Những phương pháp phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ nhỏ
(Dân trí) - Cuộc sống thường ngày có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của trẻ. Vì vậy, việc tìm ra các phương pháp thích hợp để giúp trẻ hình thành nhân cách, cá tính, phát triển tư duy sáng tạo ngay từ khi trẻ còn nhỏ là một việc cần sự quan tâm chú ý của cha mẹ, gia đình và xã hội.
1. Phát triển tư duy, sáng tạo của trẻ qua hội họa:
Theo nhiều nghiên cứu từ trường University of Westminster_ London, Anh Quốc, cho trẻ tiếp xúc với hội họa ngay từ nhỏ sẽ giúp con thông minh hơn. Mỹ thuật được đánh giá là môn học kích thích sự sáng tạo, để trẻ thể hiện ra bên ngoài những suy nghĩ của mình, cụ thể hóa những điều trẻ thấy được. Do đó, thường xuyên vẽ sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức, thị giác phát triển và tăng khả năng vận động, tư duy về hình khối, màu sắc, sự liên kết sự vật, con người, cảnh quan…
Hiện nay ở nhiều trường mầm non và trường tiểu học, cách học môn mỹ thuật đã được thay đổi, và phương pháp dạy mỹ thuật kiểu Đan Mạch đang được áp dụng khá rộng rãi. Học sinh sẽ được làm việc cùng với nhau, cùng vẽ các chủ đề liên quan đến kinh nghiệm đã có của bản thân, vẽ theo nhạc, tự tạo hình từ những vật liệu có sẵn, hoặc tự tay xây dựng các bối cảnh cho một câu chuyện nào đó. Với cách tiếp cận đa dạng như vậy, trẻ em sẽ được hoàn thiện các năng lực về biểu đạt, năng lực phân tích và trình bày, năng lực giao tiếp và đánh giá.
Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy cùng với một đề bài, mỗi học sinh sẽ có rất nhiều hướng tiếp cận khác nhau, cách sử dụng hình khối và màu sắc khác nhau. Qua mỗi bản vẽ, chúng ta có thể nhìn thấy thiên hướng sáng tạo, thế giới nội tâm của từng bạn nhỏ. Các bạn vẽ theo cảm hứng của mình, dẫu đường nét còn vụng về nhưng đó là những hoạt động đầu tiên thôi thúc các em chứng tỏ khả năng của mình với những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, những người thân yêu nhất. Hãy thường xuyên bồi dưỡng hứng thú ngay từ nhỏ của các bạn, hãy để các con được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống, hãy để cho con có được tâm hồn cởi mở và thân thiện nhất.
Thế giới nội tâm của các em luôn rất phong phú với những cách lý giải thú vị chỉ chúng mới nghĩ ra. Đừng nên áp đặt sự đánh giá theo con mắt người lớn, Thông qua việc lắng nghe các con, cha mẹ cũng sẽ giúp con tăng khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn hơn.
2. Đọc sách phát triển thế giới quan
Thông qua việc khuyến khích trẻ đọc sách và cùng đọc sách với trẻ, cha mẹ sẽ góp phần dạy trẻ tự phân biệt những điều tốt xấu trong cuộc sống qua từng mẫu truyện. Thế giới quan của trẻ được mở rộng, những thông tin trẻ tiếp nhận được sẽ thẩm thấu vào trí não trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.
Học sinh đọc sách và thuyết trình về câu chuyện mà mình yêu thích nhất ( nguồn:FPT School)
Để việc đọc sách trở nên hiệu quả thì vấn đề chọn nội dung và phương pháp đọc phù hợp cũng không kém phần quan trọng. Cũng như người lớn, chỉ những cuốn sách có nội dung hay, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi mới dễ khiến các bé có ấn tượng và ham thích khi đọc. Vì thế, các bậc cha mẹ nên lựa chọn những cuốn sách có nội dung hợp với tâm lý và lứa tuổi của con em mình. Thêm vào đó, với đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ yêu thích âm thanh màu sắc sặc sỡ, cha mẹ cũng nên khéo léo trong việc chọn những cuốn sách không những có nội dung hay mà còn có nhiều hình ảnh minh họa, màu sắc phong phú và những âm thanh vui nhộn. Cùng đọc và trò truyện với trẻ những nội dung xoay quanh cuốn sách đó còn giúp cha mẹ tìm thấy “tiếng nói chung” với trẻ. Xây dựng thói quen cho trẻ phải thật tự nhiên không ngượng ép, hãy để cho trẻ cảm thấy vui và thoải mái khi được đọc sách.
3. Cảm nhận âm nhạc
Âm nhạc có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, trí não, tâm trạng và tinh thần. Với trẻ em, âm nhạc càng đặc biệt quan trọng bởi trẻ đang trong thời kỳ phát triển và cần được hấp thu những giá trị đẹp từ âm nhạc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ có cảm thụ âm nhạc tốt thường có xu hướng thông minh hơn những trẻ không có hứng thú hoặc thậm chí là ghét nghe nhạc.
Cha mẹ nên sắp xếp thời gian để trẻ có thể nghe nhạc ít nhất một lần mỗi ngày. Có ý kiến cho rằng, treo bộ loa ở gần quạt trần, như thế các nốt nhạc sẽ từ từ truyền đến tai con thật nhẹ nhàng và tự nhiên. Những giai điệu chậm thường thích hợp nhất cho lúc trẻ ngủ và giai điệu nhanh cho lúc trẻ chơi đùa. Ngoài ra, đối với những trẻ thể hiện năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, cha mẹ nên cho theo học một loại nhạc cụ nhằm phát huy hết tiềm năng của bé.
4. Học hỏi qua việc quan sát thế giới xung quanh
Trẻ cảm nhận thế giới xung quanh qua những trải nghiệm và quan sát của chúng. Cùng trẻ thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh vật, phân tích cho trẻ nghe những quy luật của tự nhiên sẽ giúp trẻ không những học hỏi được kiến thức mới về cuộc sống mà còn cảm nhận được rõ nét hơn những giá trị cái đẹp vô tận từ thiên nhiên, con người, cảnh vật xung quanh. Học hỏi từ thiên nhiên cũng là cách giúp cho các con hình thành những thói quen tư duy tốt. Theo quan sát tại một số trường học có triển khai môn học STEM hiện nay, khi học sinh được học các chương trình học tích hợp liên môn, được vận dụng khả năng quan sát thực tế vào bài học, những kiến thức khoa học trở nên rất dễ tiếp cận.
Việc cho trẻ quan sát tự nhiên không nên chỉ dừng lại ở mức độ đơn thuần là quan sát, mà còn cần sự định hướng, hướng dẫn, đặt câu hỏi để trẻ tự tìm cách khám phá các quy luật, vận dụng nó vào cuộc sống. Nếu cần thiết, hãy cho trẻ học tại các trường có chương trình giáo dục đổi mới, để trẻ được tiếp xúc với những người bạn chung sở thích, được thầy cô chỉ dẫn những bước cơ bản. Từ đó trẻ sẽ phần nào nhìn nhận khả năng, bổ sung kiến thức và hoàn thiện kỹ năng cho học sinh.
Kết luận:
Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, thế nên các bậc cha mẹ hãy giúp bé vẽ lên đó những hình ảnh đẹp nhất. Thế giới quan của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường mà trẻ được nuôi dưỡng và phát triển. Những giá trị thẩm mĩ, nét đẹp trẻ tiếp nhận thời gian này sẽ như một chất liệu xây dựng nên nét tính cách trẻ trong tương lai.