đích, yêu cầu của môn học để lựa chọn tài liệu; luôn kết hợp việc đọc với việc đặt ra các câu hỏi; tìm các từ khóa quan trọng và ý chính trong mỗi đoạn. Cuối mỗi phần, chương, mục nên dừng lại để chốt lại điểm chính yếu nhất…

Ngoài giáo trình, tài liệu do giảng viên cung cấp, sinh viên cũng nên tìm đọc một số tài liệu có liên quan đến các chủ đề, nội dung môn học.

Cách thu nhận thông tin bài giảng

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng, khi nghe giảng, người nghe cần tập trung chú ý với thái độ tích cực, cách nhìn độc lập, không có thành kiến với môn học và người dạy. Đặc biệt, cần kiểm soát các hành vi mất tập trung của bản thân.

Trong mỗi bài giảng, bên cạnh nội dung cơ bản, giảng viên có thể mở rộng thêm thông tin, do đó, sinh viên cần nhận biết được những nội dung phải biết, cần biết và nên biết trong bài giảng.

Nắm kiến thức quan trọng, trọng tâm của bài giảng, cũng có nghĩa là sinh viên nắm được cái phải biết.

Có thể nhận biết các nội dung trọng tâm của bài giảng qua các dấu hiệu sau: Số lần các cụm từ được giảng viên sử dụng, nhấn mạnh; các kí hiệu, kí tự đặc biệt được giảng viên sử dụng; tốc độ, ngữ điệu của lời giảng; sắc thái, cử chỉ của giảng viên…

Trong quá trình nghe giảng, nếu có gì thắc mắc, chưa hiểu, sinh viên nên mạnh dạn đặt câu hỏi hoặc đề nghị giảng viên cung cấp thêm thông tin.

Nâng cao hiệu quả bài học thủ thuật ghi chép

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, tùy khả năng, điều kiện, sinh viên có thể sử dụng một số cách ghi chép như: ghi tốc ký (ghi nguyên văn lời giảng), ghi dàn ý (ghi ý chính) và ghi những gì cần thiết (những nội dung người nghe cho là thiết thực); ghi khái quát theo cách hiểu bản thân.

Trong các cách ghi chép nói trên, cách ghi khái quát theo cách hiểu bản thân được cho là hiệu quả nhất vì đó là cách ghi kết hợp nghe - hiểu.

Do đó, thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng lưu ý, ghi chép khi nghe giảng cần phối hợp linh hoạt giữa nghe – ghi chép – suy nghĩ.

Thông tin ghi chép cần được sắp xếp một cách lô gic; ngắn gọn, xúc tích, thống nhất cách viết tắt, kí hiệu…

Sinh viên cũng cần ghi lại các ý tưởng nảy ra trong quá trình nghe giảng, do đó, nên chừa đủ rộng để ghi những suy nghĩ, thắc mắc nảy sinh hoặc những nội dung bổ sung khi cần thiết.

Có thể trao đổi vở ghi với các bạn cùng nhóm để tham khảo, học hỏi cách ghi chép của nhau, đồng thời sửa chữa sai sót, nếu có.

Theo Hải Bình
Giáo dục & Thời đại