Những lợi ích khi đưa tư duy doanh nghiệp vào quản trị trường đại học
(Dân trí) - Đại học theo mô hình doanh nghiệp không chỉ đào tạo thực tiễn, giàu tính ứng dụng và "kích thích" tinh thần sáng tạo, mà còn là giải pháp phát triển kỹ năng mềm một cách toàn diện cho sinh viên.
GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho rằng, hiện nay các trường đại học thực sự đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn đối với các mô hình quản trị đại học truyền thống có từ lâu đời, nhà nước gần như bảo trợ toàn bộ mọi hoạt động cũng như chi phí cho các trường đại học.
Ở Việt Nam, chi phí phục vụ cho giáo dục đại học tiếp tục tăng nhưng nguồn thu từ ngân sách và người học càng ngày càng giảm. Do đó, các trường Đại học cần được quyền chủ động và linh hoạt trong việc thu hút các nguồn tài chính và phát huy mọi tiềm năng của nhà trường.
Tự chủ là giải pháp căn cơ phát triển giáo dục đại học
GS.TS Đinh Xuân Khoa cho biết, việc thực hiện tự chủ đại học sẽ là giải pháp căn cơ để phát triển giáo dục đại học Việt Nam theo hướng bền vững và hội nhập.
Theo đó, tự chủ đại học hoàn toàn không có nghĩa là các trường đại học nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học và mở rộng các lĩnh vực được tự chủ,cùng với đó là việc đòi hỏi trường đại học phải tự chịu trách nhiệm về các mặt hoạt động của họ.
Trường đại học thực hiện quyền tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp; trước pháp luật; trước cộng đồng xã hội; và với chính nhà trường về các mặt liên quan đến phạm vi được trao quyền tự chủ.
Mức độ tự chủ càng lớn thì trường đại học phải tự chịu trách nhiệm càng cao, điều đó có nghĩa là chất lượng mọi mặt hoạt động của trường đại học phải được cải tiến một cách tuyến tính so với mức độ tự chủ được trao.
Chủ trương giao tự chủ cho các trường cũng là một giải pháp quy hoạch mạng lưới một cách tự nhiên. Trong mạng lưới, mỗi trường vẫn phải chủ động nghiên cứu thị trường, vì mỗi trường có phân khúc riêng, từ đó, có những điều chỉnh về nội dung, giáo trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp.
Khi tự chủ, các trường chủ động kiểm soát được các hoạt động và sẽ phát triển tốt, nếu các trường không tìm kiếm được nguồn tuyển sinh, yếu kém trong quản lý sẽ phải tự giải thể.Trongquy hoạch lại mạng lưới, nếu các trường không tự chủ thì Nhà nước không thể cóđủ nguồn tài chính đầu tư lâu dài cho bộ máy quá lớn như hiện nay.
Thay đổi phương thức quản lý nhà nước và quản trị đại học
GS.TS Đinh Xuân Khoa phân tích, từ việc xác định tự chủ đại học dẫn đến cần phải thay đổi phương thức quản trị đại học. Nói đến tự chủ là nói đến mối quan hệ giữa Nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, tự chủ cao đồng nghĩa với mức độ can thiệp thấp của Nhà nước vào các công việc của cơ sở giáo dục đại học.
Trên thực tế, các trường đại học Việt Nam có mức độ tự chủ thấp, một trong những nguyên nhân chính là sự can thiệp sâu của Nhà nước đối với giáo dục đại học: phân bổ ngân sách; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quyết định mở/đóng ngành đào tạo; khung chương trình hay mức học phí và tổ chức nhân sự.
Theo đó, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng chính sách, hành lang pháp lý và trên hết là không làm thay và can thiệp vào công việc nội bộ của các trường, cần củng cố và xác lập vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư và hỗ trợ cho các trường, trên cơ sở trao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội/giải trình cho các trường.Theo đó, nhà nước có vai trò giám sát.
Về mối quan hệ giữa ba thiết chế quản trị trường đại học tự chủ, nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban chấp hành trung ương, Quốc hội và Chính phủ ở tầm quốc gia. Ở đây cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa bộ phận lãnh đạo, quản trị và bộ máy điều hành, quản lý. Khi các bên hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau thì quan hệ giữa các bên sẽ tốt đẹp và được tối ưu hóa, sức mạnh của các thiết chế này sẽ được cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp, mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều so với từng thiết chế riêng rẽ.
Vận dụng tư duy doanh nghiệp trong quản trị trường đại học
Từ những phân tích trên, GS.TS Đinh Xuân Khoa cho rằng, cần thiết phải vận dụng tư duy doanh nghiệp vào quản trị đại học.
Qua tổng hợp các trường đại học theo mô hình doanh nghiệp trên thế giới, GS Khoa cho biết, hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam đang dần dần chuyển hướng từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng gắn kết với thực tiễn. Các trường đại học lớn của Việt Nam cũng đang dần dần tìm cách dấn thân vào thực tiễn với những mô hình gắn kết giữa trường đại họcvới giới công nghiệp -doanh nghiệp -dịch vụ.
Đại học theo mô hình doanh nghiệp không chỉ đào tạo thực tiễn, giàu tính ứng dụng và "kích thích" tinh thần sáng tạo,màcòn là giải pháp phát triển kỹ năng mềm một cách toàn diện. Trong đó, nhiệm vụ của trường đại học là xây dựng một môi trường giáo dục cởi mở, năng động, tạo nhiều sân chơi dành cho sinh viên; doanh nghiệp trở thành "chặng đường thứ hai" - vừa như một "bài kiểm tra" để sinh viên biết mình thiếu gì, cần gì, vừa như một đích đến để sinh viên xây dựng mục tiêu phấn đấu và đại học theo mô hình doanh nghiệp còn được quan tâm đến vì việc quản lý của trường đại học còn được thực hiện theo mô hình quản lý của doanh nghiệp.
Như vậy, nếu lựa chọn đại học theo mô hình doanh nghiệp thì sẽ có những lợi ích sau: Đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội; giải quyết bài toán về chi phí đào tạo cho các trường đại học; hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở trường đại học; tạo cơ hội để các trường đại học liên kết và hội nhập quốc tế; thực hiện trách nhiệm xã hội của trường Đại học; hướng đến mục tiêu cá nhân khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp.
Để vận hành hiệu quả mô hình này, theo GS.TS Đinh Xuân Khoa cần quan tâm các chiến lược sau:
Thứ nhất, mô hình doanh nghiệp đại học cho phép các trường đại học được quyền tự chủ rất lớn, rất linh hoạt, mềm dẻo, có tính thích nghi cao, gắn chặt với thực tiễn sản xuất và xã hội.
Quyền quản lý giáo dục đại học không thuộc về nhà nước, quản lý cấp nhà nước chủ yếu là vấn đề cấp ngân sách và thanh tra - kiểm tra chất lượng đào tạo của nhà trường, còn lại thuộc quyền quản lý của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, quản lý ở cấp địa phương cũng là một phần mang tính chất đặc thù, phần lớn còn lại là các trường gần như có toàn quyền quyết định mọi việc của mình. Đây là cơ hội cho các trường chủ động phát huy thế mạnh, gắn đào tạo với thực tiễn phát triển của địa phương, khu vực và quốc tế, gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và tạo ra giá trị kinh tế.
Với cơ chế tự chủ về nhiều mặt, trường đại học có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhà trường, thành lập các cơ sở, trung tâm sản xuất chuyển giao công nghệ để tạo ra giá trị kinh tế ngay trong trường đại học hoặc hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương thực hiện các nhiệm vụ đào tạo và phi đào tạo.
Thứ hai,một bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục đại học là việc thành lập Hội đồng trường đối với trường đại học công lập, hội đồng quản trị đối với trường đại học tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Hội đồng trường trong các trường đại học đảm bảo tính minh bạch cao, đặc biệt là việc giám sát hoạt động của ban giám hiệu, vì thế mà hoạt động điều hành của các trường trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Ngoài ra việc phân quyền quản lý trong trường đại học có thể khai thác hết thế mạnh của từng cá nhân, tổ chức trong các bộ phận của trường đại học do việc phân tán nhiệm vụ liên kết doanh nghiệp vềcho từng khoa/bộ môn là giải pháp hiệu quả hơn là chỉ tập trung ở một bộ phận của trường đại học hoặc ban giám hiệu.
Các khoa /bộ môn có cơ hội chủ động mời các doanh nghiệp/tổ chức tuyển dụng liên quan đến từng chuyên ngànhđào tạo về từng khoa/bộ môn để cungcấp thông tin về các cơ hội việc làm cho sinh viên.
Mặt khác, mối quan hệ thường xuyên giữa nhà tuyển dụng và trường đại học đảm bảo gắn kết được thực tiễn với tri thức khoa học hàn lâm, phát huy và tận dụng được nguồn lực từ xã hội. Với cơ cấu tổ chức bao gồm các hội đồng tư vấn, hội đồng trường, ban giám hiệu, các phòng ban, khoa, viện, trường trực thuộc.
Ngoài ra, điểm mấu chốt ở các trường đại học theo mô hình doanh nghiệp đại học là ngoài cơ cấu tổ chức truyền thống, còn có các trung tâm, phòng, công ty không đào tạo. Các đơn vị này có nhiệm vụ thực hiện chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm trí tuệ, sử dụng các thành tựu nghiên cứu của trường đại học để tạo ra giá trị kinh tế cho trường và cho xã hội.
GS.TS Đinh Xuân Khoa cho hay, hiện nay các trường đại học trên thế giới đều vận hành theo mô hình doanh nghiệp hoặc mô hình dịch vụ công, do đó vấn đề xây dựng thương hiệu trường đại học trở thành vấn đề có tính thời sự và cấp thiết.
"Trên cơ sở tự chủ, vận dụng tư duy doanh nghiệp và quản trị thương hiệu trường đại học, Việt Nam cần đặt mục tiêu để một hoặc một số ngành đào tạo có thể xuất khẩu giáo dục nhằm quốc tế hóa giá trị của Việt Nam, để thương hiệu giáo dục đại học của Việt Nam có vị thế trong hệ thống giáo dục đại học quốc tế. Đây là một sự đầu tư chiến lược cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước và sự quyết tâm của đơn vị được lựa chọn thực hiện" – GS Khoa nhấn mạnh.
Nhật Hồng (ghi)