Những thầy giáo đặc biệt trên quê Bác

Ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) có hai người đàn ông với hai nỗi bất hạnh khác nhau, một người mù lòa do bom đạn của kẻ thù, người kia gặp phải chứng teo cơ dẫn đến liệt toàn thân. Nhưng giữa họ có một điểm chung, đó là nghị lực vươn lên chiến thắng hoàn cảnh và trở thành những người thầy đặc biệt, xứng đáng là người con tiếp bước thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ của chúng ta.

Giáo án... tưởng tượng

Đôi mắt không còn nhận biết được ánh sáng nhưng ông vẫn miệt mài với công tác xã hội, thậm chí còn mở lớp dạy toán cho học trò trong làng, ông “khoe” rằng: “Đến nay, tôi đã góp phần dạy dỗ 7 học sinh vào đại học”. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Đăng Khoa ở xóm 5, xã Nam Lĩnh (Nam Đàn).

Lớp học Toán do người thương binh mù Nguyễn Đăng Khoa đứng lớp
Lớp học Toán do người thương binh mù Nguyễn Đăng Khoa đứng lớp.

Dưới hiên nhà phủ đầy cây tóc tiên, ánh nắng hè tỏa rạng, ông kể về cuộc đời mình, kể từ khi mất đi nguồn ánh sáng: “Ngày 5/8/1964, bước vào tuổi 22, đang học lớp cuối cấp của Trường cấp 3 Nam Đàn, tôi quyết định gác lại ước mơ trở thành thầy giáo dạy Toán và viết bức huyết tâm thư xin tình nguyện nhập ngũ để được ra chiến trường...”. Người lính trẻ Nguyễn Đăng Khoa được bổ sung vào Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường, tiếp tế vũ khí, quân lương vào chiến trường miền Nam. Năm1968, trong một trận bom ác liệt, ông Khoa bị thương nặng ở mắt và phải chuyển về tuyến sau. Thật kỳ diệu và phi thường, khi người lính trở về trong cảnh mù lòa lại đứng trên bục giảng để truyền thụ tri thức cho các thế hệ học trò. Cơ duyên trở về với niềm mơ ước năm xưa khi một lần sang nhà hàng xóm uống nước chè xanh, ông Khoa vô tình nghe được hai đứa trẻ đang trao đổi với nhau về một bài toán hình học.

“Tranh luận mãi nhưng vẫn không đứa nào chịu đứa nào, bất chợt những kiến thức hình học ngày trước thức dậy trong đầu, tôi liền cầm hòn than vẽ hình giữa sân và giảng giải cho chúng” - ông Khoa kể. Bọn trẻ trố mắt nhìn, không thể ngờ được cách giải và đáp số của ông Khoa hoàn toàn khớp với hướng dẫn trong sách giáo khoa. Từ đó, hễ gặp bài toán khó, lũ trẻ trong làng lại tìm sang nhà ông Khoa nhờ ông giảng giải. Lũ học trò tìm đến ngày một đông, trong đầu ông Khoa bắt đầu hình thành ý tưởng tập hợp các em thành một lớp để tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho việc giảng giải. Lúc đầu, các thành viên trong gia đình tỏ ra ái ngại, nhưng trước quyết tâm của ông và nhận thấy đó là một phần niềm vui, hạnh phúc tuổi già của ông, về sau tất cả mọi người đều ủng hộ.

Từ đó, dưới dàn tôn rợp bóng mát, mỗi buổi chiều lớp học toán do thầy giáo mù Nguyễn Đăng Khoa đứng lớp góp phần làm cho không khí làng quê trở nên rộn ràng, náo nức bởi tiếng học bài, tiếng nói cười của con trẻ. Thấy lớp học có hiệu quả, xã Nam Lĩnh mua tặng ông 6 bộ bàn ghế, rồi Phòng Giáo dục tặng ông một bảng chống lóa. Ở mỗi lớp, ông chọn một học trò khá nhất làm “trợ giảng”, có nhiệm vụ đọc đề và giúp ông viết công thức và kẻ vẽ hình. Sau khi nghe đọc đề, trong đầu ông lập tức định hình về quy trình, phương pháp và cách tiếp cận để tìm ra đáp số một cách nhanh nhất. Hỏi “Vì sao mắt không còn nhìn thấy mà ông vẫn có thể đảm nhiệm được vai trò của một người thầy dạy toán?”, ông Khoa trả lời: “Những kiến thức toán học, đặc biệt là hình học được học ngày xưa tôi còn nhớ khá rõ. Khi nghe xong đề bài, tôi tưởng tượng trong đầu về các góc, các cạnh, rồi huy động các công thức liên quan để tìm cách giải quyết hợp lý nhất”.

Từ đó đến nay đã hơn10 năm và ông Khoa đã mở được khá nhiều lớp học tại gia (mỗi lớp trên dưới 20 em, chủ yếu là bậc THCS), hơn 200 em nhỏ vùng quê nghèo Nam Lĩnh được củng cố kiến thức để vững vàng khi theo học các lớp học, cấp học cao hơn. Trong đó, có 7 em đã bước vào giảng đường đại học.

Điển hình như em Nguyễn Thị Thanh gặp phải hoàn cảnh éo le khi bố mẹ ly hôn ở Đắk Lắk, em phải về quê sinh sống với gia đình người cậu ruột. Được ông Khoa kèm cặp, em Thanh nỗ lực vươn lên trong học tập và đạt danh hiệu Học sinh nghèo vượt khó, được nhận quà của Tỉnh đoàn. Đến nay, em đã là sinh viên Khoa Tài nguyên - Môi trường của Trường đại học Huế. Hay như em Nguyễn Minh Châu 3 lần phải phẫu thuật sứt môi - hở hàm ếch nhưng được ông Khoa động viên, em vẫn cố gắng bám lớp và học tập tốt. Nay Thanh đã tốt nghiệp THPT và đã có việc làm ổn định. Và hầu hết học trò của ông đều là những “hạt nhân”, “mũi nhọn” của các lớp học ở trường. Điều đáng nói là dù bỏ thời gian, công sức (2 buổi/tuần) nhưng lớp học của ông Khoa tổ chức hoàn toàn miễn phí.

Ông chia sẻ: “Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều tình cảm cho các cháu thiêu niên - nhi đồng, trước lúc đi xa Người còn muôn vàn tình yêu thương cho các em nhỏ. Học theo Bác, tôi quyết định tìm cách giúp đỡ các cháu thiếu nhi. Là thương binh nặng, được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt của Nhà nước, giờ giúp ích được gì cho con cháu gần xa, cho xóm giềng, cho quê hương thì lấy đó làm hạnh phúc”.

Không chỉ kiến thức về hình học, ông Nguyễn Đăng Khoa còn nắm vững kiến thức về lịch sử, văn hóa và xã hội. Và mỗi khi “bí” về mảng kiến thức này, lũ trẻ trong làng cũng tìm đến ông. Những năm học trước, ngành giáo dục Nam Đàn tổ chức cuộc thi “Em yêu quê hương” cho các trường THCS trên toàn huyện. Ông Khoa đã kịp thời bổ trợ những kiến thức về lịch sử, văn hóa để các em học sinh Trường THCS Nam Lĩnh dự thi thành công và giành được giải cao. Những kiến thức ông tích lũy chủ yếu được tiếp nhận qua các phương tiện truyền thông, bởi với ông “Một ngày không nghe, không đọc, không viết là tụt hậu một ngày. Đã mất đi nguồn ánh sáng thì phải vận dụng tối đa nguồn âm thanh để tiếp nhận và khám phá thế giới bên ngoài”. Rồi nét mặt ông trở nên rạng rỡ: “Cách đây gần 3 năm, tôi được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng “Thẻ nhà giáo”. Lúc ấy tôi xúc động đến trào nước mắt, bởi lẽ ước mơ trở thành nhà giáo phải đến tuổi 68 mới thành hiện thực”. Một người bạn đã viết tặng ông mấy câu thơ: “Gậy thay đôi mắt bước lần theo/ Khấp khểnh đường thôn uốn vòng vèo/ Dò dẫm trong đêm nào ai biết/ Một lớp tình thương giữa xóm nghèo...”.

Không chỉ dạy học, người thương binh mù Nguyễn Đăng Khoa còn được bà con gọi là “Nghệ sĩ làng quê”, vì ông có thể chơi một lúc 4 nhạc cụ. Trở về quê hương với đôi mắt mù lòa, không thể cầm cuốc, cày để trực tiếp lao động sản xuất, ông Nguyễn Đăng Khoa quyết định tham gia đội văn nghệ xã Nam Lĩnh, góp phần tuyên truyền phong trào lao động sản xuất và chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ, bà con xã Nam Lĩnh thường được thưởng thức tiếng đàn măng-đô-lin của người thương binh mù đệm cho những khúc hát dân ca quê hương thêm mượt mà, sâu lắng. Bà con càng nể phục hơn khi người nhạc công mù tài ba có lúc chơi tới 4 nhạc cụ. Miệng thổi khèn ác-mô-ni-ca, tay chơi măng-đô-lin, 2 chân sử dụng bộ gõ, nhạc công Nguyễn Đăng Khoa có lúc giữ vai trò của cả dàn hợp xướng. Nhờ sự góp mặt của ông, đội văn nghệ xã Nam Lĩnh luôn dẫn đầu toàn huyện về thành tích biểu diễn. Ông tâm sự: “Mình là người dân quê Bác, được đệm đàn và hát lên những khúc ca dâng lên Người còn có niềm vui sướng nào hơn. Vì thế, trong mỗi lần biểu diễn, hình như dòng cảm xúc tuôn trào đã dẫn nhịp cho điệu khèn, nhịp đàn và nhịp trống của tôi...”.

Nằm trên giường dạy học

Tạm biệt thầy giáo mù Nguyễn Đăng Khoa, chúng tôi tìm về xóm 2, xã Nam Xuân (Nam Đàn) hỏi nhà “anh Thắng bị tàn tật”, lập tức lũ trẻ tranh nhau dẫn đường đến nhà “thầy Thắng”. “Nhà thầy Thắng đây rồi. Có lẽ giờ này thầy đang đọc sách”- nói xong, lũ trẻ ù chạy rồi khuất sau con đường làng. Ngôi nhà ấy, từ dáng vẻ, kích thước, màu sắc đến các đồ vật bên trong đều im đậm dấu ấn của thời gian. Trên chiếc giường đơn sơ đặt ở một góc nhà, có người đàn ông với thân hình nhỏ thó, quặt quẹo đang “đánh vật” cùng với chồng sách vở, mà toàn là những thứ sách vở “kinh điển” về toán học và văn hóa phương Đông. Người đàn ông đã hơn 30 năm “làm bạn” với chiếc giường và “vật lộn” cùng chồng sách vở ấy là Nguyễn Hữu Thắng (sinh năm 1961).

Thầy Nguyễn Hữu Thắng và các học trò làng
Thầy Nguyễn Hữu Thắng và các học trò làng.

Từ sau vườn, bà Nguyễn Thị Vượng - mẹ anh Thắng vào nhà tiếp khách, bà mẹ tuổi 82 kể chúng tôi nghe về nỗi bất hạnh đã giáng xuống số phận con trai mình. Vợ chồng bà Vượng và ông Mười (đã mất từ năm 1982) sinh được 6 người con, Thắng là con đầu. Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Thắng học giỏi nhất làng, được thầy cô và bạn bè quý mến. Trong các môn học, Thắng yêu thích và say mê nhất là môn Toán. Có những hôm đi chăn bò một mình, vì mải mê với các phép tính nên trời tối lúc nào không hay, lúc ngẩng đầu lên nhìn thì đàn bò đã về từ lúc nào không rõ. Thắng mê môn toán, ước mơ một ngày không xa sẽ trở thành một giáo viên dạy toán.

Nhưng ở đời ai tính được chữ ngờ, khi vào một ngày trong năm 1978, đang theo học lớp 7/10, chân phải của Thắng bỗng dưng đau nhói. Lúc đầu, bố mẹ nghĩ con trai mình chơi nghịch với bạn bè rồi bị sái chân nên tìm thuốc chữa gãy xương. Nhưng càng chữa, bệnh tình của Thắng không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Dù đau đớn, đi lại khó khăn nhưng hằng ngày Thắng vẫn cố vượt qua chặng đường 5km để đến lớp, quyết không bỏ một buổi học nào. Thương con trai, vợ chồng bà Vượng đưa Thắng đến bệnh viện huyện điều trị nhưng kết quả vẫn là con số “không”. Xuống viện tỉnh điều trị, bệnh tình cũng không có chiều hướng tiến triển. Ở đâu nghe tiếng có thầy thuốc giỏi, ông bà liền đưa Thắng đến để cứu chữa. Sau khi “vái tứ phương” mà bệnh tình con trai không hề thuyên giảm, vợ chồng bà Vượng đành bất lực trở về. Chân ngày càng đau buốt nhưng hằng ngày Thắng vẫn lê bước đến trường...

Cho đến một buổi sáng, bước chân xuống giường thấy nhói buốt rồi ngã gục giữa sàn nhà, kể từ đó Thắng không còn đứng được trên đôi chân của mình nữa. Và cũng từ đó, việc học hành đành phải gác bỏ và phải tạm quên đi ước mơ trở thành thầy giáo. Vài năm sau, ông Mười đột ngột từ giã cõi đời bỏ lại gánh nặng mưu sinh cho người vợ cùng 6 đứa con, trong đó người con trai đầu đã bị tật nguyền. Do bị nhiễm hơi lạnh của người bố, bệnh tình của Thắng ngày càng trở nên trầm trọng. Lúc đầu chỉ mới bị liệt chân phải, về sau chân trái cũng có triệu chứng tê nhức, co giật rồi liệt dần. Sau đó, chứng teo cơ lan sang tay phải rồi lan ra cả toàn thân. Cho đến nay, toàn thân của ông Thắng chỉ còn tay trái còn có thể hoạt động được. Đã hơn 30 năm nay, cuộc đời gần như gắn chặt với chiếc giường nhỏ bé.

