Những sinh viên nước ngoài đón tết Việt
"Tôi vẫn còn nhớ cái tết đầu tiên của mình là ở nhà một em sống trong Nhà may mắn, khi tôi đưa em ấy về quê ăn tết ở Quảng Ngãi. Và có lẽ kỷ niệm chuyến đi đó sẽ không bao giờ nhòa trong ký ức của tôi về cái Tết ấm áp không khí gia đình..."
Đó là tâm tình của anh Vincent - giảng viên tiếng Pháp tại Idecaf và cũng là cựu nhà báo ở Canada. Anh nói thêm: "Nó làm cho tôi có được một cảm giác rất lạ lẫm, dường như sống ở Việt Nam tôi mới có thể cảm nhận một điều khắp nơi đều là nhà của mình…".
"Tôi sẽ tập gói bánh chưng"
Đó là quyết tâm của Kim Young Suk, cô sinh viên khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM sau 3 lần rong ruổi ăn tết ở nhà bạn bè trên khắp các tỉnh của Việt Nam: khi thì ở TPHCM, Quy Nhơn và cả Kon Tum... Dù mỗi nơi có cách đón tết khác nhau nhưng tất cả đều đọng lại trong cô nhiều cảm xúc.
"3 năm liền mình không đón tết tại Hàn Quốc chỉ vì mình muốn được hưởng nhiều "hương vị" văn hóa của Việt Nam. Mình rất thích ngày Tết cổ truyền ở đây. Trước giao thừa, mình được gia đình bạn bè dẫn đi chơi chợ hoa, đèn lồng, được lì xì nè, uống rượu cần và cả được gói bánh chưng nữa. Nhưng học mãi mà mình chỉ có thể... ăn chứ không biết gói, dù rằng mình tự hứa rất nhiều lần năm sau mình phải gói cho bằng được một cái bánh chưng. Không biết năm nay có gì khá hơn năm ngoái hay không?" - Cô bạn nhỏ này cười tinh ranh kể lại.
"Tết ư? Tôi thích lắm, năm ngoái tôi cùng bạn gái ăn Tết ở Hà Nội, chúng tôi còn "tậu" được cho mình một cây tắc to sum suê đầy quả, chắc cả năm ăn cũng không hết. Tôi chỉ có 3 ngày ăn tết ở nhà một gia đình người bạn đồng hương lập nghiệp ở đây. Quả thật, tôi thấy Tết Hà Nội đẹp, ấm áp và rất có không khí gia đình, nhất là tục lệ lì xì cho trẻ con. Ở Đức, chúng tôi chỉ có tiệc gia đình trong ngày Giáng sinh và Tết dương lịch chứ không kéo dài và có nhiều sự kiện văn hóa như ở Việt Nam. Vì thế mà cứ sắp đến Tết, tôi lại thấp thỏm đặt vé bay đi Hà Nội". Đó là lời tâm sự của George Schneider, giảng viên tiếng Đức ở Viện Goethe TPHCM. Đến VN sinh sống mới được gần 2 năm nhưng George đã am hiểu Việt Nam rất sâu sắc. Anh còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị về những gì mà anh được "thưởng thức", cứ như chính anh là người Việt Nam đi kể cho người nước ngoài nghe vậy.
Với Vincent thì Tết cũng như là một chuyến công tác của anh. Suốt 2 năm làm từ thiện ở Nhà may mắn - nơi chăm sóc cho những trẻ em lang thang, khuyết tật... ở TPHCM, anh đã chăm sóc cho nhiều em ở đây. Hầu hết các em nhà đều ở xa, nên nhân dịp những chuyến thưởng thức hương vị Tết cổ truyền Việt Nam, anh lại tự nguyện đưa các bạn ấy về quê. Một mình đẩy xe lăn trên những chuyến xe, tàu là những kỷ niệm cho anh.
Anh cho biết: "Tôi được đi khá nhiều nơi ở Việt Nam, công việc và việc học của tôi khá bận. Dịp lễ tết ở đây, tôi cũng có suất nghỉ như mọi người và đó là cơ hội để tôi tìm hiểu về phong tục nhiều vùng thông qua những lần đưa các em ở nhà tình thương về quê hương ăn tết với gia đình. Tôi cũng được họ đón chào nồng nhiệt như những người con xa nhà trở về. Đó là cảm giác ấm áp nhất mà tôi có được trong mấy năm qua khi ở đây".
Và những cái Tết mong đợi
Với Kim, Vincent hay George, họ cũng như những người con xa xứ đi lập nghiệp. Tết là cầu nối gắn liền tình cảm của họ đến Việt Nam. Những ai đã đến và đã biết sự ấm áp, tình nghĩa ở đây trong những ngày đoàn tụ đó thì còn có những "người con" đang chuẩn bị bắt đầu một cuộc sống mới ở trên mảnh đất Việt Nam này. Marlines, giảng viên tiếng Đức tại TPHCM thì luôn trong tình trạng hăm hở đón chờ những điều mới mẻ đến với cô.
"Tôi ở Việt Nam được gần 1 năm thôi, hợp đồng của tôi thì đến tháng 2 năm sau mới hết hạn. Trước khi trở về, tôi muốn có một cái gì đó lưu giữ lại cho bản thân và có thật nhiều câu chuyện dễ thương để kể lại cho bố mẹ tôi sống tại Thụy Sĩ biết về nước Việt Nam xinh đẹp. Tôi cũng đang cố gắng làm việc hết sức mình để có một cái Tết thật hạnh phúc, may mắn, nhiều niềm vui ở Việt Nam trong năm nay".
Hầu hết người đi đều nhớ và mong đợi trở lại. Nhiều sinh viên học tập ở Việt Nam thì có thể ăn tết ngay tại chính nhà bạn bè của mình. Còn nhiều khách nước ngoài thì tự thiết kế những tour nhỏ để khám phá hết vẻ đẹp và sự ấm áp trong tình cảm người Việt Nam. Được biết, ở các trường có sinh viên quốc tế như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Học viện Báo chí & Tuyên truyền Hà Nội... hằng năm đều làm tiệc đón tết cho sinh viên ngoại trong trường mình.
Theo Thanh Niên