Chính sách cho GS, PGS:
Những hệ luỵ của một chế độ chưa rõ ràng?
(Dân trí) - Ngay từ khi ban hành Luật giáo dục (năm 1998) các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi của GS, PGS đều đã không rõ ràng. Theo GS. Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước, những đợt phong GS, PGS mới chỉ có ý nghĩa động viên khích lệ về mặt tinh thần là chính.
Còn theo Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước Đỗ Trần Cát thì chuyện chế độ, chính sách đối với GS, PGS chưa rõ ràng như thế từ lâu, mà chẳng cho kết quả gì cả. Muốn có kết quả là phải giao nhiệm vụ rõ ràng cụ thể và trả đồng lương xứng đáng. Nhưng, vấn đề đó đến nay vẫn chỉ là... thảo luận.
Cũng chính vì lương không đủ chi dùng trong gia đình nên từ lâu nay các GS, PGS nói riêng và các cán bộ công chức nói chung đều phải tìm nhiều cách để có thu nhập thêm ngoài lương.
Các khoản thu nhập này có thể được chia thành 4 loại: từ giảng dạy, đào tạo, từ nghiên cứu khoa học, từ các hợp đồng và chuyển giao công nghệ và từ các công việc khác ngoài chuyên môn. Có 85% số GS đều có thu nhập ngoài lương với các mức thu nhập khác nhau, từ 5 triệu đến 118 triệu đồng/năm.
Đối với PGS thì còn cao hơn nhiều, 92,25% người có thu nhập ngoài lương từ 5 triệu đến 300 triệu đồng. Điều này được giải thích chủ yếu là do giá trị của những khoản thu nhập ngoài lương không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của GS, PGS.
Sự bất hợp lý về thu nhập của GS, PGS còn được thấy rõ hơn nếu so sánh với các giảng viên trong việc giảng dạy. Thực tế, một giảng viên bình thường lên lớp nhiều giờ sẽ có mức lương thực tế cao hơn gấp bội lần so với lương của GS, PGS.
PGS. Phạm Kim Đĩnh (trường ĐH Bách Khoa HN) nhận xét: “nhiều GS, PGS chỉ chăm chú lên lớp hàng nghìn giờ mỗi năm để có thêm thu nhập với hàm lượng chất xám thấp nhưng có thu nhập cao và họ thực sự đã bị biến thành những thợ giảng!”.
Báo cáo của Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho thấy, các giáo sư Việt Nam đang nhận một mức đãi ngộ thấp đến mức đáng ngạc nhiên. Hơn 90% giáo sư mức thu nhập chưa đến 2 triệu đồng/ tháng. Có 11,7% giáo sư có thu nhập hàng tháng là 500.000đ/tháng, 48.1% giáo sư có mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng; 46,6% giáo sư có mức bình quân thu nhập lương từ 1 - 2 triệu đồng/tháng. Và chỉ có 5,3% giáo sư có thu nhập từ hơn 2 triệu - 2,5 triệu đồng/ tháng. |
Bên cạnh những bất cập về chính sách thì một thực trạng đáng buồn đối với lực lượng trí thức đầu ngành của đất nước là vừa thiếu và vừa già. GS. Trịnh Trọng Hàn bày tỏ sự lo lắng về độ tuổi bình quân quá cao của đội ngũ GS, PGS hiện nay qua các con số: 82,8% số GS và gần 31% PGS có tuổi trên 60. GS dưới 55 tuổi chỉ có 79 trong số 531 người, PGS dưới 45 tuổi là 64 trong tổng số 2.544 người.
Trong 123 đợt xét công nhận chức danh từ năm 1980 đến nay chỉ có 1 GS được công nhận ở độ tuổi ít nhất là 37 tuổi và 2 PGS được công nhận ở độ tuổi ít nhất là 37 và 38 tuổi. Tính đến tháng 7/2005, cả nước có 1131 người được phong chức danh giáo sư (GS), 5253 chức danh phó giáo sư (PGS). Trong đó, số người hiện đang làm việc thì chỉ còn 531/1131 GS và 2544/5253 PGS.
Bên cạnh đó, tỉ lệ GS, PGS ở nhiều tỉnh và nhiều trường ĐH còn rất thấp, thậm chí có nhiều nơi còn không có. Cụ thể trong số 87 trường ĐH thì 38 trường ĐH không có GS, 17 trường ĐH chỉ có 1GS, 9 trường ĐH có 2 GS và 15 trường ĐH có từ 4 GS trở lên. Nếu so sánh với số giảng viên và sinh viên đại học chính quy hiện có thì con số trên quá là khiêm tốn. Cụ thể là bình quân 120 giảng viên/1 GS và 23 giảng viên/1 PGS; bình quân 1400 sinh viên/1GS; 268 sinh viên/1 PGS.
Lý giải về sự vừa thiếu vừa già này, theo GS. Đỗ Trần Cát, việc công nhận chức danh GS, PGS không trẻ hóa được nhanh không phải vì cơ chế hay vì tiêu chuẩn quá chặt, quá cao mà vì không có người trẻ để mà xét! Nguồn để xét trong nước hiện nay hầu hết là các thế hệ được đào tạo từ lâu, đều đã khá lớn tuổi. Khoảng thiếu hụt này sẽ còn kéo dài một số năm nữa! Và GS Cát đã cảnh báo, nếu ta không kịp thời có những chính sách đãi ngộ xứng đáng, khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học trẻ, ta sẽ khó lòng mà có một thế hệ GS, PGS trên dưới tuổi 40.
Châu Bi