Những bí quyết đơn giản giúp học sinh học tốt Lịch sử

Đặc trưng của phương pháp học tập tích cực, chủ động là dạy học thông qua tổ chức các hoạt động họa tập của học sinh; chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác; kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh.

Giáo viên cần đề cao tính hoạt động cao của người học, khai thác động lực học tập của người học để phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu.

Thông qua việc giáo viên hướng dẫn, học sinh tích cực, chủ động trong việc học theo phương pháp tự học, tự nghiên cứu bài học ngay tại lớp và ở nhà, cũng như phát huy tối đa việc học tập theo nhóm.

Dưới đây là những chia sẻ của cô Ngô Thị Hằng - giáo viên Trường PTDT Nội trú huyện Tân Uyên (Lai Châu) – giúp học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

Học trên lớp: Kết hợp nhuần nhuyễn nhiều thao tác

Học trên lớp là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn và hợp lý các thao tác: Nghe giảng, ghi bài, trao đổi, thảo luận cùng bạn bè, không ngừng tư duy, suy nghĩ trong suốt giờ học.

Khi học sinh nghe giảng, người giáo viên chỉ đóng vai trò tổ chức, lãnh đạo điều khiển quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh, giáo viên không cần ghi chi tiết nội dung bài giảng mà chỉ ghi tóm lược các ý chính của nội dung đó lên bảng.

Cùng với đó, yêu cầu học sinh cần tập trung chú ý, phát huy tính tích cực độc lập suy nghĩ của mình để chuyển từ “lĩnh hội tái tạo sang lĩnh hội sáng tạo”, có vậy mới nhớ lâu được kiến thức.

Quá trình nghe giảng còn phải kết hợp quá trình ghi bài. Ghi bài phải chú ý ghi rõ ràng, để khi nhìn vào vở thì dễ học, dễ hiểu, có thể hình dung được toàn bộ bài giảng của thầy cô ở trên lớp.

Ghi bài không nhất thiết phải ghi tất cả lời giảng của giáo viên mà phải biết ghi chọn lọc, ghi kiến thức cơ bản. Những phân tích, đánh giá của giáo viên về sự kiện, hiện tượng lịch sử, giáo viên hướng học sinh ghi nhanh, ghi tóm tắt vào quyển nháp.

Cách ghi như vậy, khi học mới dễ dàng nắm ý và dựa vào tài liệu để phát triển ý kiến theo cách hiểu đã được tiếp nhận ở trên lớp.

Trong quá trình học, học sinh luôn phải đặt ra câu hỏi “Vì sao” để tìm hiểu bản chất của kiến thức mà thầy cô giáo cung cấp.

Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu kiến thức lịch sử thông qua các trò chơi, được thực hiện trong tiết học làm bài tập lịch sử, với các hình thức khác nhau như trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, giải mật mã lịch sử, trò chơi giải ô chữ, tiếp sức, ….

Mục đích để tổng hợp lại những kiến thức cơ bản các em đã được tìm hiểu ở mỗi chương, mỗi giai đoạn, đồng thời mang tính giải trí cao, tạo nên một không khí sôi nổi, hăng say học tập.

Học lịch sử phải luôn đi liền với giấy nháp

Sau khi lên lớp, việc học ở nhà nhằm củng cố lại kiến thức, thông qua làm bài tập, đọc lại vở ghi, chuẩn bị bài ở nhà, .... Giáo viên hướng dẫn học sinh học tại nhà bằng vận dụng cách tự học hiệu quả sau:

Học lịch sử phải luôn đi liền với giấy nháp: Một vấn đề rất đơn giản nhưng trong quá trình hướng dẫn học sinh học tập giáo viên không mấy chú ý.

Với các môn tự nhiên học sinh luôn có giấy nháp bên cạnh, vậy tại sao môn học xã hội lại không thực hiện điều đó, đặc biệt là môn Lịch sử?

Khi học, học sinh kết hợp viết các nội dung kiến thức ghi ở vở hoặc ở sách giáo khoa theo một hệ thống sơ đồ tư duy từ ý chính đến ý phụ. Mục đích viết là để nhấn mạnh vào vấn đề trọng tâm. Với cách này, hoc sinh sẽ tập trung học và khắc sâu kiến thức có hiệu quả nhất.

Học tập qua nhiều nguồn thông tin: Học tập qua đài, sách, báo, vô tuyến truyền hình, ... là nguồn thông tin cập nhật hết sức bổ ích. Những thước phim tư liệu, những chương trình tìm hiểu kiến thức lịch sử hay những chương trình thi có chủ đề lịch sử, .... Học sinh có thể chủ động lĩnh hội kiến thức dễ dàng, có biểu tượng lịch sử và ghi nhớ lâu hơn.

Ví dụ: Các bộ phim tư liệu về quãng đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và hình ảnh tư liệu về Điện Biên Phủ, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Chiến thắng 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"… giúp học sinh nhớ lâu, hiểu sâu.

Học tập bằng hệ thống hóa kiến thức

Học sinh nên học theo giai đoạn. Cụ thể, Lịch sử Việt Nam lớp 9 có các giai đoạn sau: 1919 - 1930; 1930 - 1945; 1945 -1954; 1954 - 1975; 1975 - 2000. Các em cần nắm vững kiến thức cơ bản của từng giai đoạn.

Mỗi giai đoạn, cần hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Học sinh nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, đừng học nhảy cóc lung tung. Khi học cần sơ đồ hóa kiến thức một cách ngắn gọn cho dễ nhớ.

Ví dụ: Về hoàn cảnh ký Hiệp định Pari (1/1973) nên sơ đồ hóa ngắn gọn: Thất bại (12/1972) -> ký Hiệp định Pari (1973). Nhưng khi trình bày bài kiểm tra, phải viết đầy đủ như sau:

"Thất bại nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân và hải quân vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, buộc Mĩ phải ký Hiệp định Pa-ri (1/1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam".

Học theo nhóm

Đây là một trong những hình thức thực hiện tốt nhất việc học tập phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh (học thảo luận trao đổi theo nhóm về nội dung bài học cũ, nghiên cứu bài mới, làm bài tập lịch sử).

Đây là cách học mang lại tính giáo dục cao bởi nó tạo được sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong học tập, học sinh sẽ học được kiến thức từ chính bạn mình mà nhớ được kiến thức lâu hơn.

Với học sinh trường nội trú,giáo viên có thể thành lập các nhóm học khoảng 3 đến 4 học sinh hoặc "đôi bạn cùng tiến".

Yêu cầu với mỗi nhóm ngoài giờ học chính khóa, trong các buổi học nhóm, học sinh phải tự giác học tập kiến thức cũ để tự dò kiến thức cho nhau. Cùng nhau thảo luận tìm hiểu khai thác kiến thức bài học mới về sự kiện, nhân vật, địa danh lịch sử, ...

Như vậy các thành viên của nhóm được tự do học hỏi lẫn nhau những vấn đề mình chưa hiểu, tự sửa được cái sai của mình, học được ở bạn bè cách diễn đạt.

Giáo viên cần đặt ra yêu cầu với mỗi thành viên của nhóm phải chịu trách nhiệm về thành tích của nhóm mình.

“Hàng tháng, tôi lựa chọn ra một nhóm có thành tích cao nhất để động viên khen thưởng các em bằng điểm miệng (8), trong nhóm đó lại chọn ra một học sinh có nhiều có nhiều câu trả lời bài mới đúng nhất trong nhóm để động viên khen thưởng bằng điểm miệng (9 hoặc 10).

Cách làm trên giúp học sinh có được tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, tạo được không khí thi đua, hăng hái phát biểu xây dựng bài, lớp học sôi nổi.

Do được học sinh các nhóm chuẩn bị trước nội dung trả lời các câu hỏi ở bài học mới chu đáo nên làm cho tiết học không bị mất nhiều thời gian, giáo viên sẽ liên hệ mở rộng kiến thức trọng tâm, làm cho tiết học thêm sinh động, học sinh hứng thú tiếp thu kiến thức” – cô Hằng chia sẻ.

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm