Những ranh giới cô giáo trẻ không được vượt qua, dù chỉ một lần

PV

(Dân trí) - Vì tuổi tác không quá chênh lệch nên giáo viên trẻ thường tương tác gần gũi với học sinh, song cần nhớ có những ranh giới không được vượt qua, dù chỉ một lần.

Tối 30/9, mạng xã hội xuất hiện clip quay cảnh một nam sinh có hành vi trêu đùa ôm vai, vuốt tóc cô giáo tại vị trí bàn giáo viên. Sự việc xảy ra giữa học sinh lớp 10 và giáo viên dạy môn ngữ văn tại Trường THPT Thạch Bàn, Hà Nội.

Được biết, nam sinh và cô giáo có quen biết từ trước. Học sinh này muốn làm cô vui trở lại sau tiết học mất trật tự. Tuy nhiên, hành động này đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. 

Những ranh giới cô giáo trẻ không được vượt qua, dù chỉ một lần - 1

Vụ việc cô giáo và học sinh ở Hà Nội khiến dư luận xôn xao (Ảnh chụp màn hình).

Là một giáo viên trẻ, thầy Phạm Điền Khoa, giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 TPHCM cho biết, theo định hướng "trường học hạnh phúc", giáo viên sẽ luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với các em học sinh của lớp. Điều này tạo cho học sinh không gian học tập thoải mái, giảm áp lực, rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò.

Thầy Khoa luôn xem học sinh như người nhà, tận tình chỉ bảo và giúp đỡ trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, thầy vẫn đưa ra cho các em ranh giới rõ ràng trong giao tiếp và hành động.

"Tôi luôn chấn chỉnh và nhắc nhở kịp thời khi các em quá thoải mái mà quên rằng mình đang là học sinh", thầy cho hay.

Thầy ví dụ, khi giao tiếp hoặc trò chuyện với thầy cô, nhiều học sinh thường "vui quá" nên hay "quên" dùng kính ngữ. Trong trường hợp này, thầy Khoa sẽ lập tức nhắc nhở và yêu cầu học sinh thêm "thầy, cô" vào câu nói vừa rồi. Việc này tập cho các em sự tôn trọng giáo viên và để học sinh rút kinh nghiệm trong việc giao tiếp, tạo nên văn hóa học đường.

Để xây dựng "trường học hạnh phúc", thầy Khoa cho rằng, bên cạnh việc giáo viên là một "người bạn" đồng hành cùng học sinh thì cần đề cao quy tắc giao tiếp, tác phong đúng chuẩn cho các em.

Theo thầy, trong tiết hoạt động trải nghiệm, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách cư xử văn hóa, dặn dò các em lễ phép chào giáo viên, nhân viên và khách của nhà trường.

Đối với giáo viên chủ nhiệm, thầy cô cũng nên phổ biến cho các em trong những tiết sinh hoạt về quy tắc ứng xử, nhắc nhở kỹ về chuẩn mực, giới hạn trong trường học để giữ hình ảnh đẹp, trong sáng.

"Tôn sư trọng đạo" là cách mà thầy Lưu Văn Bán, giáo viên trường THPT Phạm Phú Thứ TPHCM thường nhắc nhở học sinh. Thầy thường dặn dò các em học sinh nam về tác phong, đồng phục chỉn chu, học sinh nữ không tự ý mặc váy cắt ngắn qua gối. 

Đối với những giáo viên trẻ, học sinh cũng cần ý thức cách cư xử, xưng hô chuẩn mực, không xem thầy cô ngang hàng mà có những hành động quá giới hạn.

Từ sự việc trên, dù cô giáo và học sinh đã kiểm điểm, thừa nhận lỗi sai nhưng đây là lời nhắc nhở cho những giáo viên trẻ về nghiệp vụ sư phạm và những chuẩn mực đạo đức trong môi trường học đường. 

Giáo viên gần gũi với học sinh sẽ tạo không khí tiết học thoải mái, mối quan hệ thầy và trò trở nên gắn bó. Mặt khác, thầy và trò cần nhận thức về hành động, suy nghĩ, lời nói để có cách ứng xử phù hợp.

Trước khi là một "người bạn" đồng hành cùng các em, thầy cô là người truyền đạt tri thức. Vì thế, giáo viên cần nghiêm túc làm gương, học sinh cần tránh những hành vi quá giới hạn, phá vỡ hình ảnh nghề giáo, một nghề cao quý và đáng tôn trọng.

Vì vậy, theo thầy Bán, trong môi trường sư phạm vốn đề cao tính chuẩn mực thì chúng ta cần ý thức rõ những ranh giới không được vượt qua, dù chỉ một lần.

Kỷ Hương