Những đứa trẻ "có vẻ thông minh" lớn lên khó thành công?

Lệ Thu

(Dân trí) - Cựu hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa (top 1 châu Á) lưu ý, nếu bố mẹ nuôi dạy sai cách chỉ tạo ra những đứa trẻ "có vẻ thông minh", nhưng lại khó thành công sau này.

Hoàn hảo liệu có tốt?

"Hiện nay trong khuôn viên trường Thanh Hoa có rất nhiều "học sinh loại A", thể hiện năng lực học tập xuất sắc ở nhiều môn học. Đây là túyp học sinh rất được giáo viên ưa thích. Rất nhiều phụ huynh cố gắng ép con mình để có vẻ ngoan ngoãn, thông minh giống như vậy. Trong mắt mọi người, học sinh nào đạt nhiều điểm A đó chính là những học sinh hoàn hảo.

Tuy nhiên, khi bước ra ngoài xã hội, khả năng thích ứng của nhóm học sinh, sinh viên này không hề cao. Ngược lại không ít em chẳng mấy khi được 100 điểm nhưng lại có khả năng hòa nhập cao - kiểu sinh viên này dễ thành công hơn, tương lai cũng rộng mở hơn", Cựu hiệu trưởng Trần Cát Ninh của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), ngôi trường đại học tốt nhất châu Á năm 2021 theo xếp hạng của Times Higher Education (THE) nêu quan điểm.

Những đứa trẻ có vẻ thông minh lớn lên khó thành công? - 1

Những đứa trẻ thường xuyên đạt điểm A rất được lòng phụ huynh, giáo viên nhưng lớn lên bước ra ngoài xã hội lại khó thành công.

Ông cảnh báo phụ huynh cách nuôi dạy con máy móc, áp đặt, chạy theo thành tích có thể tạo nên kiểu sinh viên "thông minh giả". Hệ lụy của việc luôn cố gắng khiến con thông minh (theo thước đo điểm số) là đánh mất cơ hội để rèn luyện những giá trị thiết thực khác như kỹ năng tư duy, cách đối mặt với các khó khăn, thử thách và biết chấp nhận rủi ro, thất bại.

Những đứa trẻ có vẻ thông minh lớn lên khó thành công? - 2

Ông Trần Cát Ninh - Cựu Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa.

Vị cựu hiệu trưởng chỉ ra 3 kiểu biểu hiện mà phụ huynh luôn nhầm tưởng là con thông minh:

Trẻ luôn làm theo các quy tắc của bố mẹ và thầy cô một cách rập khuôn

Dựa theo những quy tắc sẵn có, con trẻ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà các giáo viên và phụ huynh đặt ra, cũng thể hiện sự ngoan ngoãn, nghe lời mà nhiều gia đình tự hào.

Nhưng nếu có vấn đề phát sinh, trẻ thường thể hiện rõ sự lúng túng, không biết phải làm gì sáng tạo. Việc tư duy theo quy tắc có sẵn lâu dần sẽ tạo thành thói quen, khiến năng lực tưởng tượng, sáng tạo ban đầu của trẻ bị "nuốt chửng". 

Trẻ học giỏi nhưng lại không giỏi giao tiếp

Có những học sinh rất giỏi các môn xã hội như Văn hay Anh, nhận vô số điểm 10 trên trường lớp nhưng khi bước ra ngoài xã hội thực tế lại không nói nổi nên lời, không thể hòa nhập. Tất cả những kiến thức tích lũy trong suốt nhiều năm chỉ nằm lại trong sách vở. Khi gấp sách lại, kiến thức xã hội bằng 0, kỹ năng giao tiếp bằng 0, các em nhất định sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống sau này. 

Trẻ dường như rất chăm chỉ nhưng dễ xao nhãng, thiếu tập trung

Nhiều phụ huynh thắc mắc, tại sao khi còn nhỏ, con cái rất thông minh, học hành giỏi giang nhưng càng trưởng thành thì thành tích càng trở nên bình thường, dù vẫn dành nhiều thời gian để học tập chăm chỉ. 

Bởi lẽ, trẻ đã không tìm được niềm yêu thích, say mê thực sự trong việc học như bố mẹ nghĩ. Hình ảnh trẻ bên bàn học với đống sách có khi chỉ là cách đối phó của chúng với phụ huynh.

Phương pháp nuôi dạy ban đầu là chìa khóa

Theo vị cựu hiệu trưởng , cha mẹ phải thay đổi từ căn nguyên gốc, đó chính là phương pháp nuôi dạy ban đầu. Con trẻ chỉ có thể phát triển toàn diện cả về tâm lý và tư duy khi phụ huynh tôn trọng trẻ, để trẻ bày tỏ ý kiến nhiều hơn và kích thích khả năng tư duy độc lập của trẻ. Cảm giác tự chủ của trẻ sẽ liên quan mật thiết đến năng lực học tập trong tương lai.

Những đứa trẻ có vẻ thông minh lớn lên khó thành công? - 3

Những gì mà trẻ tự trải nghiệm sẽ dễ hiểu và dễ nhớ hơn gấp chục lần so với việc được dạy dỗ bằng lý thuyết sách vở.

Nếu ý thức tự chủ kém sẽ làm giảm khả năng phân tích chủ quan khi phải ứng phó với thách thức, khó khăn bất ngờ. Khi không có tư duy cá nhân thì học giỏi thôi là chưa đủ để đạt tới thành công trong cuộc sống sau này.

Thứ hai, dạy cho con hiểu về sai lầm và thất bại trong cuộc sống và sẵn sàng dám làm, dám sai. Đó là cách trẻ không ngừng tò mò, sáng tạo với thế giới xung quanh, khám phá và trưởng thành. Những gì mà trẻ tự trải nghiệm sẽ dễ hiểu và dễ nhớ hơn gấp chục lần so với việc được dạy dỗ bằng lý thuyết sách vở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm