Nhiều trường ngoài công lập khó thực hiện đúng cam kết
(Dân trí) - Không đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiếu đồng bộ về giảng viên, chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị… nhiều trường ĐH ngoài công lập mới thành lập không thực hiện đúng cam kết ban đầu.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong số các trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 trở lại đây, khoảng 20% (12 trường) chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm...).
Do vậy, từ năm học 2009-2010, Bộ yêu cầu những trường ĐH, CĐ không thực hiện ba công khai theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT vào tháng 1/2010 sẽ không được phép tuyển sinh năm học 2010- 2011.
ĐH Nguyễn Trãi thành lập từ tháng 2/2008, hiện có 5 lớp đại học với gần 200 sinh viên và 2 lớp cao đẳng nghề. Trong Đề án thành lập trường thì trường có 2 cơ sở: Trụ sở chính đặt tại TP Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ) với diện tích là 34ha nhưng hiện nay trường đang phải ở tạm tại 266 Đội Cấn. Để có chỗ cho sinh viên học về giáo dục thể chất, xưởng thực hành, thư viện… trường đã thuê thêm cơ sở 2 ở sân vận động Mỹ Đình.
Ông Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi, cho biết: “Trường thực hiện đúng cam kết về giảng viên và chương trình đào tạo. Còn về cơ sở vật chất, chúng tôi đang gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn do có sự mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội nên việc chuẩn bị đầu tư dự án đã có những gián đoạn nhưng với tiến độ hiện nay thì có lẽ phải 5 năm nữa, trường mới có thể hoạt động được tại trụ sở chính”.
Còn ĐH Thành Tây, dự án thành lập trường là 1.000 tỷ với 14,7ha tại phường Yên Nghĩa, TP Hà Đông - Hà Nội. Hiện sinh viên của trường cũng phải học ở 2 cơ sở.
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Hiện trường mới chỉ giải phóng được mặt bằng và đang chờ vốn để xây dựng, phải 5 năm và chậm nhất 10 năm dự kiến trường mới xây xong giảng đường và ký túc xá”.
Với khó khăn “không thể” khắc phục ngay được này nhưng theo lãnh đạo của các trường trên mong muốn một lần lãnh đạo Bộ GD-ĐT xuống trường làm việc, kiểm tra hoạt động của trường.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết: “Bộ GD-ĐT chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (chỉ kiểm tra dựa theo hồ sơ). Tuy nhiên, Đề án thành lập trường chia nhiều giai đoạn để tuyển sinh. Quyết định thành lập trường phải cam kết các bước theo phương án khả thi. Chỉ trong các trường hợp đặc biệt, Bộ mới xuống kiểm tra thực tiễn nhưng sau 3 năm bộ kiểm tra đánh giá, nếu không bảo đảm sẽ xử lý theo quy định”.
Trong khi đó, chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh. Bộ GD-ĐT cũng chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng trường ĐH, CĐ không ngừng tăng lên với tốc độ khá nhanh. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 1998 đến nay đã có thêm 87 trường ĐH mới (33 trường được thành lập mới, 54 trường nâng cấp từ trường CĐ), đưa tổng số trường ĐH, CĐ lên 376 trường, trong đó có 81 trường ngoài công lập. |
Hồng Hạnh