Những chiếc xe lăn ngoài cửa lớp
(Dân trí) - Tiếng chuông vào học réo lên ba hồi, những bước chân vội vã chạy ùa vào cửa lớp. Hành lang giảng đường vắng hoe chỉ còn lại những chiếc xe lăn nín lặng nép dưới gầm cầu thang như bao buổi học khác chúng vẫn ở đó.
Hai, ba chiếc được đặt tựa vào nhau, có cả cái mới và cũ. Những sinh viên của trường Đại học Khoa học Huế đã quá quen với sự tồn tại của nó, nhưng hễ ai đi ngang qua cũng phải liếc ngang. Chúng ở đó bởi đơn giản cầu thang chẳng có lối đi dành cho những sinh viên khuyết tật. Chúng ở đó cũng bởi vì trong giảng đường chẳng có một vị trí nào để nhét nó vào…
Sáng nào ở khoảng sân trường rộng lớn, lại thấy những chiếc bóng của người và xe đang cố gắng đi mà như chẳng muốn có một bàn tay ai giúp đỡ. Nhưng chỉ đến thế…
Bạn sinh viên khuyết tật phải dừng lại trước cầu thang, cúi mặt, chờ đợi những bạn cùng lớp đi lên… Các bạn đã cố vượt lên những mất mát, thiếu thốn để đi bằng đôi chân của chính mình để vào cổng trường đại học, dù có phải “lết”, phải “bò” nhưng lại bất lực trước những bậc cầu thang - là những vật cản hữu hình mà tưởng chừng như chẳng có nghĩa lí gì so với những điều mà các bạn đã vượt qua.
Vẫn còn đó những cảnh người ông, người cha đầu tóc bạc trắng cố gồng mình để bế xốc đứa con hai mấy tuổi đầu lên tầng ba, tầng bốn. Vẫn còn đó những cô bạn gái nhiệt tình ghé vai dìu bạn trai lên lớp với nét mặt thẹn thùng, đỏ ửng…
Đằng sau những giọt mồ hôi của người cha, đằng sau niềm vui nho nhỏ được một lần giúp đỡ bạn bè, chợt hiểu ra rằng con đường mà người khuyết tật giàu nghị lực nhất để tìm đến với tri thức cũng còn khó khăn bộn bề, hiểu cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng…
Trong sâu thẳm của tâm hồn, thoáng nỗi tự ti của những con người bị khiếm khuyết là nỗi day dứt vì phải phiền lụy đến người khác. Và sẽ có một ước mơ rằng nếu đã không có được đôi chân lành lặn, xin hãy cho những sinh viên đang miệt mài trên giảng đường, đang đấu tranh với số phận để tìm ra một tương lai tươi đẹp có một lối đi riêng để đến được với lớp học… Ở đó họ sẽ đi bằng đôi chân của chính mình.
Dẫu sẽ có những giọt mồ hôi rơi trên quãng đường từ sân trường lên tầng bốn, dẫu sẽ có những vết trầy và những lần ngã đau nhưng sẽ có những niềm vui khi rút ngắn được một khoảng cách nào đó với những đôi chân lành lặn. Và sẽ không còn cảnh những chiếc xe lăn nằm lẻ loi bên ngoài cửa lớp nín lặng, cô đơn….
Tâm Sĩ