Nhung “mồ côi” 2 lần học đại học
(Dân trí) - Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, là học sinh giỏi văn, đỗ đại học nhưng phải bỏ vì không có tiền đi học, nhưng ước mơ cháy bỏng vào đại học đã không dập tắt trong em khi cuộc sống đang cơ cực.
Đó là Trịnh Hồng Nhung, ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Những đứa con côi cút
Mẹ Nhung làm y tá ở bệnh viện huyện, bố làm may ở nhà, thu nhập chỉ đủ ăn với 4 đứa con nhỏ nhưng gia đình nhỏ này luôn đầy ắp tiếng cười. Cuộc sống êm đềm đó chẳng được bao lâu, mẹ Nhung bị bệnh nặng không đi làm được, cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào thu nhập của bố.
Do mẹ bệnh lâu, phải chạy chữa nhiều, gia đình Nhung lâm vào cảnh túng thiếu, Nhung và chị gái (lúc đó Nhung học lớp 2, chị gái học lớp 4) phải đi bán nước chè xanh ở bến xe, chợ. Bán được đồng nào chị em về mua gạo đồng đó. Do lao lực nhiều, bị suy kiệt, bố Nhung đã mất đột ngột, năm sau mẹ Nhung cũng theo chồng để lại 4 chị em Nhung côi cút giữa đời.
Thương những đứa con mồ côi, dân làng đã góp mỗi gia đình gánh rạ, bơ gạo giúp chị em Nhung lợp lại nhà và cứu đói tạm thời.
Chị gái của Nhung lúc đó học lớp 7, đã bỏ học làm đủ nghề, từ làm thuê ở xưởng gạo, đi mò cua, bắt ốc để bán. Làm quần quật từ 3 giờ sáng không kể trời mưa giá rét mong có tiền lo cho các em. Chị thứ 2 của Nhung phải bỏ học và được người hàng xóm giới thiệu vào trong Nam làm nghề giúp việc.
Cuộc sống thiếu thốn, cái đói luôn rình rập chị em Nhung, nhưng vẫn không làm giảm sự ham học của những người con mồ côi. Năm nào Nhung và em gái cũng đều là học sinh giỏi văn của tỉnh. Năm cấp III, Nhung đã đỗ thủ khoa trường chuyên của tỉnh.
Năm đó, chị gái Nhung lấy chồng, gia đình cũng khá giả nên chị em Nhung được nhờ và được đi học.
Khói thuốc sưởi ấm những đêm lạnh
Nụ cười vừa hé trên gương mặt của Nhung thì bỗng vụt tắt. Gia đình chị gái làm ăn thất bại, lâm vào cảnh túng thiếu. Chị gái Nhung do không có bằng cấp nên ra bán nước chè ngoài vỉa hè. Nhung ngày đi học, tối về giúp chị bán hàng.
Ước mơ vào đại học không còn trong Nhung. Được động viên của thầy cô giáo, bạn bè và cố gắng của chị gái, Nhung cũng tốt nghiệp được cấp III với tấm bằng loại giỏi.
Được học xong cấp III, Nhung cảm thấy may mắn lắm rồi. Nhung trở về nhà nhận móc len thuê để nuôi người em gái ăn học. Cố gắng để không phải nhịn đói, hai chị em thay nhau móc len. Móc đến tận 3 giờ sáng, dù lưng đau muốn gãy nhưng vẫn phải cố.
Không ngăn được dòng nước mắt khi nhớ lại, Nhung tâm sự: “Có những đêm trời lạnh, hai chị em co ro trong chăn, tay cứng lại nhưng vẫn cố gắng móc. Nhiều đêm quá lạnh, em đã nghĩ ra cách hút thuốc để ấm hơn. Biết con gái hút thuốc là không được nhưng không còn cách nào khác. Mỗi tháng, thu được 800.000đ đủ trang trải cuộc sống của hai chị em”.
8 năm mới toại nguyện ước mơ
Tích cóp được ít tiền, sau 6 năm bỏ học, Nhung quyết tâm thi đại học.
Nhung yêu thích môn văn và thi vào ĐH Sư phạm khoa Văn. Năm đó Nhung thi được 22 điểm thiếu 1 điểm để vào khoa Văn, Nhung vào Khoa Việt Nam học.
Khi học được 1 năm, không thể đủ tiền tiếp tục học, hơn nữa để người em gái được đi học, Nhung đã tự nguyện bỏ học về nhà tiếp tục làm nghề móc len để em gái thi Cao đẳng Sư phạm.
Hai năm sau, khi em gái đã học năm thứ 2, Nhung trở lại trường và đăng ký thi vào khoa Văn. Nhung đã trúng tuyển vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Uớc mơ trở thành cô giáo dạy văn đã thành hiện thực. Vừa vào học, vừa dạy thêm nên đủ chi tiêu cho cuộc sống của mình, mỗi tháng Nhung gửi về cho em gái 200.000đ. Mặc dù, thuộc diện được vay tiền ngân hàng nhưng Nhung không dám vay vì sợ về sau không trả được.
Sau 8 năm Nhung mới đạt được ước mơ của mình trở thành sinh viên khoa Văn. Nhung tâm sự: “Em không sợ khổ, khi tốt nghiệp em xin tình nguyện lên miền núi dạy”.
Hồng Hạnh