Nhìn lại 15 năm đánh giá công - tội các nhân vật lịch sử

(Dân trí) - “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” - từ một bài nghiên cứu đăng báo <i>Nhân dân</i> 15 năm trước của GS.Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học VN, những nhà Trịnh, nhà Hồ, Tự lực Văn đoàn, nhân vật Phạm Quỳnh… đã được đánh giá lại công - tội.

Tròn 15 năm, những tư liệu nghiên cứu công phu, giàu tính nhân văn, quí giá của GS. Văn Tạo và nhiều nhà sử học Việt Nam đã được trao lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Hội thảo khoa học về vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” tổ chức ngày 6/9 để nhìn lại quá trình nghiên cứu và những kết quả đạt được về vấn đề này.
 
Nhìn lại 15 năm đánh giá công - tội các nhân vật lịch sử - 1
Các nhà sử học với tại kho tư liệu, di sản các nhà khoa học VN.

GS Văn Tạo đã có công nghiên cứu và góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức về vai trò của một số vấn đề lịch sử như nhận thức về dòng họ Khúc, họ Mạc, nhà Trịnh; về nhóm Tự lực Văn Đoàn hay về nhân vật Phạm Quỳnh…

Đánh giá về Thái hậu Dương Vân Nga đến nay vẫn có 2 luồng ý kiến. Theo quan điểm phong kiến, bà bị lên án vì là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng nhưng khi Đinh Tiên Hoàng mất, con trai Đinh Toàn còn nhỏ, bà đã khoác áo long bào và nhường ngôi cho Lê Hoàn - người lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược Tống. Sau đó, bà Dương Vân Nga lấy Lê Hoàn và làm hoàng hậu của nhà Lê. Sử cũ gọi bà là “bất trung bất trinh”.

Tuy nhiên, đánh giá lại bối cảnh lịch sử, ý kiến khác lại cho rằng bà rất tiến bộ, không theo lễ giáo phong kiến của Khổng Tử, đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Nếu bà không làm vậy để phò Lê Hoàn đánh thắng quân xâm lược Tống thì đất nước có nguy cơ rơi vào ách nô lệ.

GS Văn Tạo nhắc lại giai đoạn nghiên cứu về nhà Trịnh, trước quan điểm các sử gia phong kiến phê là nhà Trịnh ức hiếp, chèn lấn vua Lê.

“Trên thực tế, đúng như câu nói “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”. Chuyện chúa Trịnh lấn át vua Lê là khó tránh khỏi, nhưng không thể vì thế mà đối xử không công bằng với nhà Trịnh” - GS. Văn Tạo cho rằng, để thực hiện công minh lịch sử phải làm rõ công lao nhà Trịnh. Về đối nội, nhà Trịnh đã giữ gìn được kỷ cương phép nước, đưa xã hội Việt Nam phát triển ở mức nhất định. Về đối ngoại, nhà Trịnh đã giữ được độc lập dân tộc, không những không để chính quyền Trung Quốc xâm lược thôn tính mà còn bảo vệ được lãnh thổ quốc gia, như việc đòi lại khu mỏ đồng Tụ Long đã bị chiếm dụng.
 
Nhìn lại 15 năm đánh giá công - tội các nhân vật lịch sử - 2
GS Văn Tạo nguyên là Viện trưởng Viện Sử học VN.

Trịnh Cương có công cải tiến kinh tế tài chính, cải thiện đời sống người dân, cải tiến bộ máy quản lý nhà nước, tăng tinh thần trách nhiệm của các quan lại… Trịnh Sâm là nhà quản lý xã hội có tài…

Kết quả nghiên cứu đã đưa lại cái nhìn mới về công lao của nhà Trịnh trong lịch sử dân tộc. Dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long vừa qua, hội thảo về nhà Trịnh với Thăng Long đã được tổ chức với sự đánh giá công lao của nhà Trịnh một cách công minh đã tiến một bước dài.

Nhân vật Phạm Quỳnh một lần nữa được nhắc tới với kết quả những nghiên cứu, tư liệu được công bố từ 2006 đến nay. Bài viết của Thép Mới về nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã thẳng thắn đánh giá về tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Ông đã khái quát: “1917 Nam Phong, 1932 Phong Hóa và Ngày Nay, 1945 Cờ Giải Phóng” - ý nói báo Cờ Giải Phóng của Đảng là sự kế tục của các tờ báo trước đó, đứng về mặt văn hóa.

“Nhiều người nhấn mạnh đến lòng yêu nước, nặng lòng với nước của Phạm Quỳnh. Ông thể hiện về mặt văn hóa nên trong cũng như ngoài nước đã dùng khái niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh để gọi ông” - GS Văn Tạo nhấn mạnh.

Nhân vật Phạm Quỳnh ngày càng được nhận thức lại. Nhà xuất bản Tri thức đã cho xuất bản, công bố, tập hợp thành sách những công trình, bài viết của Phạm Quỳnh, nhiều bài bằng tiếng Việt, nhiều bài bằng tiếng Pháp.
 
Nhìn lại 15 năm đánh giá công - tội các nhân vật lịch sử - 3
GS sử học Lê Văn Lan (trái) trao đổi về những tài liệu nghiên cứu của GS Văn Tạo.

Tự lực văn đoàn tồn tại chưa được 10 năm trong lịch sử nhưng đã để lại một thời kỳ văn chương không thể quên với những tác phẩm thuộc nằm lòng với nhiều thế hệ người đọc như “Gánh hàng hoa”, “Nửa chừng xuân”, “Hồn bướm mơ tiên”… Nhưng đến tận năm 1989, nội dung tư tưởng và nghệ thuật văn chương của Tự lực văn đoàn mới được đánh giá đầy đủ.

Nhà thơ Huy Cận khi đó đã viết: “Ta đã có đủ thời gian để đánh giá sự đóng góp của Tự lực văn đoàn. Đáng phê phán nhất ở Tự lực văn đoàn cũng như Khái Hưng, Nhất Linh là chặng đường cuối đời, chọn nhầm đường, cuối cùng thành phản động. Nhưng cũng đừng vì lăng kính đó mà đánh giá sai họ. Tự lực văn đoàn đã góp phần lớn vào nghệ thuật tiểu thuyết, tính hiện đại của tiểu thuyết, đóng góp vào lời nói, câu văn của dân tộc với cách hành văn trong sáng và rất Việt Nam”.

GS. Văn Tạo cho rằng, nhận xét của nhà thơ Huy Cận là rất công minh. Tự lực văn đoàn ra đời và hoạt động sôi nổi ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương - nơi cư trú của gia đình Nhất Linh, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của 2 trong số 8 thành viên trong nhóm là Nhất Linh, Hoàng Đạo. Mảnh đất này, môi trường này cũng là nơi nuôi dưỡng những tác phầm của Thạch Lam. “Nhà khách văn chương” - khu di tích về Tự lực văn đoàn đã được xem xét khôi phục, xây dựng lại với những ghi nhận xứng đáng năm 2007.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm