Những đề án đào tạo tiến sĩ đi đâu, về đâu
Hàng nghìn người được học bổng đào tạo tiến sĩ theo Đề án 322 của Bộ GD-ĐT (học bổng đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước). Trong số đó, nhiều tiến sĩ đã quyết định ở lại nước ngoài sau khi có được tấm bằng, nhằm tìm một môi trường làm việc thật sự ưng ý.
Ở lại trường cũng khổ…
Theo Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD - ĐT, trong 10 năm (2000 - 2010), cả nước đã có 4.590 người du học theo học bổng 322, trong đó có 2.268 tiến sĩ. Đến nay, đã có 3.017 người về nước, trong đó có 1.074 tiến, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên đại học. Trong 10 năm đó, Nhà nước đã phải bỏ ra số tiền là hơn 2.500 tỉ đồng, trung bình mỗi năm chi 228,5 tỉ đồng. |
“Nhưng cũng không sung sướng gì vì vất vả lắm, vừa phải bảo đảm công việc cơ quan, vừa phải hoàn thành công việc bên ngoài, nên lúc nào cũng căng thẳng, thời gian dành cho mình, thậm chí dành cho gia đình cũng ít đi. Có những đợt, đêm nào tôi cũng phải thức rất khuya để làm xong việc cho dự án làm thêm, rồi sáng lại phải dậy sớm đi làm đúng giờ, rất mệt mỏi”, anh P.H cho biết thêm.
Theo anh P.H, giá như một tiến sĩ chỉ phải làm tốt công việc của mình là đã đủ bảo đảm cuộc sống thì sự cống hiến của họ cho cơ quan sẽ tốt hơn. “Bản thân tôi cũng đâu muốn đi làm ngoài, vì đôi khi phải “phân thân” nhiều quá, thì việc nào cũng không thấy hài lòng, nhưng vì cuộc sống, cũng chẳng biết làm thế nào”.
Cùng “hoàn cảnh” với anh P.H, nhưng sự “bức xúc” của anh Đ.T- một tiến sĩ của Đề án 322, hiện là giảng viên của ĐH danh tiếng ở Hà Nội cho biết: “Lương thấp đã khổ rồi, nhưng với những trí thức như chúng tôi, còn một điều nữa khiến chúng tôi bức xúc là làm ở cơ quan nhà nước thì người làm tốt hay người làm dở cũng được hưởng như nhau, đối xử như nhau, nên không thể khuyến khích người làm tốt. Ban đầu mới về, tôi cũng rất tâm huyết, đưa ra nhiều ý tưởng đề tài nghiên cứu, nhưng rồi thấy việc mình làm không được đánh giá cao, nên cuối cùng cũng dần “vo tròn” mình lại. Đây thực sự là một rào cản rất lớn, có thể khiến các tiến sĩ nhảy việc. Cần có cơ chế tốt hơn để phát huy năng lực của những người đã được đi đào tạo như chúng tôi, đồng thời góp phần giữ chân giảng viên có năng lực, tránh tình trạng chảy máu chất xám”.
Cần thay đổi tư duy
Đề án 322 dành tới 90% học bổng cho giảng viên các trường ĐH đi làm tiến sĩ. Nhưng như tâm sự trên của những người đã “sống trong chăn”, thì hầu hết sau một thời gian về trường họ đều cảm thấy chán nản, thấy không phát huy được những kiến thức mình đã được đào tạo. “Thật sự thấy tiếc cho thời gian mấy năm đào tạo, vừa mất thời gian của bản thân, vừa mất kinh phí, tiền bạc của nhà nước, rồi cuối cùng về bao kiến thức cũng chỉ “để đấy”, một thời gian là mai một hết. Lẽ ra khi đào tạo xong chúng tôi, thì phải có kế hoạch sử dụng cho hiệu quả, như vậy bản thân chúng tôi cũng thấy đỡ “áy náy” với xã hội hơn”, một tiến sĩ cho biết.
Về vấn đề này, lãnh đạo một số trường ĐH lớn như: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nơi có nhiều tiến sĩ được đào tạo theo Đề án 322, cho biết: Các trường cũng đã tìm nhiều giải pháp để giữ chân các giảng viên là tiến sĩ, bằng cách giúp họ ổn định thu nhập, có thể là tổ chức thêm các dự án để họ tham gia, giúp họ sử dụng được những kiến thức đã được đào tạo. “Tôi vẫn tiếp tục trụ lại trường vì trường phân bố thời gian giảng dạy phù hợp, nên có thể tham gia những công việc khác bên ngoài, vừa thêm thu nhập, vừa sử dụng được kiến thức của mình.
Nhưng đâu phải lãnh đạo trường nào cũng có tư duy “thoáng” như trường tôi, nhiều trường họ kèn cựa, soi mói nhau từng tí một, khiến trí thức vô cùng mệt mỏi”, một tiến sĩ cho biết. Hơn 40 tuổi một chút, nhưng mái tóc đã gần như bạc trắng, vị giảng viên này trải lòng: “Với thế mạnh là ngoại ngữ và kiến thức đi học ở nước ngoài, tôi tham gia giảng dạy thêm các chương trình liên kết cũng có một mức thu nhập khá. Rõ ràng, chịu khó hơn một chút, tôi đã có cuộc sống tốt cho mình tại Hà Nội, nhưng vất vả thì cũng hơn rất nhiều”.
Ông Phạm Sỹ Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH và sau ĐH cho rằng: “Nếu tình trạng nhiều người được đưa đi học có mức đầu tư tốt, nhưng khi về lại không thể phát triển được, thì hiệu quả của đề án chắc chắn giảm sút”. Đây có lẽ chính là một sự “đúc kết” đáng để suy ngẫm về hiệu quả của Đề án 322, dù tới năm 2015 đề án này mới thực sự tổng kết và đánh giá về hiệu quả.
Theo Lê Vân