Quảng Trị:
Nhói lòng trước cảnh học sinh vùng cao vượt sông tìm chữ
(Dân trí) - Ngày qua ngày, các em học sinh tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vẫn bất chấp mọi hiểm nguy để vượt sông đến trường, theo đuổi giấc mơ tìm chữ. Vào những ngày mưa, nước sông dâng cao thì việc đến trường của học sinh nơi đây càng trở nên khó khăn hơn.
Đã không ít lần tận mắt chứng kiến cảnh học sinh vùng cao Quảng Trị vượt sông đến lớp, chúng tôi đều cảm thấy nhói lòng. Chắc hẳn đây cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người, các bậc phụ huynh khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Bởi việc đi lại như thế tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là khi nước sông đột ngột dâng cao, nước chảy xiết. Trong khi đó, không phải em học sinh nào cũng có được kỹ năng bơi lội để ứng biến với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Những năm gần đây, ngay trên dòng sông Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, một số nạn nhân là học sinh.
Sống trong vùng cô lập, lại không có cầu nên nhiều năm qua, các em học sinh tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị phải băng sông để đến trường học. Chứng kiến những cảnh tượng này mới hiểu được việc theo đuổi con chữ Bác Hồ với các em còn rất nhiều gian nan.
Thôn A Liêng, xã Tà Rụt có 84 hộ dân với trên 340 nhân khẩu. Trong đó, có 70 em học sinh ở các cấp học hằng ngày phải lội qua sông Đakrông để sang trung tâm xã học tập. Phần lớn các em là học sinh tiểu học tại hai điểm trường A Vương và A Đăng, thuộc Trường Tiểu học Tà Rụt (xã Tà Rụt, Đakrông).
Giữa trưa của ngày đầu tháng 10, một nhóm các em học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 vội vã cởi đồng phục, khăn quàng đỏ gói lại trong túi ni lon, hoặc cho vào cặp sách rồi mình trần, mặc quần cộc lội sang sông để đến trường. Đến bờ bên kia thì các em mặc lại đồng phục và tiếp tục đến trường.
Không chỉ các em học sinh mà người dân muốn vận chuyển hàng hóa cũng buộc phải lội sông để sang bờ bên kia. Việc lội sông như vậy luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Khó khăn nhất đối với người dân và các em học sinh là khi mùa mưa bão đang gần kề. Mỗi khi có trời mưa lớn, nước sông dâng cao thì các em đành phải nghỉ học, ở nhà.
Em Hồ Văn Rời, học sinh lớp 6 cho biết, mỗi ngày cháu phải xắn quần áo lội sông để đến trường học. Chỉ khi nào mưa quá lớn, nước sông dâng lên mới buộc phải nghỉ học ở nhà.
“Lội sông như vậy cháu cũng thấy nguy hiểm lắm, nhưng không có cách nào khác. Khi nào mưa to thì chúng cháu nghỉ học ở nhà. Nếu nước to mấy cháu lội sông cũng bị ngã, sách vở ướt hết, cả cặp cũng trôi. Mùa lũ có xăm ô tô bơm lên, mẹ hoặc bố lội sông chở con đi học. Hoặc mùa lũ ở nhà, khi nào nước xuống mới đi học lại” – cháu Rời nói.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Rụt cho biết, mặc dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng các em rất ham học, đi học siêng năng kể cả ngày 2 buổi lội sông.
“Nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh có con ở bên kia sông thì đưa các em đi học để đảm bảo an toàn. Về mùa mưa thì tìm nhà người thân quen ở bên này để gửi các em ở nhờ cho các em được đi học. Hơn nữa, hiện nay học sinh được hỗ trợ chế độ bán trú nên những ngày mưa lớn học sinh có thể ở lại và có tiền để ăn trưa” – thầy Bình cho hay.
Trên địa bàn huyện Đakrông có 8 thôn chưa có cầu qua sông, suối. Trong đó, có thôn A Liêng, xã Tà Rụt sống trong vùng cô lập với số lượng học sinh băng sông đến trường đông nhất. Trong thời điểm mùa mưa bão cận kề, việc lội sông đi học của các em học sinh càng gian nan và nguy hiểm hơn.
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết, biện pháp trước mắt của địa phương là tuyên truyền người dân không đi ra sông suối vào mùa mưa lũ, hỗ trợ áo phao cho con em qua suối vào mùa mưa, cử công an chốt chặn hai bên bờ ngăn không cho bà con đi lại để tránh rủi ro.
Nhân dân địa phương đều nhận thức được việc đi lại như thế này sẽ vô cùng nguy hiểm, song vì chưa có cầu bắc qua sông nên bà con nơi đây cũng đành chấp nhận rủi ro có thể ập đến. “Làm một chiếc cầu lớn thì không đủ kinh phí, xã cũng báo cáo với cấp trên, cũng kêu gọi các tổ chức xã hội, cá nhân hảo tâm quan tâm sớm có chiếc cầu để qua sông thuận tiện cho bà con nhân dân trao đổi hàng hóa nông sản, con em được đi học dễ dàng, tránh mùa mưa bão” – ông Nhiếp nói.
Đ. Đức