“...Nhưng con ứ thích về quê!”

Từ chối về quê vì sợ bẩn, sợ muỗi, vì ít xe cộ qua lại, không được ăn pizza… là tâm lý của không ít em nhỏ hiện nay.

Trong khi nhiều phụ huynh đổ xô đi tìm lớp học thêm môn Toán, Văn, võ, vẽ... thì một số phụ huynh khác lại tìm đường cho con về quê. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng thích nên nhiều lý do được đưa ra để “đàm phán”.

 

Về để chơi...

 

Đến hẹn lại lên, cứ nghỉ hè là chị Bích Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội lại cho cả 3 đứa con về quê Nghệ An với ông bà nội, ngoại. Đưa con về quê, chị cũng muốn được xả hơi, còn bọn trẻ được về nô đùa với thiên nhiên.

 

Sau hơn 1 tháng đón con ra, da đứa nào cũng "đen nhánh" vì nắng hè và "thấy con rắn rỏi hơn" - chị Vân hồ hởi kể.

 

Cùng quan điểm không nhồi nhét học hành trong hè, anh Đình Thắng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gửi con về quê ngoại để chơi cho thỏa thích. Hằng ngày, theo chân các anh chị ở quê, cháu chạy khắp đầu làng cuối xóm. Anh Thắng nghĩ: bằng cách đó, cháu sẽ học được nhiều điều ngoài sách vở.

 

Chị Huế - giáo viên Trường Tiểu học La Thành cũng đồng tình: "Tôi rất thích cho con về quê, cháu còn bắt ông đèo ra ngoài cánh đồng để xem bò ăn cỏ thế nào”. 

 

Cho trẻ về với thiên nhiên từ nhỏ và có sự dẫn dắt của người lớn, trẻ sẽ phát triển ý thức và quan tâm đến môi trường sống. Mặt khác, chính môi trường thiên nhiên trong lành cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển sức khỏe của trẻ.

 

“Thiên nhiên cũng chính là người thầy vĩ đại nhất giáo dục lòng nhân bản của một đứa trẻ”- Tiến sĩ Nguyễn Lệ Hằng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ từ kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu và của một người mẹ đã tạo cho hai đứa con những thói quen sống với thiên nhiên ngay từ nhỏ. 

 

Cứ mỗi cuối tuần, chị lại đưa con gái út về trang trại nhỏ ở Bắc Ninh để cho cháu tự trồng cây, hái rau, chăm sóc thú vật, quan sát đời sống của các loại côn trùng trong vườn. Theo chị: “Khi hiểu được đời sống sinh trưởng của một con côn trùng thì đứa trẻ sẽ biết yêu thương những sinh linh nhỏ bé. Khi theo dõi sự lớn lên của một cái cây, cảm nhận được gió, ánh sáng, màu sắc biến đổi qua từng mùa thì tâm hồn đứa trẻ sẽ trở nên hiền hòa hơn”.

 

Mùa hè, chị Huế cũng thường cho con đi biển, đi rừng. Chị cho rằng, khi được thả vào thiên nhiên, trẻ sẽ được đi chân trần trên cát, cảm nhận thế nào là hạt cát, là viên sỏi, biết thế nào là cây lúa, cây cau… “Nhất thời, những việc đó cha mẹ sẽ chưa thấy ngay hiệu quả của nó nhưng lâu dài sẽ hình thành trong đầu trẻ những kiến thức từ thực tế, sự hiểu biết được rèn luyện” - chị Huế nói.
 
“...Nhưng con ứ thích về quê!” - 1

Hình ảnh trò chơi Chong chóng - một trò chơi dân gian yêu thích của các em nhỏ nông thôn


Nhưng con không thích...

 

Cháu Thọ nhà chị Bích Vân sau khi về quê một vài ngày thì cảm thấy chán vì sinh hoạt bị đảo lộn, không như ở nhà. 

 

Thay vì được "ngủ nướng" như mọi khi, bà nội bắt Thọ phải dậy sớm và mỗi bữa phải đảm bảo ăn 2 bát cơm. Trong khi đó, ở nhà nếu cháu ăn 1 bát, mẹ cũng chấp nhận được - chị Vân kể. Tuy chơi được thoải mái hơn, các trò chơi có nhiều anh chị em cùng tham gia nhưng sinh hoạt không phù hợp với gia đình nên Thọ chán và đòi về với lý do "nhớ bố mẹ". 

 

Trường hợp anh Phan Anh - P.401 khu đô thị Nam Thăng Long còn oái ăm vì hai đứa con sau kỳ nghỉ hè ở Phú Thọ đã quay sang “ghét” ông ngoại khi ông thiết lập cả một thời khóa biểu “sắt” để cho các cháu vào khuôn khổ.

