1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Những đứa trẻ thất học ở “làng đại học”

(Dân trí) - Đầu năm học mới, lũ trẻ vui mừng khi được gặp lại bạn bè, thầy cô, thì những đứa trẻ ở “làng đại học” (xóm Cồn, P. An Cựu, TP Huế) vẫn lầm lũi với cuộc sống mưu sinh trên phố. Giấc mơ được cắp sách đến trường dường như quá xa vời với các em bởi “cơm ăn còn thiếu huống chi…”

Những bước chân nhỏ trên phố

 

5 giờ sáng, bến xe An Cựu vẫn yên tĩnh, chỉ vài ba người chuẩn bị dọn hàng ra bán. Phía trong nhà chờ, những đứa trẻ đang tranh thủ đếm lại xấp vé số để bắt đầu một ngày kiếm tiền, có đứa tranh thủ làm một giấc ngay trên hàng ghế ngồi.

 

Cô bé khoảng chừng 12 tuổi vừa bước vào đã nằm bịch xuống ghế, một tay ôm chặt chiếc túi, một tay giữ khư khư tập vé số. Vừa thiu thiu ngủ, nghe tiếng bước chân, cô bé choàng dậy cầm xấp vé số: “Chú ơi mua vé số không”, người khách lắc đầu bỏ đi, cô bé không nói gì tiếp tục nằm xuống ghế…

 

Mặt trời dần lên, bến xe đông dần, những đứa trẻ bán vé số bắt đầu “xuất bến”. Chúng vào các quán ăn xung quanh, nhảy lên xe, đứa chờ ở cổng ra vào, đứa đứng ngay ở phòng bán vé, cũng có đứa ở lại phòng chờ khách… để kiếm vài ba ngàn.

 

Trong bến xe có vài ba đứa một tay bồng em nhỏ, tay kia bưng thúng mì hay rổ đậu phụng đi bán.

 

Quá trưa, người thưa dần, bọn trẻ tranh thủ lót bụng bằng ổ mì không, hay đĩa cơm chỉ hai ngàn để chiều đi bán tiếp. Chúng tranh thủ nghỉ giấc ở đây, nhưng có đứa đã bắt đầu rải bước trên những con phố…

 

Đó là những đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học ở “làng đại học” mà ít trong số đó còn được đến trường.

 

Những đứa trẻ thất học ở “làng đại học” - 1

Ba đứa bé ở “làng đại học” phải sớm mưu sinh với những tấm vé số.

Cô bé Dương Thị Mơ (13 tuổi) bắt đầu câu chuyện của mình bằng tâm sự buồn: “Em muốn đi học lắm, nhưng không có tiền  nên phải ở nhà…”. Trước kia, Mơ cũng được đến trường, nhưng đó chỉ là lớp học xóa mù ban đêm nên cô bé cũng chỉ biết đánh vần “i, tờ” mà thôi. Nhà có năm chị em nhưng chỉ có một đứa đi học, Mơ nghỉ học lớp xóa mù vì cả ngày đi làm vất vả, đêm không có sức đến trường.

 

Cũng như Mơ, cô bé Nguyễn Thị Tham và đứa em nhỏ năm nay vừa lên 9 tuổi ngày ngày lang thang ở các quán hàng, bến xe để bán vé số. Đã gắn bó với cái bến xe nhỏ này từ khi chập chững biết đi. Tham nghỉ học khi vừa kết thúc lớp bốn xóa mù trên đường Phan Chu Trinh, bởi gia cảnh khó khăn, bố mẹ chỉ kiếm tiền bằng nghề đạp xích lô và lượm bao chai.

 

Tham là chị cả nên phải nghỉ học để cho những đứa em tới trường. Tham kể có lúc bị mẹ mắng vì em liều mua một cái vé số bằng số tiền lời cả ngày để mong nhà mình không nghèo nữa, và em sẽ được đến trường.

 

Hai anh em Quang (15 tuổi) và Tâm (13 tuổi) may mắn hơn là đang được đi học. Quang lên lớp bảy - Trường THCS Duy Tân, còn Tâm vào lớp 5 Trường Tiểu học Ngự Bình. Một buổi đi học, một buổi hai anh em ra bến xe bán vé số. Ngày mai đã vào năm học mới, nhưng hai anh em vẫn tranh thủ đi bán vé số để có tiền đóng học phí.

