Những căn bệnh dễ mắc sau kỳ thi

Tiến sỹ Nguyễn Kim Quý - Chuyên gia tâm lý Đường dây tư vấn 19001567 cho rằng, sau khi thi đại học, tuổi teen dễ mắc phải một số căn bệnh tâm lý.

Xả hơi thái quá: Sau khi thi xong, nhiều em có cảm giác được giải thoát và dễ sa vào tình trạng xả hơi thái quá, thậm chí có em lao vào ăn chơi, chơi triền miên.

 

Thực ra, xả hơi cũng là một nhu cầu thiết yếu để giải tỏa sự căng thẳng và những áp lực mà các em chịu trong kỳ thi nhưng xả hơi như thế nào cho tốt là vấn đề cần suy nghĩ.

 

Bố mẹ nên hướng cho con vào những mục đích thư giãn lành mạnh, còn bản thân các em thì cần phải tự cho mình những điểm dừng, nghỉ ngơi sao cho vừa thoải mái vừa không quá đà.

 

Lo lắng, bứt rứt vì sợ những lỗi sai trong bài: Đây là tâm lý của những em làm bài không chắc chắn về kết quả, mơ hồ về cách giải của mình so với đáp án hoặc là có cảm giác tiếc nuối vì một lỗi sai nhỏ trong bài làm của mình.

 

Thực ra sau khi thi xong thì ai cũng sợ kết quả của mình không đúng. Nhưng các em phải xác định rằng, điều đó là bình thường. Phải bình tĩnh để đối chiếu lại kết quả của mình và cũng phải biết chấp nhận bài làm của mình.

 

Sợ biết kết quả: Sau khi thi đại học, có nhiều em rất lo sợ về ngày báo kết quả thi.

 

Nguyên nhân là bài làm của mình không tốt mà sức ép từ sự kỳ vọng của bố mẹ quá lớn, rồi từ bạn bè, xã hội và chính sự thất vọng của các em nữa. Nhiều em vì căng thẳng quá mức đã dẫn đến những hành vi dại dột.

 

Điều quan trọng lúc này từ phía bố mẹ là không tạo thêm áp lực cho con, phải xác định năng lực con mình đến đâu để không kỳ vọng một cách thái quá. Còn riêng với các em thì tôi muốn nói rằng, có rất nhiều con đường để vào đời, đại học không phải là con đường duy nhất và cũng không phải là đẹp nhất.

 

Thờ ơ với mọi chuyện, không có ước mơ hoài bão: Có hiện tượng đáng chú ý là nhiều em thi xong mà không có cảm giác gì, thờ ơ và bàng quan với tất cả mọi chuyện. Trường hợp này thì hoặc là các em căng thẳng quá mức dẫn đến chai lỳ về mặt tâm lý, hoặc là chỉ thi cho vừa ý bố mẹ.

 

Trong trường hợp này thì các em cần phải lấy lại cân bằng bằng những hoạt động như thể thao, nghỉ ngơi, những chuyến đi xa, hoạt động tập thể. Và phải xác định được là mình muốn nhất cái gì. Như tôi đã nói, đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời và cũng không phải là chỉ có một cơ hội lần này.

 

Theo Hoài Trâm, Hải Yến
Tiền Phong