Mời độc giả cùng gặp lại những thí sinh đầy nghị lực này trong các bài viết trên báo điện tử Dân trí.
Bị tật từ lúc 3 tuổi, vượt qua 12 năm học,
Trần Quốc An đến từ huyện miền núi cao Con Cuông (Nghệ An) là thí sinh đặc biệt tại cụm thi Vinh.
Thí sinh Trần Quốc An tại điểm thi ĐH Vinh. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Tâm sự nhanh cùng PV Dân trí, Quốc An cho biết: "Em sẽ cố gắng vượt qua kỳ thi này để vào giảng đường đại học sau này thành đạt để báo đáp công ơn cha mẹ nuôi dưỡng và hy vọng. Em đến với kỳ thi này là bằng sự nỗ lực của bản thân và động cơ lớn nhất là gia đình, cha mẹ và bạn bè cũng như thầy cô".
Bị thương tật nặng do tai nạn bom mìn từ khi còn nhỏ phải ngồi xe lăn, thí sinh
Hồ Văn Lai vẫn quyết tâm đi thi ĐH. Năm nay, Lai thi vào ngành CNTT, ĐH Đà Nẵng. Tại điểm thi trường THPT Trần Phú (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), ông Hồ Văn Hanh - bố của Lai cho biết: “Tôi đưa cháu từ quê nhà ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào Đà Nẵng thi. Con tôi bị thương tật do dẫm phải bom mìn khi chạy chơi trên bãi cát ở làng từ khi cháu nó mới 10 tuổi. Mất một tay, bàn tay kia cũng không còn vẹn nguyên. Chân của cháu bây giờ cũng là chân giả. Suốt từ đó đến nay, cháu đến trường học trên chiếc xe lăn. Bị thương tật đầy mình như vậy đó mà cháu ham học lắm. Suốt ba năm phổ thông, cháu đều đạt học sinh khá”.
Thí sinh Hồ Văn Lai được bố đẩy xe lăn đến phòng thi. (Ảnh: Khánh Hiền)
Về phần mình, Lai chia sẻ: “Người như em càng phải học. Khó khăn nhiều lắm nhưng em không nản lòng. Ước mơ của em là theo gương anh chị, vào đại học. Em thi vào ngành Công nghệ thông tin vì ngành đó em cảm thấy phù hợp với điều kiện bản thân em hơn cả”.
Tại Hội đồng thi trường ĐH Tiền Giang, một cô bé tí hon, tật nguyền cao chưa tới 1m và chỉ cân nặng 30kg đã quyết tâm thi vào ngành Kế toán trường ĐH Tiền Giang trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Đó là em
Lê Kim Tiền (sinh 1994, ở ấp Lộ Ngang - xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Mỹ Tho).
Vừa sinh ra, Kim Tiền đã bị dị tật hai chân, đi đứng rất khó khăn. Tuy nhiên, Kim Tiền vượt qua khiếm khuyết thân thể, luôn cố gắng học tập và thành tích trong 12 năm học qua luôn là học sinh khá, giỏi.
Dù chiều cao kiếm tốn và tật nguyền hai chân nhưng Kim Tiền rất quyết tâm theo đuổi học hành. (Ảnh: Vĩnh Sơn)
Tiền tâm sự: “Ngoại hình bất thường vốn là thiệt thòi nhưng tri thức là con đường vượt qua khó khăn. Cố gắng học thật tốt để tìm cho mình một việc làm ổn định và không phụ lòng của cha mẹ và thầy cô.”
Hiện đang học năm nhất hệ trung cấp ngành Công nghệ thông tin Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM, thí sinh
Lê Hoàng Khang, sinh năm 1993, cao 70 cm, tiếp tục dự thi vào khoa Toán - Tin học của trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM).
Thí sinh Lê Hoàng Khang. (Ảnh: Lê Phương)
Thí sinh Huỳnh Đăng Tin (sinh năm 1994, quê ở phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thi vào ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng gây sự chú ý đối với nhiều thí sinh khác và các bậc phụ huynh với chiều cao khoảng 1,3m, dáng người nhỏ nhắn.
Mẹ Tin cho biết, ngay từ nhỏ Tin đã rất ham học và luôn đòi ba mẹ cho đi học. Trong 9 năm học của cấp 1 và cấp 2, Tin luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp 3, Tin cũng đạt học sinh khá trong 3 năm liền.
Thí sinh Huỳnh Đăng Tin. (Ảnh: Khánh Hồng)
Tại điểm thi trường ĐH Quảng Nam, chúng tôi gặp một nữ thí sinh cao 1,2m nặng chưa đầy 23kg với ước mơ trở thành cô giáo dạy tiểu học. Đó là em
Nguyễn Thị Hoa, 18 tuổi, trú xã Thăng Phước, Hiệp Đức, Quảng Nam.
Thí sinh Nguyễn Thị Hoa. (Ảnh: Đỗ Luyến)
Ông Nguyễn Thành Xuân - bố Hoa cho biết: “Năm nay đi thi đại học rồi mà cháu nhìn như một đứa trẻ vậy, được cái cháu rất chăm học, suốt ba năm cấp ba cháu luôn là học sinh tiên tiến của trường THPT Hiệp Đức, thấy cháu có quyết tâm học, gia đình tôi rất mừng và động viên cháu cố gắng để đạt được ý nguyện của cháu”.
PV