Những người mẹ nặng lòng với chuyện học của con
Dân trí) - Cũng vì chuyện học hành, bà Tiệp không biết bao lần đưa con đến trường rồi đón con ở bệnh viện tâm thần; chị Hằng “khùng” lầm lủi đi hái rau, bắt ốc nuôi con ăn học; bà Gấu hai mắt bị mù nhưng vẫn lần mò đi xin để nuôi 3 con ăn học…
Đưa con đến trường, đón con ở BV tâm thần
Điệp khúc buồn ấy đã đeo đuổi hơn 9 năm nay với người mẹ nghèo Huỳnh Thị Tiệp (67 tuổi), ngụ ấp Hoà Mỹ, xã Hoà Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Theo bà Tiệp, số lần bà đưa đứa con giỏi nhất nhà bị bệnh tâm thần Trần Văn Minh vào trường rồi đón anh ở bệnh viện tâm thần TP Cần Thơ bao nhiêu lần bà chẳng nhớ.
Bà Tiệp nghẹn ngào: “Gia đình không có “cục đất chọi chim” nhưng nuôi 6 miệng ăn. Vì thế vợ chồng tui thấy rằng chỉ có cho con ăn học thì đời chúng nó mới thoát nghèo. Bởi vậy, ngày thằng Minh đậu đại học, vợ chồng tui mừng khôn xiết, họ hàng đến chúc mừng, rộn ràng cả xóm. Ai ngờ cháu nó học đến năm thứ 3 thì bắt đầu phát bệnh tâm thần và cứ tỉnh rồi lại dại và kéo dài gần 10 năm qua luôn chú ơi”.
Theo bà Tiệp, khoảng đầu năm học năm thứ 3 (năm 2004), anh Minh đi ra đường hễ thấy nhánh cây nào bị gãy là anh dừng lại lấy nẹp rồi dung dây băng bó lại như y tá băng bó vết thương. Có lần vì hành động “lạ lùng” này, Minh bị nhân viên xí nghiệp cây xanh bắt vì tội phá hoại cây xanh. Từ đó, gia đình anh đưa đến bệnh viện tâm thần TP Cần Thơ điều trị hết học kỳ 1 năm thứ 3. Sang học kỳ 2, mẹ anh Minh đưa anh lên Cần Thơ đăng ký cho anh Minh học tiếp. Nhưng vào lớp học chưa được 1 tháng, Minh tiếp tục đi ra đường băng bó “vết thương” cho những nhánh cây bị gãy.
Gần 10 năm qua, bà Tiệp chịu nhiều vất vả, không biết bao lần ra vào bệnh viện tâm thần chăm sóc cho anh Minh.
Sau lần nhập viện thứ 3, anh Minh về nhà và nghe lời bác sĩ, người thân không đi học được 3 năm. Đến năm 2010, anh Minh bỗng nhiên quyết chí đi học lại, anh đi mua sách vở tự học ở nhà và nộp hồ sơ thi vào ngành Xây dựng dân dụng (hệ Cao đẳng) do trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Hậu Giang tổ chức tuyển sinh.
Kết quả thi, anh Minh là một trong 3 thí sinh đỗ cao nhất trong tổng số hơn 100 thí sinh trúng tuyển. Nhưng do thí sinh trúng tuyển không đến làm hồ sơ nhập học nên nhà trường tạm quản 1 năm. Đầu năm học 2011 - 2012, nhà trường mở lớp, bà Tiệp mừng thầm đưa anh Minh đến trường đóng tiền nhập học cho anh. Ai ngờ anh Minh học đúng 1 tháng thì bệnh cũ tái phát, nhà trường thông báo cho gia đình và bà Tiệp lại khăn gói hoả tốc xuống Hậu Giang đưa anh Minh vào bệnh viện tâm thần điều trị tiếp.
Ông Trần Hiến - cha anh Minh kể: “Bây giờ bạn bè của nó ra trường, có công ăn việc làm hết rồi, bởi thế đây cũng là áp lực đối với cháu Minh. Mặc dù các bác sĩ bảo đừng cho cháu học nữa nhưng vì thương con, cháu Minh đòi đi học là mẹ của nó lại đưa nó đến trường, dù gần 10 năm qua những lần ra vào viện làm bà kiệt sức nhưng chẳng thấy bà than thở một lời nào”.
Theo bà Tiệp cho biết, mặc dù 5, 6 năm anh Minh mới gặp lại bạn bè học chung lớp nhưng điều làm mọi người ngạc nhiên là anh nhớ tên từng người một. Hễ bệnh thì thôi còn tâm trí tỉnh lại là lấy giáo trình ra xem tới xem lui rồi tính toán, sẽ xây nhà đẹp cho gia đình ở
Mẹ khùng bán rau nuôi con ăn học
Người phụ nữ đó tên là Phạm Thị Kim Hằng (sinh năm 1975) có vấn đề thần kinh từ nhỏ. Cứ vào mỗi buổi sáng, bà con ở dọc hai bên đường từ xã Phú Quí đến Nhị Quí (Cai Lậy, Tiền Giang) thường nghe tiếng rao “Cua, ốc rau bập bợ đây…” và sau tiếng rao ấy là xuất hiện một người phụ nữ dắt theo sau cậu bé trai. Cả hai đều khệ nệ xách những cái giỏ mà trong đó có mớ rau dại, mớ ốc đắng hay những con cua đồng đem bán.
Cuộc mua bán cũng diễn ra rất đặc biệt. Người mua chỉ việc kêu mẹ con chị Hằng lại và tự lựa chọn món hàng mà mình cần. Và cho dù mớ hàng đó có nhiều hay ít, khi hỏi giá để trả tiền bao giờ chị Hằng cũng nói giá có 2.000 đồng.
Nhận được tiền, chị Hằng liền quay sang đưa số tiền ấy cho cháu Minh Thương. Cháu Thương vuốt thẳng những đồng tiền lẻ ấy và lẩm nhẩm đếm, sau đó nhảy lên vui mừng và cất vào túi, nói nhỏ với chị Hằng: “Ngày mai mình có tiền đong gạo ăn rồi mẹ ơi!”.
Hàng ngày chị Hằng "khùng" đi hái rau, bắt ốc,... đêm ra chợ bán lấy tiền nuôi cháu Minh Thương ăn học.
Được biết, năm 30 tuổi lợi dụng tâm trí chị Hằng bất ổn, kẻ xấu xâm hại chị nên sinh ra bé Phạm Minh Thương. Người dân địa phương cho biết, trước đây bệnh tình chị Hằng nặng lắm, suốt ngày chị nói nhảm, đi lang thang ngoài đường, la hét... Nhưng từ khi sinh cháu Thương ra, chị Hằng dường như tỉnh táo hơn trước, biết tự nấu cơm, nấu cháo đút cho con. Khi cháu Thương bị bệnh, chị biết bế sang hàng xóm nhờ người đưa đi ra trạm y tế khám. Có lẽ tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến cho chị tỉnh trí hơn.
Nghe nói đến chuyện học hành, chị Hằng “khùng” đứng lên kéo tay chúng tôi vào nhà “khoe” những sách vở, đồng phục mà chị đã chuẩn bị cho cháu Minh Thương trong năm học mới. Trong căn chòi tối om, chỉ có duy nhất một cái giường để hai mẹ con ngủ. Trên nóc mùng có những tấm ni-lông cột chằng chịt phía trên “để che không cho mưa ướt ngủ mới được”…
Chị Hằng “khùng” lò mò tìm hộp quẹt thắp cây đèn dầu. Chỉ cho chúng tôi thấy hai quyển sách giáo khoa và tiếng Việt lớp 3, vài quyển tập được quấn kĩ trong tấm ni-lông 3-4 lớp vỏ sợ mưa ướt. Chị bảo: “Mua cho thằng con đi học mà chưa đủ, mai mốt bắt cua, hái rau... bán để dành tiền mua thêm cho nó”.
Trước khi chúng tôi ra về, chị Hằng “khùng” còn kịp lấy cuốn tập của cháu Minh Thương, mở ra và chỉ vào 1 trang vở và nói: “Tên của tôi là Phạm Thị Hằng, con tui nó viết tặng tui đó, nó bảo nó đi học để mai này đi làm nuôi tôi!”.