 

Ước mong có một bộ quần áo mới của Tâm vào ngày tựu trường cũng không thành hiện thực, vì: “Ba em chừ đang bệnh nặng, mẹ cũng không biết kiếm mô ra tiền để cho hai anh em đóng học phí nữa”.

 

Trời đã về chiều, những đứa trẻ bán hàng ở bến xe tiếp tục rải bước trên những hè phố để kết thúc một ngày mưa sinh…

 

“Cơm ăn còn thiếu huống chi…”

 

Những đứa trẻ thất học ở “làng đại học” - 2

Em Dương Thị Bé (áo hồng), mẹ và những đứa cháu của mình trong ngôi nhà tồi tàn.

Theo chân những đứa trẻ về nhà khi hoàng hôn buông xuống ở “làng đại học”, bên kia đường, những ánh đèn cao áp của nhà thi đấu ĐH Huế đã bắt đầu sáng, nhưng ở đây vẫn tối om. Gọi là nhà nhưng thực ra đây chỉ là khu “ổ chuột” của những người dân trước kia vốn sống lênh đênh trên thuyền về đây dựng lều sống qua ngày, thế nên bọn trẻ trước đây không được đến trường vì không có giấy khai sinh. Cuộc sống vất vả hiện hữu rõ trên khuôn mặt của những người làm cha, làm mẹ và cả những đứa trẻ của khu xóm này.

 

Hôm hai đứa con của chị Nguyễn Thị Bé vào năm học mới, một đứa lớp 3, một đứa lớp 1 nhưng vợ chồng chị vẫn không biết kiếm đâu ra gần một triệu bạc để nộp cho con. Chị cho biết: “Hai vợ chồng chắt chiu hơn ba tháng mà vẫn không đủ. Mai mốt nhà trường gửi giấy về tui cũng chẳng biết tính răng nữa”.

 

Chị Bé ngày đi lượm ve chai, chồng đạp xích lô ở chợ An Cựu, thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày. Đứa con đầu (18 tuổi) bị tật nguyền bẩm sinh, đứa thứ hai (15 tuổi) mà chưa một lần được đến trường, tuổi thơ phải làm thuê vất vả nơi bãi rác, đứa thứ ba chỉ học hết lớp 3 xóa mù thì phải nghỉ học để đi kiếm tiền. Chị tâm sự: “Cũng muốn cho tất cả bọn chúng đi học để thoát cái cảnh nghèo khổ này lắm, nhưng tiền mô mà lo cho hết được”.

 

Chị Nguyễn Thị Diệp (30 tuổi) đi nhặt chai bao từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm mới về, chồng đạp xích lô. Cũng vì túng thiếu nên đứa con đầu (11 tuổi) phải nghỉ học, nhà chỉ còn một đứa năm nay học lớp 3 vậy mà chị vẫn không đủ vài trăm ngàn cho nó nhập học.

 

Nhà cô bé Dương Thị Bé ở tít trong sâu, căn nhà tềnh toàng, xiêu vẹo, chỉ đủ cho ba người ra vào. Ba qua đời khi em mới 10 tuổi, mẹ đã ngoài 60 tuổi, các anh chị cũng đi lấy vợ lấy chồng nên nhà chỉ có hai mẹ con. Trong ánh sáng lờ mờ từ cái đèn dầu tôi cũng thấy được những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của người phụ nữ này: “Thương con lắm, cũng muốn cho con đi học để bớt khổ nhưng miếng ăn còn thiếu huống hồ chi cái chữ”.

 

Rời “làng đaị học”, tôi mãi băn khoăn mãi với ước mơ của các em ở “làng đại học” này: “Nhiều lúc thấy các anh chị sinh viên lên đây học mà thèm, ước chi nhà em không nghèo thì em cũng sẽ cố gắng để được như các anh chị ấy”… 

Quang Tám
(Lớp Báo chí K27 - ĐH Khoa học Huế)