Trường Chu Văn An nhận danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới":

Những nét tinh hoa của Trường Bưởi - Chu Văn An

(Dân trí) - Mới đây, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội là một trong số 11 tập thể và 1 cá nhân được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Lễ đón nhận danh hiệu"Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới" của Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19/11/2010, kỷ niệm Ngày truyền thống Trường Bưởi - Chu Văn An và Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
 
Những nét tinh hoa của Trường Bưởi - Chu Văn An - 1
Học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới.
 

Xin giới thiệu đôi điều về những nét tinh hoa "Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi" của mái trường xuyên thế kỷ này.

  

Những nét tinh hoa của Trường Bưởi - Chu Văn An thể hiện ngay từ những ngày đầu thành lập từ năm 1908. Thầy trò nhà trường không chịu nhận tên trường mình là “Trường Trung học Bảo hộ ” do người Pháp đặt mà chỉ gọi là trường Bưởi với lý do ai cũng phải chấp nhận: “trường được xây dựng ở Bưởi”.

 

Thời gian đầu thành lập, học sinh trường Bưởi tổ chức nhiều cuộc bãi khóa đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, để tang nhà trí thức yêu nước Phan Chu Trinh. Nhiều học sinh trưởng thành trong các phong trào đấu tranh đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng và dân tộc như đồng chí Ngô Gia Tự - bí thư xứ ủy Nam kỳ, Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí Đào Tùng, Lê Văn Lương...

 

Nhiều cán bộ khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, chính trị,  quân sự được nhiều người quí trọng đã từng là thầy, trò nhà trường như các ông Dương Quảng Hàm, Trần Văn Khang, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Lân, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sơn, Nguyễn Mạnh Tường, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Tôn Thất Tùng, Nguỵ Như Kon Tum, Từ Giấy, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới, Hồ Trúc...

 

Một số lãnh tụ nước bạn Lào như Chủ tịch Xu- Pha-nu-vông, Tổng bí thư Kai Sỏn Pom-vi-hản cũng đã có nhiều năm học ở Trường Bưởi.

 

Sau đảo chính Nhật-Pháp, từ tháng 6/1945, trường mang tên Chu Văn An - vị danh nho đời Trần, người thầy mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.

 

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, thầy Dương Quảng Hàm được cử làm hiệu trưởng Trường Chu Văn An. Sau đó cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12 năm 1946 bắt đầu.

 
Trên chiến khu Việt Bắc, từ đầu năm 1947, Trường Trung học Kháng chiến Chu Văn An được xây dựng do thầy Trần Văn Khang, một giáo viên Trường Chu Văn An trước đây, nhận quyết định làm hiệu trưởng. Nhiều học sinh sau này đã trưởng thành, góp phần xứng đáng  vào công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước như các giáo sư Đỗ Quốc Sam, Nghiêm Chưởng Châu, Nguyễn Tài Thu, Trần Đỗ Trinh, Tạ Long, Nguyễn Đình Nghi..., nhiều người đã là bộ trưởng, thứ trưởng, thầy thuốc nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, giáo sư, tiến sĩ....

 

Trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm, cuối năm 1948, Trường Chu Văn An được mở lại. Nhiều hoạt động yêu nước chống địch được tổ chức với những tấm gương sáng của các anh, chị Dương Tự Minh, Nguyễn Tô, Lê Văn Ba, Trịnh Văn Bảo, Dương Thị Ngân, Đỗ Hồng Phấn, Trần Văn Thụ, Vũ Tự Huỳnh, Trần Hiếu...

 

Thủ đô Hà Nội giải phóng, Trường Chu Văn An luôn dẫn đầu các trường cấp 3 ở Hà Nội trong các phong trào học tập, lao động. Nhiều học sinh của trường đã phấn đấu  trở thành những nhà khoa học, kỹ thuật, văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho đất nước, xã hội hiện đang sống và làm việc trong và ngoài nước như các anh chị Phạm Quốc Anh (chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam), Đinh Sĩ Đại (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An), Dương Trung Quốc (tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử), Vũ Quần Phương (nhà thơ), Nguyễn Cẩm Tú (Thứ trưởng Bộ Công thương), Trương Gia Bình (tổng giám đốc FPT), Bùi Quang Ngọc (phó Tổng Giám đốc FPT), Từ Đễ (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân Huấn, Bộ Tổng tham mưu), Nguyễn Sĩ Hưng (nguyên tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Việt Nam Airlines), Nguyễn Khánh An, Nguyễn Thu Lan, Vương Trí Nhàn, Đức Trung, Quí Dương, Thanh Tùng, Tô Lan Phương, Vũ Hà Văn...

