Nhiều phương thức tuyển sinh: Rộng cửa cho thí sinh trúng tuyển
Một xu hướng khá rõ trong phương án tuyển sinh năm 2020 của các trường ĐH là đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Có trường có tới 6 phương thức tuyển sinh khác nhau.
Thắc mắc chung của nhiều thí sinh là các phương thức này có giá trị xét tuyển ngang nhau hay không, nên chọn phương thức nào cho dễ đậu?
Đa dạng hóa phương thức tuyển sinh
Mùa tuyển sinh 2020, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) tiếp tục duy trì 6 phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2020; Xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT (theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM); Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2020 của Bộ GD&ĐT; Thi tuyển - Kỳ kiểm tra năng lực của Trường ĐH Quốc tế; Xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng áp dụng 6 phương thức tuyển sinh. Ngoài 5 phương thức tuyển sinh như xét học bạ THPT, xét kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2020, thi tuyển sinh đầu vào do trường tổ chức, xét tuyển đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài và xét kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test), năm học 2020 - 2021, trường còn xét kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Theo ước tính, có khoảng 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng. Việc đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh giúp trường tận dụng tối đa nguồn tuyển, có cơ hội lựa chọn thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của mình, từng bước đổi mới tuyển sinh phù hợp với tự chủ ĐH. Mặt khác, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh cũng đồng thời tạo thuận lợi cho thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển.
Mỗi phương thức hướng đến một đối tượng
Mặc dù có nhiều phương thức tuyển sinh nhưng trong thực tế, có những phương thức có chỉ tiêu tuyển rất ít trong tổng chỉ tiêu của các trường, bởi tính kén đối tượng của nó. Ví dụ, phương thức xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia chỉ tác động đến khoảng 3.000 học sinh trên cả nước. Tương tự, phương thức xét tuyển dành cho học sinh trường chuyên, học sinh ở những trường THPT mà có kết quả thi THPT quốc gia đạt điểm cao cũng không quá nhiều đối tượng thuộc diện. Trường hợp thí sinh có kết quả kỳ thi SAT lại càng hiếm hơn.
Tác động đến diện rộng, với số đông thí sinh chủ yếu vẫn là 2 phương thức: Dùng kết quả điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ THPT. Trong đó, có tính đại trà nhất vẫn là phương thức dùng kết quả điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM), xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia là phương thức quan trọng nhất, bởi vì hầu hết các trường đại học đều sử dụng. Hơn nữa, số lượng thí sinh tham gia đăng ký đông, hằng năm lên đến 700 nghìn thí sinh, chiếm khoảng gần 80% số lượng thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia.
Nếu chọn phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, thí sinh cần đặc biệt lưu ý đến thứ tự đăng ký nguyện vọng, cách thức đăng ký, chọn lựa ngành, tổ hợp môn thi… Trong đó, cần phải ưu tiên chọn ngành trước chứ không phải chọn tổ hợp trước. Có một thực trạng là vừa qua, nhiều thí sinh chọn ngành theo tổ hợp môn thi. Theo các chuyên gia tuyển sinh - hướng nghiệp, đây là một tình trạng khá “ngược”.
Phương thức xét tuyển học bạ (trừ các trường hợp là học sinh trường chuyên, học sinh ở những trường THPT mà có kết quả thi THPT quốc gia top đầu) được xem là rộng cửa cho thí sinh có điểm thi THPT quốc gia không cao. Thí sinh cần lưu ý trong xét tuyển học bạ, điều kiện và thời gian xét tuyển của từng trường khác nhau. Đa số các trường xét tuyển bằng điểm học tập năm lớp 12. Các trường thường đưa ra tiêu chí, ngoài điều kiện tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đảm bảo tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển từ 18 điểm, nhưng cũng có trường 21, lại có trường chỉ 15. Cũng có trường xét điểm của 5 học kỳ THPT, hoặc 3 học kỳ THPT.
Do đó, khi đăng ký xét tuyển học bạ thí sinh nên đăng ký sớm, tránh trường hợp nước đến chân mới nhảy. Bởi số lượng chỉ tiêu có hạn, nếu đủ số lượng đạt tiêu chí trúng tuyển, thí sinh nộp sau sẽ không còn cơ hội. Cũng cần lưu ý, trong số các trường xét tuyển học bạ, có một số trường chỉ sử dụng điểm học bạ là điều kiện sơ tuyển, nhất là các trường top đầu. Thí sinh cần phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.
Nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh từng trường
Tuy rộng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển, nhưng nếu không nắm rõ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh của trường cũng như tính hướng đối tượng khá đặc thù của mỗi phương thức, thí sinh cũng sẽ rối rắm, thậm chí có thể bỏ qua cơ hội trúng tuyển như ý.
Để tăng cơ hội trúng tuyển trong việc chọn phương thức tuyển sinh, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường, hiểu được mình thuộc đối tượng nào trong mỗi phương thức để nộp hồ sơ xét tuyển cho chuẩn. Thực tế cho thấy ngay với việc xét tuyển học bạ, có trường không phân biệt thí sinh chuyên hay không chuyên, nhưng cũng có trường chỉ chọn thí sinh học chuyên, trường trong top 100. Nếu không nắm kỹ thông tin, hồ sơ của thí sinh có khả năng sẽ không hợp lệ.
PGS.TS Đinh Đức Vũ (ĐH Quốc gia TPHCM) lưu ý: Trong xét tuyển, các phương thức được xét tuyển độc lập với nhau. Thí sinh có đủ điều kiện tham gia phương thức nào và có nhu cầu đều được xét tuyển ở tất cả các phương thức đó. Thực tế, thí sinh có thể trúng tuyển ở nhiều phương thức khác nhau nhưng chỉ được quyền chọn và xác nhận nhập học ở một phương thức duy nhất. Theo quy chế tuyển sinh, khi đã xác nhận nhập học, kết quả trúng tuyển ở các phương thức khác đều bị hủy bỏ.
Phương thức tuyển sinh bằng Kỳ thi Đánh giá năng lực ngày càng được nhiều thí sinh chọn lựa. Trong đó đáng chú ý là kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức có số trường ĐH sử dụng xét tuyển ngày càng tăng. Tại TPHCM, số HS ở các trường THPT top đầu đăng ký dự kỳ thi này lên đến 95 - 100%.