Những bản báo cáo vô cảm
(Dân trí) - Trơn tru, “nhẵn thín” và hoàn toàn xa lạ với tình hình gai góc, nóng bỏng của thực tế bên ngoài, đó là những gì hiện diện trong các bản báo cáo tổng kết 5 tháng “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” của Bộ GD-ĐT.
Tải trong nội dung của hơn 15 nghìn từ này, không hề có một ý tưởng mới, không hề có một sức sống nào, nhưng tất cả đều được gọt giũa câu chữ đến mức quá chỉn chu.
Nói đi nói lại để rồi… quên!“Một số trường chưa thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc vận động chưa chi tiết, thiếu các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của nhà trường. Việc thành thành lập hoặc kiện toàn Ban thanh tra, phòng Thanh tra chưa theo quyết định số 14/QĐ- BGDDT ngày 25/4/2006. Một số trường xử lý chưa nghiêm các hiện tượng vi phạm Quy chế tuyển sinh”.
Trong một bản báo cáo gần 5.000 từ của Thanh tra Bộ GD-ĐT về đánh giá tình hình thanh tra, kiếm tra và thực hiện cuộc vận động “Nói không” ở khối các trường ĐH, CĐ và THCN, toàn bộ phần “Những mặt thiếu sót” chỉ vẻn vẹn có thế. Tuy thiếu sót chỉ có thế nhưng vẫn có tới 21 kiến nghị kèm theo yêu cầu “nên”, “phải” đề xuất nào là khen thưởng thế nào, tuyên truyền ra sao…
Hay trong bản báo cáo chung khác cũng của thanh tra về việc thực hiện cuộc vận động này thì trong phần những tồn tại trong thanh, kiểm tra tuy có đưa ra được 7 bất cập đang tồn tại, nhưng, có tới hai bất cập trong đó được liệt kê tới… hai lần là “công tác tuyên truyền về chủ trương thực hiện cuộc vận động chưa thực sự lôi cuốn và tạo được sự đồng tình ủng hộ của các đoàn thể xã hội và nhân dân địa phương”.
5 bất cập còn lại dù vẫn có nhiều bất cập tiếp tục “được” nói đi nói lại nhưng cũng đưa ra được một số kết quả khá giật mình như: “Chưa xác định rõ nội dung cần thực hiện đối với mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh hưởng ứng cuộc vận động là gì? Các văn bản ký cam kết còn hình thức chung chung, không rõ nội dung. Có Hiệu trưởng trường tiểu học còn hiểu cuộc vận động này không phải trong giáo viên, phụ huynh mà là của ngành” hay “diễn ra trong toàn ngành nhưng nội dung không cụ thể, nhận thức chưa sâu sắc”, “các hoạt động chưa chủ động, còn nặng tính trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên”…
Dù vậy, trong phần đề xuất kiến nghị thì có vẻ như Thanh tra Bộ lại “quên” những nhận xét này. Tương ứng với 7 bất cập cũng có 7 đề xuất kiến nghị nhưng đó đều là những đề xuất hết sức mơ hồ, chung chung và nặng tính hô hào theo kiểu Thanh tra cần đẩy mạnh, các Vụ chức năng cần quan tâm…
Những nghịch cảnh buồn
Tại buổi họp giao ban về cuộc vận động “Hai không” giữa Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, TCCN diễn ra vào ngày 10/1 vừa qua, trong khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vô cùng bức xúc về tình trạng triển khai ì trệ của các trường thì các bản báo cáo vẫn được đọc suôn sẻ, còn các đại biểu thì mạnh ai người đó làm việc… riêng.
Một đại biểu đến từ trường ĐH Sư phạm HN 2 sau khi phản ứng: “Đọc báo cáo thế thì họp giao ban làm gì”, đã lôi trong cặp ra một đống tài liệu để nghiên cứu và mặc kệ diễn biến.
Tuy nhiên, phần phát biểu dài 20 phút sau đó của Bộ trưởng Nhân cũng khiến hầu hết các đại biểu chăm chú nghe. Rất nhiều trong số đó đã xếp việc riêng lại, lôi sổ tay và bút ra hý hoáy đề xuất ý tưởng chờ phát biểu. Nhưng tất cả lại đi vào trật tự và các ý tưởng của nhiều đại biểu đành “ngủ yên” vì phần tham luận gần như là sự chỉ định của Bộ với tiếp tục các bản báo cáo “con” khác!
Chúng tôi cũng đã được xem khoảng gần 10 bản báo cáo “con” này và thấy chúng cũng chỉn chu, hoàn hảo và cũng thật vô cảm không khác gì các bản báo cáo “to”. Thậm chí chúng còn thiên về những bản báo cáo thành tích thì đúng nghĩa hơn.
Khi mà cuộc chiến “Hai không…” dường như chỉ mới bắt đầu, thì những bản báo cáo thế này nên “cắt” đi, nhường chỗ cho việc nhìn thẳng vào thực tế những yếu kém trong giáo dục để tìm giải pháp thiết thực cho toàn ngành.
Mai Minh