Những ngành trọng điểm cần nhân lực

Ba nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thị trường lao động TP HCM đã công bố báo cáo nhu cầu nhân lực các ngành trọng điểm giai đoạn 2018-2020 đến 2025.

Ưu tiên phát triển 3 nhóm ngành công nghiệp

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.


Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trong giờ thực hành. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trong giờ thực hành. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Quy hoạch đề ra mục tiêu, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như: cơ khí - luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may - da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí. Quy hoạch giai đoạn đến năm 2035 định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành: cơ khí - luyện kim; điện tử - tin học; dệt may - da giày.

Quy hoạch phân bố không gian vùng lãnh thổ chia theo 5 vùng, trong đó xác định: Vùng Trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản, công nghiệp thủy điện, một số dự án luyện kim. Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử. Vùng duyên hải miền Trung (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế vận tải biển. Vùng Tây Nguyên phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Đông Nam Bộ (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ. Vùng ĐBSCL (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL) tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy - hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng và sửa chữa các loại phương tiện đánh bắt xa bờ.

TP HCM mỗi năm cần 150.000 chỗ làm việc mới

Tại TP HCM, giai đoạn 2018-2020, tổng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế TP tăng trung bình 2,1%/năm, từ mức 4.346.000 người năm 2016 lên khoảng 4.611.000 người vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu nhân lực tăng trung bình 3%/năm, lên khoảng 5.345.000 người vào năm 2025.

Theo định hướng đến năm 2025, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỉ trọng khu vực dịch vụ, nhu cầu nhân lực giữa các khu vực cũng có sự dịch chuyển. Đến năm 2018, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế TP HCM lần lượt là: Dịch vụ (65,19% - 65,68% - 67,84%), công nghiệp, xây dựng (32,70% - 32,40% - 30,73%) và nông nghiệp (2,11% - 1,92% - 1,43%).

Trong tổng nhu cầu nhân lực, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỉ trọng 19%, 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm 45%, các ngành nghề khác chiếm 36%.

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng 35%, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính chiếm tỉ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm 7%, các nhóm ngành khác chiếm 3%-5%.

Trong giai đoạn 2018-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP HCM bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc mới). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất là 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, CĐ chiếm 16%, ĐH chiếm 17%, trên ĐH chiếm 2%.

Cần kỹ năng hơn bằng cấp

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thị trường lao động TP HCM, cho biết thị trường lao động tồn tại nghịch lý thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề hiện rất thiếu, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có. Tuy vậy, phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành, yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn.

Bối cảnh của năm 2018 có thể mở ra một hướng nhìn hiện nay và những năm sắp tới. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, bảo đảm kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

"Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, bảo đảm kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công" - ông Tuấn nói.

Theo Huy Lân

Người Lao Động