Thời gian đầu, khi còn đang bị “sốc”, nghĩ đến việc cánh cửa cuộc đời và tương lai đã khép lại, hằng tháng trời Nguyễn Hữu Thắng nằm như khúc gỗ. Một ngày đẹp trời, sau vườn tiếng chim hót rộn vang, ngoài đường lũ trẻ đi học về nói cười ríu rít, ông nhận ra những tháng ngày đã qua đã sống một cách hoài phí. Ông nhờ mẹ già tìm lại những cuốn sách toán và suốt ngày say sưa với những phương trình và miệt mài đi tìm ẩn số. Đọc hết cuốn sách này, những người bạn học cùng làng năm xưa lại mang đến cho ông những cuốn sách mới, chân trời tri thức toán học luôn mở rộng và vẫy gọi trí tuệ của người đàn ông tật nguyền. Một lần, mấy đứa trẻ đến nhà chơi và cãi nhau về cách giải một bài toán. Đang nằm trên giường, ông Thắng gọi chúng lại gần rồi giảng giải bài toán một cách rõ ràng, khúc chiết, khiến bọn trẻ hết sức khâm phục.

Kể từ đó, mỗi khi gặp bài toán khó hay còn băn khoăn chưa tìm ra cách giải, lũ trẻ lại rủ nhau đến nhờ “thầy Thắng” giảng giải giúp. Cũng từ đó, người đàn ông tật nguyền ấy trở thành thầy giáo, ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ tưởng chừng như đã lụi tắt nay bỗng dưng trở thành hiện thực. Người thầy ấy không thể đứng nổi trên bục giảng, không cầm được viên phấn để viết lên những con số hay chữ nhưng vẫn được các cô cậu học trò và các bậc phụ huynh yêu mến và kính trọng. Bởi lẽ, người thầy nằm bất động ấy có được cái đầu thông tuệ, có một trái tim tha thiết với cuộc đời và một nghị lực phi thường để vượt lên số phận.

Thử hình dung về một lớp học đặc biệt, thầy giáo nằm bất động trên giường, chung quanh mấy học trò đang miệt mài với từng phép tính. Trò đọc to lên mỗi khi làm xong bài tập, thầy chú ý lắng nghe rồi giảng giải cặn kẽ từng li từng tí. Khi thấy trò đã hiểu và thuộc bài lưu loát, thầy nở một nụ cười tỏ ý hài lòng vì đã làm được một việc có ích. “Việc tôi làm thật sự không đáng kể. Nằm một chỗ không biết làm gì, giúp bọn trẻ việc học bài tôi thấy mình vẫn còn phần nào có ích, tôi phải cảm ơn chúng mới đúng” - ông Thắng chia sẻ. Thế nhưng, hàng xóm của ông cho biết, “thầy” Thắng đã góp phần dạy nhiều em đạt thành tích cao trong học tập, có những em từ học lực trung bình hoặc yếu, nhờ sự giúp đỡ và kèm cặp của “thầy” Thắng đã vươn lên đạt thành tích khá.

Tay phải đã bị queo quắp và tê liệt hoàn toàn, không thể cầm bút, ông Thắng quyết tâm tập viết bằng tay trái. Nhờ bà Vượng đặt chiếc can nhựa hỏng lên giường, dùng hai thanh tre kẹp cuốn vở vào thành can, tay trái cầm bút, ông bắt đầu tập viết. Khỏi phải kể những khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí hết sức đau đớn khi viết được một con chữ lên tập vở. Bởi lẽ, những động tác như nghiêng người, cổ và đầu sang phải (cho dù chỉ một tí chút) là một cực hình. Xương khớp và các lớp cơ đã nằm bất động hơn 30 năm, giờ chỉ cần một cử động nhẹ có thể khiến ông lên cơn co giật và đau buốt đến tận xương tủy. Vậy mà, hằng ngày ông vẫn nén đau và vật lộn với chiếc can, tập vở và cái bút, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Một lần nữa, nghị lực đã giúp ông chiến thắng, sau khoảng hai tháng trời quyết chí, ông đã viết được những con chữ ngay ngắn bằng bàn tay trái.

Lúc chúng tôi nói lời chào tạm biệt, ông Thắng tiễn khách bằng ánh nhìn thiết tha. Làng mạc xa dần khi xuôi về thành phố. Nhưng hình ảnh về ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nơi tá túc của người mẹ già 82 tuổi cùng người con trai tật nguyền tuổi 53 vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí chúng tôi. Phải chăng đó là một “điểm sáng” trong muôn vàn “điểm sáng” giữa cuộc đời này? 

Theo Trần Công Kiên
PetroTimes