 

Con của anh Đình Thắng bảo với bố mẹ rằng: ở quê buồn lắm, không được ăn gà rán kiểu Tây, thiếu bánh pizza và kem ly dâu nho như ở nhà hàng của Ý mà bố thường đưa đi ăn hàng tuần.

 

Cháu đòi bố mẹ phải gửi nhiều truyện về để đọc. Nhưng sau khi ở quê được 1 tuần, cháu một mực đòi trở lại thành phố.

 

Chị Mai Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi con về quê Ninh Bình được 2 ngày thì con đã nằng nặc đòi ra vì không chịu "mắc màn, bật quạt ngồi chơi". Cháu than phiền ở quê nhiều muỗi và "bẩn".
 
“...Nhưng con ứ thích về quê!” - 2
Trước khi về quê, cha mẹ cần chuẩn bị kỹ tâm lý cho con bằng cách giảng giải cụ thể rằng quê ở đâu? cần tránh chơi ở ao hồ, những vùng nguy hiểm... (Ảnh: Chiều thả diều trên đê...)

 

Vượt qua “nỗi sợ”

 

Thạc sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo EVEIL cũng đã nhiều lần chia sẻ với các bậc phụ huynh về “nỗi sợ” của trẻ con khi nhắc đến chuyện về quê. 

 

Việc thay đổi môi trường đột ngột đều khiến cho tất cả mọi người cảm thấy khó thích ứng ngay. Nhất là với trẻ em, những đối tượng nhỏ bé, mong manh cả về thể chất và tâm hồn. Các em đang quen sống ở đô thị, nhà cửa, xe cộ đông đúc, đột nhiên về vùng quê vắng vẻ, cây cối um tùm, nhiều em thấy sợ “ma” không dám đi ra đường, không dám đi vệ sinh vì sợ… bẩn. 

 

Và nếu người lớn không để ý giúp xoá đi những nỗi lo lắng, chắc chắn các em không thể thích nghi. Từ đó, rất có thể các em có những ấn tượng không tốt về quê hương, thậm chí không muốn trở lại nữa.

 

Kinh nghiệm mà chị đúc rút là phụ huynh phải khơi gợi những hứng thú cho trẻ.

 

Trước khi về quê, cha mẹ cần chuẩn bị kỹ tâm lý cho con bằng cách giảng giải cụ thể rằng quê ở đâu? Ở quê hương mình có gì đẹp? Có những ai ở quê? (Hãy gợi ra tên những người thân mà con rất yêu quý để tăng niềm háo hức). 

 

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có thể cho con xem những bức ảnh, giải thích cặn kẽ những đồ vật, con vật hay gặp ở quê, ngay cả từ những thứ rất đơn giản như đống rơm, bếp củi… để trẻ không cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ khi tiếp xúc.

 

Bên cạnh đó, môi trường ở các vùng quê cũng khác thành phố. Hãy chuẩn bị cho con các loại thuốc bôi ngoài da để tránh muỗi, dĩn. Cũng nên nhắc nhở các bé cẩn thận khi chơi cạnh vùng ao, sông hồ. 

 

Tiến sĩ Nguyễn Lệ Hằng cũng cho rằng bắt con cái phải thay đổi những thói quen ở thành phố để thích ứng với đời sống ở quê là một điều rất khó và cần phải có thời gian.

 

Tuy nhiên, với các bậc cha mẹ không có điều kiện đưa con về quê thì họ có thể tạo một khu vườn trong chính căn nhà mình, bằng cách cho con cùng tham gia trồng cây, tưới hoa, nuôi thú vật. Những ngày nghỉ cuối tuần, cha mẹ có thể đưa con đến những công viên nhiều cây xanh và dạy cho chúng cách quan sát, cảm nhận về đời sống thiên nhiên. 

 

Nhưng một kỳ nghỉ hè tốt nhất vẫn là cho con cái trở về quê - nơi chúng có thể đắm mình với tự nhiên và tạo một dấu ấn tuổi thơ bằng những trải nghiệm mới mẻ. “Điều này không khó nếu các bậc cha mẹ bớt thời gian mưu sinh để chú tâm tạo cho con một mùa hè ý ‎ nghĩa” - Tiến sĩ Hằng kết luận.

 

 

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2009 - 2010 ở TPHCM có một câu ở đề thi môn Ngữ văn, yêu cầu thí sinh  viết văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương.

Thí sinh Nguyễn Văn Hùng (Trường THCS Tam Bình) cho hay, đề không khó lắm "nhưng có câu số 3 là em cảm thấy khó nhất vì viết về quê hương mà em thì đã xa quê từ nhỏ nên cũng không có nhiều cảm nhận và làm bài không được hay".

 

 

Theo Bảo Anh - Thu Phương

Vietnamnet