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trường Chu Văn An - Sài Gòn đã hoạt động từ tháng 10/1954 do thầy Vũ Ngô Xán làm hiệu trưởng. Nhiều học sinh ra trường, tốt nghiệp đại học đã có nhiều đóng góp đáng kể cho xã hội được nhiều người biết đến như Nguyễn Đắc Điều, Trần Quang Đôn, Vũ Xuân Hoài, Du Tử Lê, Bùi Trọng Liễu, Phạm Chí Khải, Nguyễn Đức Năng, Phạm Xuân Yêm...

 

Các Hội ái hữu Chu Văn An ở Sài Gòn, nam California (Mỹ), Canada, Australia... đã tổ chức được nhiều cuộc gặp mặt tình nghĩa hàng năm, xuất bản nhiều cuốn hồi ức về Trường Bưởi -Chu Văn An gửi về biếu các bạn ở Việt Nam.

 

Nhiều cựu học sinh trường hiện đang sống ở nhiều nước ngoài vẫn thường xuyên giữ quan hệ với Ban Liên lạc cựu học sinh Trường Bưởi - Chu Văn An trong nước, nhiều lần đóng góp tiền vào quĩ học bổng của trường. Đó là các ông bà Phạm Quang Khai, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Y Đức, Nguyễn Xuân Cao ở Mỹ; Bùi Văn Bảo, Lê Quang Thuỵ, Đỗ Ngọc Liên, Nguyễn Hữu Nam, Hoàng Ngọc Khôi ở Canada; Lê Văn Quí ở Nhật, Đỗ Quang Trị, Trần Đắc Vị, Ngô Văn Cường ở Pháp; Cao Văn Thái, Tô Thị Cảnh, Nguyễn Ngọc Dung ở Thụy Sĩ....

 

Thời gian qua, nhà trường phấn khởi đón tin các học sinh của trường gồm Nguyễn Văn Chư, Nguyễn Tiến Sâm, Vũ Xuân Thiều, Đặng Đình Trường, Đặng Thuỳ Trâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Các giáo sư Dương Trọng Bái, Từ Giấy, Nguyễn Tài Thu vốn là thầy trò trường Bưởi - Chu Văn An vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

 

Ông Chử Xuân Dũng, hiệu trưởng Truờng THPT Chu Văn An, cho biết: Trong 10 năm gần đây (2000-2010), hàng năm, số học sinh xếp loại tốt về đạo đức đạt trên 95%, số học sinh đỗ vào đại học đạt trên 90%, trong đó nhiều năm có nhiều học sinh của trường đậu thủ khoa khi thi vào các trường đại học, nhiều lớp có 100% học sinh thi đỗ đại học. Qua các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh nhà trường đã đoạt 10 huy chương Olympic khu vực, 74 học sinh giỏi quốc gia, 1218 học sinh giỏi cấp TP, nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic như Olympic Toán học Hà Nội - Singapore mở rộng, Olympic tiếng Anh khối các trường THPT TP Hà Nội. Ngoài ra học sinh trường đã đoạt nhiều huy chương vàng,  bạc, đồng các môn cờ vua, Teakwondo, khiêu vũ thể thao, Hội khỏe Phù Đổng... cấp quốc gia, cấp TP.

 

Trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp TP từ năm 2000 đến 2010, nhà trường đã đọat 19 giải: 6 giải nhất, 8 giải nhì và 5 giải ba, nhiều năm liền được giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khen thưởng là đơn vị đạt thành tích xuất sắc dẫn đầu trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp TP.

 

Nhà trường được ngành GD-ĐT TP Hà Nội đánh giá là đơn vị dẫn đầu về phong trào tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên nhà trường có trình độ chuẩn và trên chuẩn cao nhất của TP.

 

Thời gian qua, Trường THPT Chu Văn An đã vinh dự  nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước:

 

- Huân chương Lao động hạng ba (năm 1968)

- Huân chương Lao động hạng nhì (năm 1992)

- Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 1998)

- Bằng Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia (năm 2004)

- Biển Di tích Cách mạng kháng chiến (năm 2005)

- Biển Lưu niệm địa danh Bác Hồ đến thăm trường (năm 2006)

- Liên tục từ năm học 2000-2001 đến năm học 2009-2010, nhà trường được công nhận là trường "Tiên tiến xuất sắc", "Tập thể Lao động xuất sắc"; trong 2 năm học 2007-2008 và 2008-2009 nhà trường được UBND TP Hà Nội tặng cờ "Đơn vị Thi đua xuất sắc", dẫn đầu khối các trường THPT TP Hà Nội.

- Trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT giai đoạn 2001-2010.

- Danh hiệu "Anh hùng Lao động" (theo Quyết định số 1538/QĐ-CTN ngày 11/9/2010 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

 

 
Hà Nội 2/11/2010

Đỗ Sâm - Đức Trung