Mặc dù tâm trí không bình thường, nhưng hễ ai nhắc đến chuyện cho cháu Minh Thương nghỉ học là chị Hằng “khùng” tỏ vẻ bực tức và quát lại: “Không đời nào!”. Ngược lại ai có hỏi cho cháu Thương học để làm bác sĩ thì mặt chị sáng lên.
Mẹ mù đi xin ăn, mong con nên người
Đó là hai vợ chồng, ông bà Phạm Văn Mơ (67 tuổi) và bà là Nguyễn Thị Gấu (61 tuổi) ở tại 474/4 ấp Long Thành A, xã Long Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp). Vợ chồng họ là hai mảnh ghép cuộc đời, anh Mơ tật nguyền chân tay co quắp, chị Gấu bị di chứng trận đậu mùa cướp đi đôi mắt lúc 4 tuổi, sống cuộc đời tăm tối, lấy nghề ăn xin để nuôi thân.
Đến năm 1986, hai người gặp nhau nên duyên chồng vợ, khi ấy chồng 42 tuổi, vợ 36 tuổi cùng nhau nâng đỡ, dắt díu nhau tiếp tục đi xin ăn sống qua ngày, từ đó sinh và nuôi ba cô con gái ăn học.
Biết bao mồ hôi, cơ cực, tủi nhục để nuôi con, bù lại các con rất có hiếu và chăm học. Cô con gái lớn là Phạm Thị Hương, 25 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành Công tác xã hội. Phạm Thị Thùy Lan, 22 tuổi, hiện học năm 4 đại học ngành Tài chính ngân hàng ĐH Đồng Tháp và con út Phạm Thị Thùy Dung 17 tuổi, học lớp 12. Cuộc sống khó khăn, có nhiều lúc ông bà tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng không muốn các con cơ cực nên họ lại nỗ lực vươn lên, lo cho các con ăn học. Những lúc đau bệnh, không đi xin được phải đi vay tiền góp rồi đi xin dè xẻn trả lại.
Suốt cuộc đời, bà Gấu chưa có một ngày ngơi nghỉ. Lúc trẻ thì cùng chồng đi ăn xin nuôi con ăn học, còn hiện tại thì bà chăm sóc chồng bị bại liệt.
Gia đình họ sống vốn đã khó khăn, nhưng đến năm 2010, cơn tai biến đột ngột biến ông Mơ tay chân co quắp thành bại liệt, không còn đi đứng được. Bà Gấu vừa chăm chồng, vừa phải đi ăn xin để lo cho các con ăn học, tuy nhiên bệnh ông Mơ mỗi ngày một nặng nên bà Gấu không còn đi ăn xin phải ở nhà săn sóc cho chồng từng viên thuốc, miếng ăn.
Tất cả cuộc sống cả gia đình 5 năm miệng và hai em đi học trông cậy vào cô con gái lớn Phạm Thị Hương, tuy nhiên do mới ra trường, lương hợp đồng mỗi tháng chỉ được hai triệu rưỡi làm sao trang trải cho bản thân và gia đình trong khi người cha mỗi ngày phải có thuốc men.
Bà Gấu nói trong dòng nước mắt: “Mấy mươi năm qua, vợ chồng tôi có vất vả thật, nhưng bù lại các con được ăn học đàng hoàng, vợ chồng tui mừng lắm! Đôi lúc, thấy gia đình túng thiếu, một mình cháu Hương lo toan mọi chuyện, tui định đi xin hay bán vé số trở lại, nhưng các con không cho và nếu đi thì không ai chăm sóc ông nhà!”.
"Cuộc đời đã ghép họ lại đầy thương cảm, đầy nước mắt. Nhưng với tấm lòng của một người mẹ mù loà, chấp nhận vất vả lần mò đi xin ăn để lo cho 3 con ăn học… Tấm lòng của bà Gấu thật cao cả như biển trời!", ông Lê Văn Dư, hàng xóm với ông Mơ, bà Gấu nói với chúng tôi trước lúc chia tay.
Nguyễn Hành