Nhiều vướng mắc của ngành giáo dục cần tài trợ

(Dân trí) - Với kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm tới, Bộ Giáo dục đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có vấn đề kinh phí. Tại Hội nghị đối thoại thường niên với các nhà tài trợ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi sự hỗ trợ của nhà tài trợ để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Cần 70 triệu USD/năm để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài

 

Tại Hội nghị, vấn đề đào tạo ở bậc sau đại học được các nhà tài trợ quan tâm nhiều nhất. Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH cho biết: “Với kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ trong vòng 10 năm, Bộ GD-ĐT đang đứng trước thách thức lớn về đào tạo sau ĐH. Theo kế hoạch đến năm 2015, tất cả giảng viên đứng lớp đều phải có trình độ tiến sĩ. Để đạt được con số này, 20.000 tiến sĩ phải được đào tạo trong vòng 10 năm tới.

 

Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam hiện nay, mỗi năm chỉ có thể đào tạo được 1.000 người, 1.000 người còn lại sẽ được gửi đi nước ngoài học tập. Chi phí bình quân cho việc đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là 70.000 USD/người/năm, như thế mỗi năm sẽ cần khoảng 70 triệu USD cho việc đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài”.

 

Trả lời câu hỏi của các nhà tài trợ bao giờ mới xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, bà Hà cho biết: “Trước khi trường ĐH quốc tế được xây dựng, các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới đã được đưa vào Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong nước.

 

Giáo dục ĐH Việt Nam cũng sẽ chuyển từ đào tạo cung sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Trong tương lai gần, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, mời các trường ĐH quốc tế sang đào tạo tại Việt Nam và thực hiện việc công nhận bằng cấp giữa các nước”.

 

Hỗ trợ để giáo dục ngày càng thực chất hơn

 

Nhiều vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay đang có nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, và nhấn mạnh rằng: “Trong quá khứ, ngành giáo dục có thể chạy theo thành tích, tuy nhiên, việc học tập của các học sinh giờ đã ngày càng thực chất hơn”.

 

Ông đưa ra dẫn chứng: “Năm nay, số học sinh giỏi và khá giảm đi rất nhiều, từ 70% - 75% xuống chỉ còn 50%, trong khi đó, số học sinh yếu kém tăng lên 2-3 lần. Tuy nhiên, qua khảo sát tại Nghệ An và Phú Thọ, rất nhiều phụ huynh yêu cầu các giáo viên cứ nghiêm khắc để con em họ có động lực học tập”.

 

Hiện nay có khoảng 5% giáo viên không đạt chuẩn, trong vòng 4 năm tới, ngành giáo dục sẽ phải đào tạo lại cho 1 triệu giáo viên.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo, việc cần thiết là phải thanh lọc đội ngũ giáo viên, nếu ai không đạt yêu cầu sẽ khuyến khích về hưu sớm.

 

Tuy nhiên, để có được những thành tựu trong giáo dục, rất cần đến sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả và toàn diện của cộng đồng quốc tế về tài chính, kỹ thuật chuyên môn đối với giáo dục Việt Nam.

 

Bộ trưởng Nhân chia sẻ: “Khi Việt Nam gia nhập WTO, công tác giáo dục và việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao càng được chú trọng hơn và thực sự trở thành nhu cầu cấp bách. Mong rằng, trong thời gian tới, các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cho công tác giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra”.

 

Hồng Hạnh