Những phụ huynh “hiếm” nhưng không “quý”

Không bao giờ đi họp phụ huynh, không tin khi thầy cô giáo kể tội, công an hỏi thăm về con mình. Họ là những phụ huynh “hiếm” nhưng không “quý”.

Người dưng với chính con cái mình

 

“Từ ngày cháu đi học đến giờ, chưa bao giờ ba mẹ cháu hỏi han chuyện học hành của cháu, mỗi lần cô giáo gởi giấy mời họp phụ huynh thì ba mẹ cháu né tránh, chẳng khi nào chịu đi, viện hết lí do này đến lí do kia. Sự thờ ơ, không quan tâm của ba mẹ như thế khiến cháu buồn lắm, tủi thân và có phần xấu hổ với bạn bè, thầy cô”.

 

Đây là lời tâm sự rất thật của em H, 14 tuổi, đang học lớp 7, ở một trường thuộc thành phố.

 

Nếu bố mẹ của H là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn khó khăn thì chúng ta còn có thể thông cảm một phần nào đó. Nhưng ngược lại, ở thành phố, một nơi thuận lợi, cuộc sống gia đình tạm ổn, phụ huynh em H lại hững hờ, vô tâm chuyện học hành con trẻ quả là đáng chê trách.

 

Tôi hiện đang làm chủ nhiệm lớp 12 C2, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Hiện trạng phụ huynh vô trách nhiệm, thiếu quan tâm đến chuyện học hành, tu dưỡng đạo đức của con em cũng tương đối nhiều, chiếm gần 1/3. Đặc biệt là phụ huynh của những em cá biệt, thường xuyên vi phạm, ngoài giáo dục, nhắc nhở trên lớp.

 

Tôi vẫn thường liên hệ, mời phụ huynh đến trường để trao đổi, tìm biện pháp giáo dục, rèn cặp con cái. Nhưng thay vì nói lời hứa hẹn, tìm cách giáo dục, chấn chỉnh con cái của mình, phần đa trong số họ thường hay ca cẩm, kể lể đủ thứ, nào gia đình túng thiếu, nào đi làm ăn xa, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ, nào là chúng tôi đã bất lực và có ý  gởi gắm, phó thác toàn bộ trách nhiệm cho nhà trường, thầy cô giáo.

 

Phải thấy rằng, cái quan niệm thời xưa, trò hư là do thầy cô đến hôm nay không còn phù hợp nữa. Bởi lẽ, nhà trường, thầy cô chỉ quản lí, giáo dục được các em trong thời gian học tại trường còn ra đường, ở nhà thì thầy cô sao lo cho xuể.

 

Có những em ở trường lớp “hiền như đất” nhưng bước ra đường thì quậy như Chí Phèo, làm toàn việc tày trời: đâm chém, trấn lột...

 

Cũng có những phụ huynh, khi nghe thầy cô hoặc công an báo cáo về hành vi, sai trái của con em, lại tỏ ra rất bảo thủ, chủ quan, và cho rằng các thầy, các chú công an nói nhầm đứa nào đấy, chứ con tôi nó ngoan, nó tội lắm, làm gì mắc sai phạm thế kia.

 

Đừng bỏ rơi con cái

 

Diễn biến đạo đức, hành vi của con trẻ, học sinh phổ thông hiện nay có dấu hiệu rất phức tạp, ngày càng xấu đi, khó thể lường hết được nguy cơ tiêu cực. Nếu chỉ dựa dẫm vào đôi vai của thầy cô, nhà trường thì tôi tin chắc rằng, một chân kiềng không đủ làm cái kiềng đứng vững.

 

Chúng tôi không đủ lực, không thể dạy dỗ học trò có hiệu quả, chuyển biến theo chiều hướng tốt dần lên nếu chúng tôi dạy một đường, xã hội và gia đình làm một nẻo.

 

Tôi nhận thấy, các phương tiện thông tin càng ngày càng đưa nhiều những vụ án liên quan đến đối tượng học sinh, và tính chất các vụ án mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Điều đáng tiếc là khi  gây án xong, thành chuyện lớn rồi, mới thấy lực lượng công an tới điều tra... Mọi việc lúc này đều đã quá muộn.

 

Qua thực tế, chúng nhận thấy khâu phát hiện, ngăn chặn từ đầu của công an hiện nay là chưa đạt, chủ yếu nói suông. Thậm chí có sự việc học sinh đâm chén nhau đến thủng bụng, đứt tay, báo nhiều lần, chờ hàng giờ mà vẫn chưa thấy tăm hơi, mặc dù trụ sở công an cách đấy không xa.

 

Giá như, nếu xã hội, gia đình cùng làm tốt công tác tuyên truyền, phát hiện, ngăn chặn kịp thời khi cái xấu mới manh nha, hình thành... thì đâu có những sự vụ đáng tiếc xảy ra với học sinh.

 

Ngoài ra, mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít và cùng chung gánh vác, trách nhiệm dạy dỗ học sinh giữa nhà trường - phụ huynh - xã hội hơn lúc nào hết, cần được phát huy, khơi dậy tối đa. Các em tuổi nhỏ, nhận thức, hiểu biết chưa nhiều, dễ bị cái xấu lôi kéo, làm cho sa ngã… rất cần sự quan tâm đầy đủ, sâu sắc của các bậc làm cha, làm mẹ,  kết hợp với nhà trường, kiên trì điều chỉnh, uốn nắn các em từ việc nhỏ đến việc lớn.

 

Người lớn hãy đừng bỏ rơi, đừng buông xuông với những học sinh cá biệt. Mỗi em một tâm tính, vì thế liệu pháp giáo dục của người lớn chúng ta cũng nên hết sức đa dạng, linh hoạt.

 

Theo Đỗ Tấn Ngọc
(Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi)
VTC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm