Những điểm trừ của du học sinh Việt (Kỳ 6)

(Dân trí) - Có lẽ, điểm trừ “xấu xí” nhất mà một vài bạn du học sinh Việt mang theo trong hành trang học tập của mình ở nước ngoài chính là… gian lận.

Dường như đây là hệ quả tất yếu của những thói xấu mà trong những kì trước của loạt bài viết này, mục Du học báo Dân Trí đã đề cập đến. Từ việc thiếu hòa nhập với môi trường xung quanh,khả năng tiếp thu bài học không cao hay tình trạng trốn học thường xuyên dẫn đến việc không thể nắm bắt được kiến thức.

 

Do đó muốn có thể vượt qua các kì thi, các du học sinh này đã phải gian lận mới hi vọng có thể hoàn thành chương trình học. Nhất là hiện nay, khi các phương tiện kĩ  thuật số đang ngày càng phát triển, những chiêu trò lại càng được sử dụng nhiều hơn với những cách thức thật tinh vi!

 

Những điểm trừ của du học sinh Việt (Kỳ 6)
Có nhiều lý do để các bạn trẻ phải dùng đến “thủ thuật” trong học tập, nhưng dù thế nào thì đó cũng là điều chẳng hay ho gì, nhất là khi bạn đi du học.
Ảnh minh họa



Phải là người rất thân quen thì T.N, du học sinh Anh mới tiết lộ về chuyện học thi của anh chàng ở xứ sở sương mù: “Học ở Anh thật sự vất vả vì thường xuyên phải làm bài tập cũng như các bài kiểm tra trong khi vốn tiếng Anh cũng tớ chỉ mới đủ để giao tiếp cơ bản.Thế nên bài tập phải nộp tớ thường thuê đứa bạn làm hộ. Khi có bài kiểm tra, nếu khéo léo tớ có thể chụp hình đề rồi gửi cho bạn tớ qua điện thoại, nó sẽ làm rồi gửi lại cho tớ chép. Nhờ cách này mà tớ đã qua hai kì học với điểm số khá ổn rồi đấy!”.

 

Đ.A (hiện đang theo học tại Đức), lại là một trường hợp khác. Vì những công việc làm thêm giúp cho cậu kiếm được một khoản kha khá để phục vụ thói đua đòi, nhất là khi làm đêm, nên cậu ta lao vào kiếm tiền gần như chẳng còn thời gian cho việc học thêm ở nhà. Thường xuyên đến lớp với tình trạng gà gật, đã không ít lần cậu ta ngủ quên trong lớp học, nên bài ở trên lớp hầu hết cậu không hiểu gì. Đến khi có bài kiểm tra thì cố gắng bằng mọi cách quay cóp để hoàn thành bài thi.

 

Không đến nỗi quá “chán” như hai trường hợp ra nước ngoài theo “học bổng của bố mẹ” nói trên, nhưng kể cả khi là đối tượng học theo học bổng danh giá hẳn hoi thì cũng có những bạn du học sinh một đôi lần… dính phải tình huống trớ trêu này.

 

Sang Úc du học với học bổng toàn phần, vì gia đình không có điều kiện nên M.N (22 tuổi) rất cố gắng.Vừa học hành chăm chỉ vừa tranh thủ làm thêm để  kiếm tiền trang trải cuộc sống và có thể phụ giúp gia đình. Nhưng cũng vì mức hỗ trợ tài chính dựa trên điểm trung bình học tập, dù đã cố gắng phân bố thời gian học và làm thì N cũng rất lo sợ bị mất học bổng. Vì thế, “đôi khi tôi cũng phải gian lận trong một vài môn học mà tôi không tự tin” – N nói!

 

Cuộc sống xứ người vốn đã đầy những vất vả, khó khăn; học và thành danh nơi nước bạn càng không dễ. Nhưng dù với lí do gì thì việc gian lận trong học tập cũng đều là điểm trừ nặng, đặc biệt khi đó là những người Việt mang theo hy vọng, công sức và tiền bạc của gia đình, xã hội mà đi du học. Cầm tấm bằng về nước với những điểm số chẳng phải của mình, chắc hẳn cũng áy náy lắm!

 

Hải Nam