Nhiễu... vì thời khóa biểu!

Sinh viên được khuyến khích tự sắp xếp thời khoá biểu hợp lý cho mình, được khuyến khích đi làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm. Nhưng, khó mà cân đối giữa việc học và làm thêm với một thời khóa biểu... như hiện nay.

Lúc 7, khi 2...

 

Tình cờ ngó qua thời khoá biểu của lớp Công nghệ Thông tin trường Nông lâm. Buổi sáng từ thứ Ba đến Chủ nhật đều có tiết học. Có hôm bắt đầu từ 7h, nhưng cũng có hôm chỉ học 2 tiết cuối. Buổi chiều cũng chỉ nghỉ được thứ Hai và Chủ nhật. Và cũng có buổi chiều chỉ học 2 tiết.

 

Có rất nhiều ngày, SV phải học liên tục từ tiết 3 của buổi sáng đến tiết 10 của buổi chiều. Toàn học những môn... khó nuốt. Cụ thể như các ngày thứ Hai, Ba, Tư, lớp đều bắt đầu học từ tiết 5 của buổi sáng đến tiết 10 của buổi chiều. Các ngày còn lại học từ tiết 1 đến tiết 9.

 

Một SV của lớp cho biết: "Ngày người ta nghỉ thì mình đi học. Thứ 2 đầu tuần, ai cũng hăng hái bước vào một tuần mới thì mình lại... ngủ nướng".

 

Nhiều trường ĐH khác cũng có những thời khoá biểu của SV kín mít như thế. Bạn Võ Đình Dương, trường Ngoại ngữ - Tin học cho biết: "Mình là lớp trưởng, nên phải thường xuyên xem thông báo của trường để kịp thời thông tin lại cho cả lớp. Bởi nhà trường cũng thường có những thông báo đột xuất, làm nhiều SV không kịp nắm bắt. Nhiều bạn trong lớp than phiền vì không thể đi làm thêm được. Lúc nào cũng phải chờ thời khoá biểu của nhà trường rồi mới dám nhận việc. Nhưng...".

 

Thời khoá biểu của lớp Dương cũng chẳng theo một trật tự nào. Có những buổi sáng bắt đầu học từ lúc 8h đến trưa trật. Chiều lại vào học thật sớm, lúc 13h. Buộc SV phải ở lại trường. Nhưng cũng có ngày chỉ học vài ba tiết là rải đều cho 2 buổi.

 

Đã nhiều lần, lớp trình bày ý kiến với nhà trường, nhưng cũng không giải quyết được gì. Nhiều SV trong lớp của Dương chỉ xin nhà trường cho học hoặc là buổi sáng, hoặc là buổi chiều. Nếu không được thì xin sắp xếp thời khoá biểu vào các buổi của ngày chẵn hoặc lẻ để dễ bề sắp xếp công việc. Nhưng cũng chịu thua.

 

"Nhảy nhót" theo sự đột xuất của giảng viên

 

Không chỉ than thở về thời khoá biểu của lớp mình, Dương còn kể về những... đột xuất của trường.

 

12h trưa, nắng như đổ lửa, gửi xe tốn mất 1.000 đồng, lên tới lớp thì đọc được thông báo là nghỉ học. Thầy bỏ lớp cả tuần, dặn chiều lên học bù, nhưng...lại phải quay xe về vì không có phòng.

 

Thỉnh thoảng, phải đi học bù vào ban đêm. Học kỳ vừa rồi, lớp Dương có môn Luật Nhà nước, học hoài không xong. Mỗi tháng học có vài ba bữa, kéo dài thời gian quá trời. Riết rồi, trong lớp ai cũng biết, những môn chuyên ngành thì thời khoá biểu tương đối ổn định vì cán bộ giảng dạy thuộc biên chế của trường. Còn những môn ngoài chuyên ngành, thời khoá biểu nhảy nhót theo sự đột xuất của giảng viên.

 

Ước gì được như vậy...

 

SV luôn được khuyến khích đi làm thêm. Nên trường ĐH Mở - Bán công TPHCM luôn áp dụng thời khoá biểu mở cho SV. Quốc Việt, đang học năm 4 của trường cho biết, 2 năm đại cương, tụi em thường tự đăng ký lớp học, môn học cho mình. Nhà trường quy định số lượng tín chỉ phải có trong mỗi học kỳ, và SV tự đăng ký.

 

Nhưng lên chuyên ngành, vì ít SV, nên nhà trường quy định sẵn thời khoá biểu. Tuy nhiên, trường vẫn thu xếp để SV học trong một buổi.

 

Chính vì thế, từ năm nhất đến bây giờ, Việt luôn thu xếp để vừa học vừa làm. Giao hàng, dạy thêm, phát quà khuyến mãi... đều đã làm qua. Lịch học của Việt như thế nên anh bạn ít khi phải bỏ học để đến chỗ làm. Thỉnh thoảng cũng phải gãi đầu với chủ vì "em phải đi thi".

 

Trường Việt cũng chu đáo thông báo lịch thi học kỳ khá sớm cho SV. Anh bạn thích thú: "'Có lịch thi vừa giúp mình tập trung học vì nghĩ đến ngày thi gần kề. Và cũng giúp mình sắp xếp công việc trước nữa'".

 

Học kỳ cuối phải hoàn tất 9 môn học, nhưng Việt vẫn dạy kèm 2 lớp. Thỉnh thoảng, còn đi phát tờ rơi với bạn bè nữa. Thế mà, Việt vẫn tự hào "chưa bỏ buổi học nào". Vừa rồi, còn thu xếp để về thăm gia đình trước khi bước vào mùa thực tập.

 

Trần Minh Đăng, SV năm I trường Giao thông Vận tải TP.HCM đang sở hữu một thời khoá biểu tương đối "dễ thở". Lịch học của lớp Công nghệ Thông tin được nhà trường xếp vào các buổi sáng từ thứ 2-6. Bắt đầu vào lớp lúc 6h30 và kết thúc lúc 11h30. Thuê nhà trọ ở gần trường, bạn bỏ ra 30 phút để đi bộ đến trường. Trưa về nhà ăn cơm, nên anh chàng tiết kiệm được khá nhiều khoản.

 

Tuy mới chân ướt chân ráo lên thành phố, nhưng Đăng làm quen được với một anh đang phụ trách nhân sự của một nhóm nấu chuyên nấu tiệc đám cưới. Thỉnh thoảng thiếu nhân viên phục vụ, anh cho gọi Đăng. Công việc thường bắt đầu từ 2 giờ chiều, nên Đăng khá thuận lợi.

 

Đăng vui vẻ nói: "Nếu cứ thế này, mỗi mùa cưới em sẽ kiếm được kha khá tiền tiêu vặt, không phải xin ba mẹ. Chỉ cần làm 3 buổi là có tiền đóng tiền nhà. Nhưng với điều kiện nhà trường không xếp thời khoá biểu vào buổi chiều. Học ngày 2 buổi thì đừng có mơ mà đi làm. Mong rằng sẽ được xếp học một buổi suốt 4 năm".

 

Ý kiến là thế, mong ước là vậy; nhưng ai cũng hiểu rằng, thật khó để... chiều theo nhu cầu của SV. Bởi nhà trường cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc phân bổ giảng viên, phòng học. Hết cái cảnh thầy trò phải xách cặp đi tìm phòng học là may lắm rồi!

 

Theo Đoan Trúc

Vietnamnet