Nhiều trường đại học cố tình vượt chỉ tiêu tuyển sinh

(Dân trí)-Trường ĐH Phan Thiết lại bị phát hiện sai phạm tuyển sinh hệ CĐ tăng gấp 3 lần, thậm chí tuyển cả hệ trung cấp dù chưa được phép. Tuy nhiên, không chỉ có trường ĐH Phan Thiết mà còn rất nhiều trường, kể cả trường công lập vấn cố tình tuyển vượt chỉ tiêu.

 
Nhiều trường đại học cố tình vượt chỉ tiêu tuyển sinh - 1
Thí sinh tham gia mùa tuyển sinh 2009. (Ảnh: Việt Hưng)
 
Bộ GD-ĐT vừa kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2009- 2010 tại 11 trường ĐH cho thấy, nhiều trường không tuyển đủ hệ ĐH chính quy nhưng lại vượt chỉ tiêu hệ cao đẳng và văn bằng 2.

Những trường ĐH không tuyển đủ chỉ tiêu hệ chính qui ĐH là Học viện Hành chính 97%; ĐH Kinh tế Quốc dân 96%; ĐH Hồng Đức 77,67%; ĐH Vinh đạt 86%; ĐH Công nghiệp TPHCM 97,5%; ĐH Ngân hàng TPHCM 98% và ĐH Quốc tế Hồng Bàng 80%. Đặc biệt, ĐH Kinh tế TPHCM đã vượt chỉ tiêu hệ ĐH chính qui 251 và ĐH Hàng Hải 37, ĐH Quốc gia TPHCM 88.

Không đủ chỉ tiêu hệ ĐH chính quy, các trường đã cố tình vượt chỉ tiêu hệ Cao đẳng. Cụ thể, ĐH Hồng Đức 122 chỉ tiêu; ĐH Kinh tế Quốc dân 40 chỉ tiêu hệ văn bằng 2; ĐH Ngân hàng TP.HCM 60; ĐH Quốc gia TP.HCM 187; ĐH Hồng Bàng 198; ĐH Công nghiệp TP.HCM hơn 40 chỉ tiêu.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện tượng tuyển vượt chỉ tiêu đã diễn ra nhiều năm nay, cụ thể năm 2008, có 23 trường xét tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký khoảng 20% trở lên như: Trường ĐH Mở TPHCM cũng tuyển vượt chỉ tiêu đối với hệ CĐ tới 235%, CĐ Bách nghệ Tây Hà: tuyển vượt 51,2%, ĐH Hùng Vương: 168%... Thậm chí năm 2007 có trường tuyển vượt chỉ tiêu đến hơn 90% như trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM tuyển vượt 97,84%, tiếp đến là Trường CĐ Xây dựng số 1 vượt 79%, ĐH Hùng Vương gần 48%, ĐH Văn Lang hơn 45%, ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN gần 45%...

Theo một lãnh đạo Thanh tra Bộ GD-ĐT, hiện tượng vượt chỉ tiêu này đã dẫn tới tình trạng các trường phải bố trí học ghép lớp, tăng ca, thuê mướn phòng học rải rác nhiều nơi, đội ngũ giảng viên thiếu, dạy chay, học chay ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Không những thế, mỗi trường lại quy định mức thu học phí khác nhau. Các trường đều sử dụng mức học phí tăng dùng chi cho con người và cơ sở vật chất, chưa lưu ý đến việc tập trung cho đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ giảng viên.

Đối với các trường vượt chỉ tiêu này, Thanh tra bộ đã yêu cầu các trường này nộp phạt hành chính ở mức cao nhất 60 triệu đồng và thấp nhất 40 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường chấp nhận nộp phạt, mức phạt mà các trường phải nộp không thấm vào đâu với lượng sinh viên “cào thêm” này. Theo như lời GS,VS Nguyễn Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT than rằng: “Nhiều trường chạy theo đồng tiền nên đã bất chấp, cố tình vi phạm quy chế tuyển sinh để hòng lợi, đào tạo không có chất lượng làm hỏng cả một thế hệ”.

Tuyển sinh năm 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chỉ đăng ký tuyển sinh và đào tạo những ngành đã có quyết định giao nhiệm vụ mở ngành của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, Bộ yêu cầu trường phải xác định luôn chỉ tiêu cho từng ngành.

Hồng Hạnh