Những sinh viên nghiên cứu vì ...yêu trẻ

Đề tài Từ điển điện tử từ ngữ giáo khoa lớp 1 dành cho trẻ khuyết tật trí tuệcủa nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM đã giành giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần XI - năm 2009, do Thành Đoàn - ĐH Quốc Gia TPHCM tổ chức.

Trong buổi lễ trao giải ngày 2/1/2010, nhóm tác giả gồm các sinh viên Đỗ Minh Luân, Huỳnh Nguyễn Thùy Dung (cùng khoa Giáo dục tiểu học), Phạm Hải Lê (khoa Ngữ văn) và giảng viên hướng dẫn - tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha cùng được nhận bằng khen của UBND TP. Từ điển điện tử không lạ, nhưng từ điển điện tử được kết hợp giữa giải nghĩa từ với hình ảnh, video clip minh họa thì quả là mới. Hiện từ điển của nhóm có khoảng 2.000 mục từ kèm theo hàng ngàn hình ảnh, phim do nhóm tự quay, chụp các diễn viên nhí. Trong từ điển còn có một số mẫu hành vi giúp ích cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày như: gấp quần áo, xếp tập vở, rửa tay đúng quy trình, đón xe buýt...

Những sinh viên nghiên cứu vì ...yêu trẻ - 1
Nụ cười chiến thắng của nhóm sinh viên trường ĐH Sư Phạm TPHCM tại buổi lễ trao giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2009 ngày 2/1/2010. (Từ phải sang: Tiến sĩ Ly Kha, Hải Lê, Thùy Dung, Minh Luân).

 

Nhóm không kỳ vọng đề tài sẽ "ẵm" giải cao, chỉ mong góp chút sức của mình để giáo viên đỡ gánh nặng trong việc dạy học và trẻ tiếp thu nhanh hơn, tăng kỹ năng sống (kỹ năng tự phục vụ bản thân và kỹ năng giao tiếp). Trên thực tế, khi áp dụng tại một số trường tiểu học, học sinh rất thích thú, khả năng tập trung nâng cao rõ rệt. Suốt năm 2009, ngày nào các thành viên của nhóm cũng gặp nhau để làm việc. Hải Lê phụ trách chính về giải nghĩa từ, Thùy Dung thu thập hình ảnh cho từ điển. Minh Luân viết phần mềm (Luân đã tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa TPHCM - khoa Công nghệ thông tin).
 

Khi mới vào vòng chung kết, nhiều trường học, phụ huynh đã liên hệ với nhóm để tiếp nhận và áp dụng từ điển này cho học sinh. Nhận thấy đề tài có khả năng "hút hàng", nhiều nơi đề nghị nhóm bán từ điển theo hệ thống nhà sách, nhưng cả ba đều cương quyết nói "không".

"Dù chi phí xây dựng từ điển khá cao nhưng nhóm không muốn bán để lấy vốn lại. Ngay từ đầu, nhóm đã đưa ra mục tiêu là hỗ trợ, phục vụ cho các em nhỏ kém may mắn. Nhóm đang tiếp tục hoàn thiện từ điển và tìm nguồn tài trợ để có kinh phí sao từ điển ra DVD, phát cho những ai thực sự có nhu cầu" - Minh Luân cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm, hiện cả nước có trên 400.000 trẻ khuyết tật trí tuệ và khoảng 150 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Con số này không cho phép các bạn dừng lại ở thành công mình vừa đạt được.

 

Cũng trong cuộc thi này, tác giả Trần Văn Nhiên (lớp chất lượng cao K31, Trường ĐH Luật TPHCM) đã đoạt giải khuyến khích với đề tài: "Bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên trong Luật Hình sự Việt Nam  dưới góc độ người bị hại – thực trạng và giải pháp hoàn thiện". Ngày 3/1, đề tài của Nhiên được chuyển giao cho Hội đồng đội TPHCM. Đề tài đã được ban giám khảo đánh giá cao ở tính thiết thực, cập nhật. Tác giả nhìn những vấn nạn của xã hội dưới góc độ pháp luật, để đưa ra những đề xuất đáng quan tâm như bổ sung vào Bộ luật Hình sự thêm các tội: bỏ rơi trẻ em, lạm dụng trẻ em đi ăn xin để trục lợi; đề nghị trưng cầu giám định để định tuổi chính xác của trẻ bị xâm hại trong trường hợp không có giấy khai sinh (hay các giấy tờ có xác định ngày tháng năm sinh); thêm tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự "gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần cho người bị hại" trong các tội phạm xâm hại trẻ em.

 
Để thâm nhập và thu thập thông tin cho đề tài, Nhiên phải  "lăn lóc" nhiều đêm ở các góc đường, khu trọ của trẻ đường phố, để quan sát hoạt động của các em và kẻ chăn dắt; phải ngụy trang để tránh tầm mắt của những tên bảo kê. Nhín chút tiền làm thêm và tiền bố mẹ ở Hà Nội gửi vào, Nhiên cho tiền các bé để tranh thủ phỏng vấn. Nhiên cũng đã bất ngờ vì thấy một số em nhỏ thích cuộc sống ở ngã tư đường của mình, không thích về nhà, đi học. Khi công an đến, các em bỏ chạy và sau đó tiếp tục trở lại cuộc sống cũ. Cả trẻ và bố mẹ của trẻ đều chấp nhận, hài lòng như thế và không muốn thay đổi. Vì vậy, Nhiên xác định, ngay cả khi các em và gia đình không yêu cầu bảo vệ, pháp luật cũng phải vào cuộc, để trừng trị những kẻ trục lợi, giữ trật tự xã hội.
 

Động lực thúc đẩy Nhiên nghiên cứu khoa học về đề tài trẻ em xuất phát từ tuổi thơ nghèo khó nhưng yên vui của mình. Tiếp xúc với những trẻ em xin ăn ở ngoài  đường, Nhiên ứa nước mắt vì thương các em. Nhiên bộc bạch: "Tuy không đoạt giải thưởng cao nhưng tôi rất tự hào về sản phẩm trí tuệ của mình. Mong sau khi chuyển giao, đơn vị tiếp nhận đề tài của tôi sẽ góp tiếng nói để bảo vệ hiệu quả cho các em nhỏ. Khi đó, tôi sẽ rất vui vì đề tài của mình... không bao giờ được ứng dụng!".

 

Theo Diệu Hiền
Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm