Nhiều thách thức nguồn nhân lực ngành Luật trước công nghiệp 4.0
(Dân trí) - “Chúng ta đang chọn cử nhân Luật ưu tú để gửi đi đâu đào tạo. Hay chỉ là cho học cao lên, nghiên cứu chuyên sâu hơn nhưng không áp dụng được thành tựu, không tạo ra được công trình có ý nghĩa với xã hội thì vẫn chỉ là các “Tiến sĩ giấy”. Mấu chốt lớn nhất là nguồn lực, tập hợp lực lượng để tích lũy chất xám, tạo ra 1 tầng lớp chất lượng cao mới việc cần thay đổi ngay”.
Đây là một trong những ý kiến được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Khoa học với chủ đề “Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam” do Khoa Luật – ĐHQGHN tổ chức vừa qua.
Tại đây, các chuyên gia đầu ngành Luật học đã thảo luận về biến đổi của Luật pháp khi đất nước chúng ta bước vào kỉ nguyên cách mạng số hóa.
Bài viết này xin phép được đề cập tới những biến đổi của khía cạnh giáo dục - đào tạo và nghiên cứu ngành Luật học trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 .
ROBOT giảng bài thay giáo viên
PGS.TS Ngô Huy Cương chủ trì Hội thảo đã đặt vấn đề, tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực đều đã gia nhập cách mạng 4.0. Không lí do gì mà lĩnh vực nghiên cứu Luật nói riêng, lại không đi theo xu hướng tất yếu đó.
PGS Huy Cương cho biết, trong nền Giáo dục 4.0 giáo viên dạy học hay cách học của sinh viên đều sẽ thay đổi. Robot có thể thay thế giảng viên lên lớp, chấm điểm, kiểm tra chất lượng sinh viên một cách chính xác và cụ thể hơn chúng ta.
Nhưng nghiên cứu Luật cần logic, tư duy và giải quyết mâu thuẫn, cân đối giữa yếu tố đạo đức con người và hành lang pháp lý. Vậy có thay thế được bằng robot giảng dạy hay không. Khi đó, vị trí của giảng viên ở đâu, sinh viên thích ứng như thế nào là câu hỏi lớn cho giáo dục trước biến đổi công nghệ mạnh mẽ.
Học Luật không biên giới
GS.TS Nguyễn Bá Diến, Khoa Luật – ĐHQGHN
Tiếp nối ý kiến, GS.TS Nguyễn Bá Diến, Khoa Luật – ĐHQGHN, chỉ ra cụ thể, khi đó, mối quan hệ 3 bên Nhà nước – Nhà trường – Người học sẽ thay đổi theo yêu cầu thực tại của nền công nghiệp. Vai trò người thầy thay đổi từ trạng thái người dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên sẽ hướng dẫn sinh viên qua các dự án, các hoạt động thực tiễn trong giải quyết, tố tụng, giải hòa, xử án hay các mô hình phiên toàn xử án theo công nghệ hình ảnh ảo 7D...
GS Diễn cho rằng, để thích ứng được với điều kiện này, thầy và trò không những phải giỏi về chuyên môn, làm chủ được công nghệ để không bị bỏ lại. Thầy và trò sẽ đứng trước sức ép lớn về mặt kết quả, làm chủ kĩ thuật hiện đại, thay đổi hoàn toàn lối tư duy học tập, nghiên cứu hiện nay.
GS Diễn chỉ ra, trong điều kiện phi biên giới như hiện nay, hầu hết các tri thức Luật pháp đã được số hóa, mở ra cơ hội cho người học khắp mọi nơi được quyền tiếp cận các tri thức với tốc độ nhanh chóng. Những giảng viên giỏi và những cơ sở đào tạo Luật pháp xuất sắc sẽ có điều kiện thu hút người học với số lượng khổng lồ mà hạn chế tối đa việc tới trường.
Giỏi chuyên môn nhưng kém công nghệ
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Luật – ĐHQGHN
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Luật – ĐHQGHN chỉ ra những thách thức trong việc cải tổ đào tạo sinh viên Luật khi gia nhập cách mạng quốc tế 4.0. Giáo dục ngành Luật cũng nên tạo ra các lớp học thực nghiệm ảo, áp dựng sáng kiến kĩ thuật tăng tính trải nghiệm cho sinh viên. Mỗi thầy cô phải tự ý thức được việc học tập và nghiên cứu là suốt đời.
Nên chăng tập trung kiểm soát đầu vào và đầu ra của tuyển sinh hiệu quả. Các chương trình đào tạo về Luật học gắn với yêu cầu của thị trường, tăng khả năng thích nghi với những biến động của xã hội.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang đối mặt với vấn đề, giảng viên tuổi càng cao thì kinh nghiệm thực tế càng nhiều nhưng việc học tập và áp dụng kĩ thuật công nghệ mới thì lại tỉ lệ nghịch với trình độ chuyên môn. Từ đó, dẫn tới tình trạng lãng phí chất xám và bộ phận này dễ bị bỏ rơi trong cuộc chạy đua giáo dục 4.0 – PGS.TS Quế Anh trăn trở.
Thời kì vàng của Giáo dục Đại học
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN
“Giống như Ấn Độ, khẩu hiệu: “Học, nắm bắt cơ hội và nhảy vọt; dẫn dắt và lãnh đạo” được xác định là tầm nhìn của các nhà làm giáo dục"- GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban đào tạo ĐHQGHN nhìn nhận sự thay đổi dưới góc độ của các nhà quản lí giáo dục.
GS Đức cho rằng, chúng ta phải xây dựng một triết lý mới về giáo dục đại học. Cần tháo gỡ được những rào cản về mặt pháp lý, biến đổi các cơ chế trong đầu tư mở. Các trường đại học được quyền tự chủ 100% về tài chính, định hướng phát triển thì sẽ là thời kì bùng nổ mạnh mẽ . Nếu chúng ta tạo được ra động lực cạnh trạnh mạnh mẽ, thì thời kì vàng của Giáo dục sẽ thực sự bắt đầu.
Muốn biến ước mơ thành hiện thực, buộc phải có những chính sách đãi ngộ và sử dụng nhân tài nhất là trong ngành nghiên cứu và đưa Luật vào thực tiễn đời sống. Triển khai những đột phá về cơ chế chính sách, pháp luật, gắn đào tạo gắn với nghiên cứu trình độ cao và hoạt động phục vụ thực tiễn.
GS Đức bày tỏ, phải có nhân tài, chúng ta đang chọn cử nhân Luật ưu tú để gửi đi đâu đào tạo. Hay chỉ là cho học cao lên, nghiên cứu chuyên sâu hơn nhưng không áp dụng được thành tựu, không tạo ra được công trình có ý nghĩa với xã hội thì vẫn chỉ là các “Tiến sĩ giấy”. Mấu chốt lớn nhất là nguồn lực, tập hợp lực lượng để tích lũy chất xám, tạo ra 1 tầng lớp chất lượng cao mới là việc cần thực hiện nay./.
Hà Cường