Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong bối cảnh chuyển đổi số ở các lĩnh vực, nhất là tài chính - ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp kỳ vọng tuyển dụng được nguồn nhân lực trẻ, có năng lực số và khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc thay đổi liên tục.

Đây là những mô tả công việc được các diễn giả tham gia tọa đàm "Dự báo nhu cầu nhân lực khối ngành kinh tế, kinh doanh quản lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn 2035" do Đại học Ngân hàng TPHCM (HUB) tổ chức trong khuôn khổ "Ngày hội thực tập và việc làm HUB" lần thứ 16 diễn ra hôm 26/5, thu hút hàng nghìn người tham dự.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 1

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp, được dẫn dắt bởi TS Nguyễn Anh Vũ (thứ ba từ phải sang) - Trưởng khoa Tài chính, HUB (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Nhu cầu nhân sự số là ưu tiên

Ông Đỗ Thanh Vân - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - cho biết, là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu tại TPHCM, trong những năm qua, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp vào GRDP tăng qua các năm. Ước tính đến năm 2023, có khoảng 1.654 doanh nghiệp và 1.392 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, chiếm 0,44% tổng số doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động toàn thành phố với 105.513 lao động đang làm việc, chiếm 2,31% tổng lao động.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 2

Ông Đỗ Thanh Vân chia sẻ thông tin dự báo về nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giai đoạn 2024 - 2030 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Dự báo trong giai đoạn 2024 - 2025, nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm khoảng 15.000 - 16.000 người với hơn 56% là nhân lực tốt nghiệp từ đại học trở lên. Giai đoạn 2026 - 2030, con số này dự đoán vào khoảng 16.000 - 17.500 người.

Ông Trần Công Sơn, Giám đốc chi nhánh Nam Sài Gòn, Ngân hàng Quân đội (MB) đồng tình, nhu cầu nhân lực lúc nào cũng có. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại khi hầu hết các ngân hàng đã chuyển dịch số rất mạnh thì yêu cầu tuyển dụng với nhân sự đã rất khác so với cách đây 4-5 năm. Như tại MB, trong số 10.000 nhân sự đang làm việc thì 63% là thế hệ 9X và đang bổ sung nhân sự Gen Z.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 3

Ông Trần Công Sơn, Giám đốc chi nhánh Nam Sài Gòn, Ngân hàng Quân đội cho biết, yêu cầu tuyển dụng hiện rất khác so với cách đây 4-5 năm (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

"Ngoài kiến thức chuyên môn của ngành tài chính ngân hàng, nhân sự còn cần am hiểu về kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm… để thích nghi nhanh với môi trường chuyển đổi số hàng ngày", ông Sơn nói.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), nhu cầu tuyển dụng cũng đang nhắm vào lực lượng trẻ, được đào tạo bài bản ở các trường đại học, sử dụng thành thạo phần mềm, ứng dụng công nghệ trong cuộc sống. Bên cạnh đó là sự năng động, tự chủ và cầu tiến.

Bà Hồ Thị Hoàng Linh, chuyên viên cao cấp nhân sự, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, SSI đang có khoảng 1.600 nhân sự và nhu cầu tuyển mới mỗi năm dao động 5 - 10% con số này cho các vị trí như bán lẻ, ngân hàng đầu tư.

Theo khảo sát nội bộ SSI mới thực hiện ở khu vực TPHCM, nhân sự sinh từ 1996 đến 2000 đang chiếm tỷ lệ lớn. "SSI mong muốn tìm kiếm nhân sự kế cận trẻ, năng động, đam mê với ngành tài chính ngân hàng", bà Linh cho biết.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 4

