Những người "gieo chữ" trên đảo

Cách TPHCM không xa, nhưng để đến được Thiềng Liềng, Thạnh An - hai xã đảo của huyện Cần Giờ phải mất nhiều thời gian ngồi đò. Xa xôi cách trở là vậy, nhưng vẫn có những người trẻ bám trụ gieo chữ cho học trò nghèo....

Ở những người giáo viên trẻ ấy toát lên một khát vọng dấn thân, cho dù công việc trăm bề khó khăn.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, lấy chồng rồi về làm dâu ở xã Đồng Hòa (huyện Cần Giờ), Trần Thị Kim Hương luôn ấp ủ ước mơ được đứng lớp. Trường tiểu học Đồng Hòa đã đủ giáo viên, muốn đi dạy phải về Trường Thạnh An. Khó tránh khỏi cảm giác đắn đo, băn khoăn, bởi khi ấy hai vợ chồng mới cưới. Từ Đồng Hòa muốn đến Thạnh An phải đi một chặng xe buýt và một giờ đi đò, nhưng không phải lúc nào chuyện đò xe cũng thuận tiện. Nếu đi dạy, hai vợ chồng mỗi tuần chỉ có thể gặp nhau ngày cuối tuần.

Ngày con tròn bốn tháng, Hương bịn rịn chia tay con lúc tờ mờ sáng mà nước mắt chảy quanh, bao nhiêu háo hức được gặp lại học trò bỗng dưng mất biệt. "Đã nhiều lần tôi muốn bỏ việc khi nghĩ đến đứa con thơ ở nhà thiếu vắng hơi mẹ. Nhà tôi có cửa hàng tạp hóa, một mình mẹ chồng coi cũng không xuể. Nếu tôi nghỉ dạy về nhà phụ gia đình buôn bán, thu nhập có khi còn hơn nghề giáo mà lại được gần con, gần chồng. Đêm nghĩ thế nhưng ngày vào lớp, nhìn các em học trò nhỏ cứ quấn quýt, tôi lại thấy mình không thể bỏ nghề". 

Cứ thế, Hương đã gắn bó với xã đảo này hơn 6 năm.

Khi được hỏi "Bây giờ có còn muốn rời Thạnh An?", Hương thật thà: "Sẽ không trung thực nếu trả lời không, vì chẳng người vợ nào không muốn được gần chồng con. Nhưng tôi sẽ còn ở Thạnh An, sẽ chờ cho đến khi có người đến hoán chuyển chứ nhất quyết không bỏ việc giữa chừng". 
 
Những người "gieo chữ" trên đảo  - 1
Ba giáo viên trẻ Bình, Loan và Hương đang trao đổi chuyên môn ngày cuối tuần.

Năng động, nhiệt tình, giàu nghị lực và đặc biệt có tài luyện chữ đẹp cho học sinh - đó là những nhận xét của hầu hết giáo viên Trường tiểu học Thạnh An dành cho thầy giáo trẻ Lê Hữu Bình. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Hữu Bình vào Cần Giờ dạy học với lời gửi gắm của cha mẹ: "Con vô đó đi dạy tạm một thời gian, chờ bố mẹ tìm được việc làm khác ngoài này, lại quay ra". Đã đi xa nhà, lại ở xã đảo xa xôi, nhưng những điều đó không khiến thầy giáo Bình buồn bằng việc mỗi lần lên lớp, thầy nói mặc thầy, học trò vẫn cứ mắt chữ O, miệng chữ A, không thể hiểu giọng nói Nghệ An đặc sệt của thầy. Không chịu thua, Hữu Bình bắt đầu "làm mới mình" bằng cách giảng bài chậm hơn, chủ động tìm hiểu để nói đúng "kiểu" miền Nam. Mỗi ngày, sau giờ dạy học, Bình lại tự luyện giọng giảng bài. Chỉ vài tháng sau, "cổng giao tiếp" thầy - trò đã hoàn toàn thông suốt.

Năm năm gắn bó với Thạnh An, Hữu Bình không nhớ mình đã thôi không còn mong về Nghệ An từ lúc nào. Không chỉ là một giáo viên trẻ hết lòng với công tác giảng dạy, Hữu Bình còn gắn bó với nhiều hoạt động, phong trào của trường. Anh vừa được giao đảm nhận trọng trách hiệu phó. Khi tôi hỏi: "Dự kiến ở lại Thạnh An thêm bao lâu nữa?", có tiếng cười khúc khích của các cô giáo trẻ và câu trả lời thay: "Ảnh đang muốn xây tổ ấm ở Cần Giờ, quyết định cắm sào ở Thạnh An rồi".

Về Thạnh An từ đầu năm học 2009-2010, cô giáo Phạm Thị Loan lại phải tiếp tục lênh đênh trên đò thêm một giờ nữa để vào ấp đảo Thiềng Liềng. Tới nơi Loan mới phát hiện, so với Thiềng Liềng, Thạnh An vẫn là khu "đô thị cao cấp". Ấp Thiềng Liềng, nhà lá nhiều hơn nhà gạch. Muốn gọi điện thoại di động, phải chạy lòng vòng để tìm được nơi có sóng. Khi điện chỉ được chạy máy phát từ 18g30 đến 22g30 mỗi ngày thì internet trở thành giấc mơ xa xỉ. Chưa hết, mỗi ngày chỉ có hai chuyến đò ra Thạnh An.

Lớn lên ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chưa bao giờ Loan hình dung có một nơi như thế lại thuộc TPHCM. Gặp Loan sau hơn 6 tháng làm quen với môi trường mới, nếu Loan không nói ra, khó ai có thể nghĩ rằng cô giáo trẻ ấy đã từng rất buồn và hụt hẫng ngày mới đặt chân đến Thiềng Liềng. "Đã đi xa thì không sợ khổ. Miễn sao được làm đúng công việc mình yêu thích". Suy nghĩ ấy nhanh chóng giúp Loan thích nghi với môi trường mới. 

Nỗi day dứt của Loan bây giờ là học trò còn quá nghèo, phải nghỉ học hoặc "cúp cua" để giúp cha mẹ kiếm tiền. Sợ học trò mất bài, hụt kiến thức, cô tới từng nhà học sinh, vận động cha mẹ cho con đến lớp học thêm buổi chiều. Giọng cô giáo Loan bỗng chùng xuống khi kể chuyện mùa nước cạn, học sinh phải bì bõm lội sình từ tờ mờ sáng để đến lớp. "Nhìn các em vượt khó đến trường, tôi càng cố gắng nhiều hơn, lại yêu công việc nhiều hơn".

Theo Hoàng Cúc
Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm