Nhiều nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam bàn về quản lý khoáng sản
(Dân trí) - Trong 2 ngày từ 19 - 20/11/2018, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Khoa học ứng dụng Georg Agricola Bochum (CHLB Đức) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Quản lý kinh tế trong hoạt động khoáng sản lần thứ 4 (International Scientific Conference on Economic Management in Mineral Activities - EMMA 4).
Hội thảo được tổ chức với sự bảo trợ của Hội Giáo sư Mỏ quốc tế (Society of Mining Professors), do Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (HUMG) chủ trì và các đơn vị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Công ty khoáng sản Núi Pháo (Nui Phao Mining), Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư xây dựng công nghiệp mỏ - luyện kim (CIC) đồng hành tài trợ.
Là sự kiện khoa học quốc tế được tổ chức 2 năm một lần và luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, EMMA 4 năm nay có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp mỏ phát triển như Đức, Úc, và các quốc gia công nghiệp mỏ mới nổi như Brazil, Peru, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, và đại biểu các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong ngành mỏ ở Việt Nam.
Ba phiên thảo luận chính của Hội thảo năm nay tập trung vào các chủ đề như Phát triển bền vững trong ngành khai khoáng, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Chính sách tài nguyên thiên nhiên.
Các nhà khoa học quốc tế tham dự hội thảo
Sau phần chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về quản lý kinh tế trong hoạt động khoáng sản, các nhà khoa học cũng đã tranh luận sôi nổi và đặt ra nhiều câu hỏi về Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, quản trị nhân lực, quản trị sản xuất, quản trị tài chính, chiến lược kinh doanh, các chính sách về khoáng sản...
GS.TS. Trần Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng HUMG phát biểu khai mạc Hội thảo
Các nhà khoa học cho rằng Ngành công nghiệp khai khoáng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu khoáng cho phát triển kinh tế các quốc gia trên thế giới.
Do vậy, công nghiệp khai khoáng có vai trò quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho các quốc gia đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Để ngành khai khoáng phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế ngành khai khoáng trong nước, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong khai thác, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác và tuân thủ pháp luật trong khai thác khoáng sản.
Một phần quan trọng của Hội thảo là chuyến đi thực địa của các chuyên gia quốc tế tại Việt Nam.
Trong ngày thứ hai của Hội thảo, các đại biểu đã đi thực địa tại mỏ đa kim Núi Pháo, Thái Nguyên. Tại đây, các đại biểu trong nước và quốc tế đã có cơ hội trao đổi, tìm hiểu sự hình thành và phát triển của mỏ Núi Pháo - mỏ wolfram đa kim độc đáo, hiện nay là một trong những nhà sản xuất wolfram có chi phí thấp nhất trên thế giới, đồng thời hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.
Các chuyên gia và học giả nước ngoài đã hết sức ấn tượng trước tinh thần làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và những thành tựu đã đạt được của Cán bộ Công nhân viên mỏ Núi Pháo đặc biệt là trong vấn đề hỗ trợ cộng đồng dân cư xung quanh khu vực khai thác.
Sau chuyến làm việc thực tế, các nhà khoa học bày tỏ mong muốn được tiếp tục có cơ hội tiếp cận, làm việc thực tế với Các công ty, tổ chức khác trong ngành mỏ Việt Nam và vui mừng trước những tín hiệu tốt và cơ hội hợp tác làm việc giữa hai bên.
Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp, tiếp tục mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học, nhiều cơ hội hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cho Khoa Kinh tế - QTKD, Trường Đại học Mỏ - Địa chất với các đơn vị, các trường đại học trong và ngoài nước.
Nhật Hồng