Những thầy cô hết lòng vì học sinh khuyết tật
(Dân trí) - Trăn trở lớn nhất của nhiều thầy cô giáo là tìm cách xoa dịu những thiệt thòi của các học trò kém may mắn để các em tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập với cộng đồng.
Trong tháng 10/2018, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018” tổ chức chuyến đi thăm thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật khắp mọi miền đất nước để thấu hiểu những vất vả và trăn trở của họ.
Yên Bái: Cô giáo 16 năm thắp sáng “ngọn nến cong”
Năm 26 tuổi, khi đang dạy ở một ngôi trường bình thường, cô Nguyễn Thị Ái Vân chuyển về dạy tại trường Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái. Trong 16 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cô Vân kiên trì từng chút một, dạy trẻ từng phép tính, từng bước đi. Những ca trực quản sinh vất vả kéo dài từ 6g sáng đến 6g tối, những lúc học trò đòi bỏ trốn, không chịu học bài,… không làm nản lòng cô Vân.
"Tôi luôn tin rằng ngọn nến thẳng hay cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh. Và tôi sẵn sàng đánh đổi để được thắp lên niềm vui, ước mơ cho những đứa trẻ đặc biệt. Dạy dỗ các em, tôi có được niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có" - cô Vân nói.
Đà Nẵng: Thầy giáo của những đứa trẻ tự kỷ
Đối với thầy Nguyễn Xuân Việt (giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng), mỗi ngày làm việc luôn là một ngày đặc biệt khi thầy phải “lăn lê bò toài” cùng các em học sinh mắc chứng tự kỷ.
“Chuyện các em tự làm đau mình và làm đau thầy là điều bình thường. Các em mắc chứng tự kỉ có nhiều vấn đề về cảm xúc nhưng các em có một số điểm nổi bật như nhạy với làm toán, hình ảnh. Vì vậy, mỗi ngày, tôi phải cùng trẻ làm những điều trẻ yêu thích như đá bóng, ô tô để dẫn dắt trẻ vào bài học” - thầy Việt chia sẻ.
Hơn 10 năm dạy trẻ tự kỷ, thầy luôn trăn trở vì hiện nay, xã hội vẫn có những định kiến dành cho trẻ tự kỷ. Thầy chia sẻ: “Bản thân các em không có tội. Các em cần được xã hội nhìn nhận như những người bình thường để được yêu thương, hỗ trợ như các trẻ khác”.
Với thầy Việt, đền đáp lớn nhất chính là nhìn thấy các học trò tiến bộ mỗi ngày. Có lần, thầy Việt đã khóc khi nghe một em học sinh cũ gọi điện nói: “Con nhớ thầy”.
TP.HCM: Cô giáo trăn trở vì thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Các đây 10 năm, khi được phân công dạy tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), cô Phạm Thị Thu Thanh không chia sẻ chuyện mình nhận dạy ở trường khiếm thị vì sợ gia đình lo lắng và mỗi ngày, cô Thanh đi xe buýt khoảng 20km đến trường.
Trải qua tuần đầu tiên bị sốc vì công việc dạy trẻ khiếm thị quá vất vả, cô Thanh kiên vẫn trì bám trụ với nghề. Cô Thanh cho biết chính tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên trở thành người có ích của các học trò khiếm thị là động lực để cô Thanh không từ bỏ công việc.
Khi được hỏi về những mong muốn của bản thân, cô Thanh không ước muốn cho riêng mình mà chỉ mong muốn nhiều điều cho các học trò. Cô Thanh hi vọng các bạn trẻ về trường dạy nhiều hơn vì trường đang thiếu giáo viên. Nhiều lần cô Thanh ứa nước mắt khi nghe học trò nói: “Cô ơi, đừng bỏ trường vì cô không dạy thì không có ai dạy. Vì vậy, tôi mong các bạn trẻ học ngành sư phạm hãy đến trường để tìm hiểu thêm về công việc này”.
Cô Vân, thầy Việt và cô Thanh là các giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018”. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tuyên dương các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Trước đó, “Chia sẻ cùng thầy cô” đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ giáo viên “cắm bản”, giáo viên công tác ở vùng biển đảo và các thầy giáo quân hàm xanh.
“Suốt bốn năm qua, Chia sẻ cùng thầy cô luôn sáng bừng vì tình cảm thầy trò tròn đầy, nghị lực phi thường và sự tận tâm của các thầy cô giáo. Chính các thầy cô giáo “cắm bản”, thầy cô nơi biển đảo, thầy giáo quân hàm xanh và thầy cô dạy các học trò kém may mắn đã kể thêm những câu chuyện cao đẹp về nghề giáo. Nhờ họ, xã hội càng trân trọng người thầy và tiếp nối truyền thống tôn sự trọng đạo tốt đẹp” - ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long chia sẻ.
H.L