Những đề thi học kỳ gây sốc

Tại Cần Thơ là đề thi môn văn lớp 9, tại Huế là đề thi môn lịch sử lớp 12. Hai đề thi sau khi được phát ra cho thí sinh đều khiến nhiều giáo viên... bàng hoàng.

Cần Thơ: Trắc nghiệm... 8 trong 1

Sáng qua 9/5, sau khi kiểm tra đề thi môn văn, các giáo viên bộ môn của Trường THCS Lương Thế Vinh mới ngỡ ngàng khi thấy đề thi có nhiều điều chưa ổn và sự việc được báo lên ngay cho ban giám hiệu. Do lịch thi được định sẵn nên đề thi cứ thế được phát ra cho học sinh làm bài.

Đề thi được chia ra làm hai phần: trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm có tất cả tám câu, mỗi câu 0,5 điểm. Nội dung cả tám câu của phần thi trắc nghiệm đều chỉ xoay quanh tác phẩm Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Một giáo viên bộ môn văn khối lớp 9 cho biết: đề thi trắc nghiệm chỉ tập trung vào một tác phẩm, không mang tính tổng quát của chương trình học làm cho mục đích của việc thi trắc nghiệm không đạt... Theo ông, lẽ ra phần trắc nghiệm phải rải câu hỏi ra toàn bộ nội dung chương trình học.

Mặt khác, hình thức các câu trắc nghiệm cũng rất có vấn đề. Ví dụ: trong câu 1 hỏi “Dòng nào sau đây nêu đúng về tác giả và thời điểm sáng tác truyện ngắn Bến quê?”, câu 2 hỏi “Ý nào sau đây nêu tình huống chính của truyện Bến quê?”, nhưng đến câu 3 lại hỏi: “Ở trên giường bệnh, Nhĩ đã cảm nhận thấy gì qua khung cửa sổ?”.

Một giảng viên đại học bộ môn ngữ văn cho rằng: “Trong thi trắc nghiệm thì mọi câu hỏi đều phải độc lập với nhau, không câu nào liên quan đến câu nào”. Như vậy trong câu hỏi trắc nghiệm thứ 3 này thì Nhĩ là ai? Trong tác phẩm nào vậy? Chẳng biết Nhĩ... ở đâu ra! Sang câu hỏi 4 thì trở lại truyện Bến quê. Các câu 5, 6, 7 lại trở về cách hỏi “ngang hông” kiểu... “Nhĩ ở đâu ra” như vậy.

Cũng trong phần thi trắc nghiệm này, nhiều đáp án vô nghĩa, không thành câu... Ví dụ như câu hỏi 4: “dòng nào sau đây không phải là đặc điểm nghệ thuật nổi bật của truyện ngắn Bến quê”. Phần trả lời câu “a” là: “Tổ chức miêu tả và đối thoại hành động nhân vật”.

Hay câu “d” của câu hỏi 8 ghi “Thức tỉnh con người hãy tìm đến chỗ dựa tinh thần lớn lao...”. Giảng viên đại học trên nói: trong thi trắc nghiệm thì có thể ra đề theo kiểu đánh đố, làm “nhiễu” thông tin thí sinh, nhưng không nên đưa ra những câu vô nghĩa, không đầu không đuôi trong đáp án.

Huế: Ngẩn ngơ với đề môn Sử

Phần tự luận này (đề thi lớp 9, môn văn, tại Cần Thơ) cũng khiến các giáo viên và học sinh bức xúc. Trong câu 2 (5 điểm), đề thi yêu cầu phân tích đoạn thơ trong bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên.

Mặc dù bài thơ này những năm trước đây có trong chương trình giảng dạy, nhưng thời gian gần đây bài thơ này được liệt vào phần giảm tải chương trình. Cho nên bài thơ này chỉ còn mang tính tham khảo, đọc thêm.

Tuy nhiên, cán bộ ra đề vẫn cho học sinh thi phần này. Nhiều học sinh đã ngớ người ra khi nhận được câu hỏi trên. Các thầy cô giáo cũng trong tâm trạng như vậy.
 
Nhiều giáo viên ở Huế tỏ ra bức xúc về cách ra đề thi và đáp án môn lịch sử lớp 12 trong đợt thi trước đó (27/4).

Một giáo viên cho biết đề thi có ba câu, câu 1 quy định 4 điểm trong khi đáp án chỉ cho 3 điểm. Ngược lại, câu 3 quy định 3 điểm nhưng đáp án cho 4 điểm.

Nhưng nghiêm trọng hơn là nội dung đề thi và sự vênh nhau về cách hiểu từ “chiến thắng” và “chiến dịch”.

Đề thi yêu cầu điền “thời gian diễn ra” và “ý nghĩa của thắng lợi” “những thắng lợi quân sự, ngoại giao tiêu biểu” của các “chiến thắng Việt Bắc”, “chiến thắng biên giới”, “chiến thắng Điện Biên Phủ”. Trong khi đó đáp án yêu cầu điền “thời gian diễn ra”, nghĩa là thuộc phạm vi chiến dịch. “Người ra đề đã không hiểu được sự khác nhau giữa “chiến thắng” và “chiến dịch”, một giáo viên nhận định.

Chiều 9/5, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Hùng thừa nhận: "Sai sót là có, trước hết là từ các chuyên viên ra đề. Ông cũng cho biết đã điều chỉnh, chấm điểm theo cách ra đề chứ không phải theo đáp án".

Theo Tuổi Trẻ