Bà Hồ Thị Hoàng Linh, Công ty SSI chỉ cách viết CV cho các bạn sinh viên (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Chia sẻ với sinh viên tham dự tọa đàm về tương lai việc làm trong ngành tài chính - ngân hàng khi theo học ngành dữ liệu (data), diễn giả đến từ các ngân hàng đều chung nhận định "rất hứa hẹn". Bởi lẽ, dữ liệu là trái tim của mọi doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Duy, đại diện TP Bank chia sẻ, thu nhập, xử lý và bảo mật data đang là những vấn đề được các ngân hàng rất quan tâm. Nếu như trước đây, nhân sự làm data thông thường là người học chuyên ngành công nghệ thông tin thì hiện nay, vị trí này không chỉ hiểu về công nghệ mà còn phải nắm nghiệp vụ ngân hàng, quy định Chính phủ. "Đây là ngành tốt trong tương lai vì cơ hội nghề nghiệp rất lớn", ông Duy nói.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 5

Các bạn sinh viên đặt câu hỏi với các nhà tuyển dụng (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Thuyết phục nhà tuyển dụng

Bà Hồ Thị Hoàng Linh, chuyên viên cao cấp nhân sự, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, khi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở một doanh nghiệp, CV (sơ yếu lý lịch) chính là ấn tượng đầu tiên của các ứng viên với nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng đánh giá cao sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong các CV, thể hiện ở việc cung cấp đầy đủ thông tin như bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, các giải thưởng (nếu có)…

Quan trọng không kém là cần phải ngắn gọn, súc tích, có những thông tin giá trị, phù hợp với đúng vị trí tuyển dụng vì mỗi ngày doanh nghiệp nhận được rất nhiều CV và chỉ có vài tiếng trong ngày để sàng lọc hồ sơ, thời gian cho mỗi CV không quá nhiều. Bên cạnh đó, cần viết tên công ty, vị trí ứng tuyển một cách chính xác.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 6

Ông Phan Văn Duy, đại diện TP Bank chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Ông Trần Công Sơn, Giám đốc chi nhánh Nam Sài Gòn, Ngân hàng Quân đội (MB) lưu ý, khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp thì việc đầu tiên và quan trọng là phải tìm hiểu các thông tin liên quan về đơn vị đó. Thứ 2 là phải thể hiện được sự chủ động để cho nhà tuyển dụng biết mình đã sẵn sàng cho vị trí ứng tuyển.

"Cố gắng tìm kiếm cơ hội, dấn thân vào công việc trong môi trường mình mong muốn, đi qua các vị trí từ thực tập sinh, tập sự rồi lên chuyên viên chính thức…  Từ năm 2, năm 3 có thể thử làm thực tập sinh và nhân viên tập sự, năm 4 ra trường hoàn toàn có thể được tuyển dụng", ông Sơn gợi ý.

Từ trải nghiệm bản thân, ông Sơn chia sẻ, việc dấn thân giúp các bạn sinh viên học rất nhiều từ thực tế làm việc. Bên cạnh đó, mỗi người đặt cho mình mục tiêu, hoạch định lộ trình phát triển sự nghiệp từ sớm. Khi có mục tiêu thì những va chạm, khó khăn trong quá trình làm việc sẽ trở thành rất nhỏ.

Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng - 7

Ông Dương Văn Thắng, Giám đốc Viettel Post TPHCM có nhiều chia sẻ cụ thể với các bạn sinh viên (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Ông Dương Minh Thắng, Giám đốc Viettel Post TPHCM chia sẻ, khi phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng. Những câu trả lời như "em sẽ cố gắng", "sao cũng được" sẽ làm nhà tuyển dụng nghi ngờ về năng lực, khả năng cáng đáng công việc của ứng viên. "Cần phải tự tin trong giao tiếp. Muốn vậy thì kiến thức phải đủ sâu để thuyết phục nhà tuyển dụng tin tưởng", ông Thắng phân tích.

Tọa đàm "Dự báo nhu cầu nhân lực khối ngành kinh tế, kinh doanh quản lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn 2035" là một trong những hoạt động trong khuôn khổ "Ngày hội thực tập và việc làm HUB".

Ngày hội thu hút hàng chục nghìn người trải nghiệm các hoạt động, trong đó có hàng nghìn ứng viên tham gia tuyển dụng trực tiếp tại sự kiện, đáp ứng nhu cầu nhân sự của hơn 70 doanh nghiệp.

Đây là dịp để sinh viên tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp. Doanh nghiệp tiếp cận và tuyển dụng nhân lực chất lượng từ sớm.