Nhiều ngành học mới hệ kỹ sư ở Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế ra trường dễ có việc
(Dân trí) - Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhân lực của xã hội, trong mùa tuyển sinh năm 2019 Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế (gọi tắt Trường ĐH Khoa học Huế) đã mở thêm 8 ngành học mới đầy tiềm năng về cách học mới mẻ, tiếp cận các kiến thức, kỹ năng thực tế, và quan trọng là dễ xin việc sau khi ra trường.
1. Ngành Kỹ thuật môi trường (hệ kỹ sư)
Hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như các cơ quan nhà nước là rất lớn. Do vậy, Nhà trường đã đầu tư nhiều cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngành học này. Để đảm bảo sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường sẽ làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp, Khoa Môi trường đã áp dụng mô hình giảng dạy tiếp cận thực tiễn, phối hợp đào tạo tại các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp. Qua đó Sinh viên sẽ được trang bị một cách đầy đủ các kiến thức và kỹ năng liên quan đến công nghệ kỹ thuật môi trường hiện đại, cập nhật ngay trong quá trình học. Ngoài ra, những sinh viên có khả năng Tiếng Anh tốt còn có cơ hội tham gia các khóa thực tập ngắn hạn tại các nước có hợp tác với Khoa Môi trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước thuộc cộng đồng Châu Âu.
Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư Kỹ thuật môi trường có thể làm việc trong nhiều vị trí như chuyên viên ở các cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường; Nghiên cứu viên tại các cơ quan, viện nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ môi trường; các cơ sở y tế; các tổ chức phi chính phủ; giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; hay trở thành các sĩ quan, chiến sĩ ở các lực lượng cảnh sát môi trường, quân đội; đảm nhiệm tốt vai trò cán bộ kỹ thuật, quản lý, vận hành trong các doanh nghiệp chuyên về môi trường, chuyên viên an toàn sức khỏe và môi trường lao động (HSE). Bên cạnh đó, chương trình đào tạo có sự tương thích với các chương trình tại các nước tiên tiến, do vậy các kỹ sư Kỹ thuật môi trường có thể học lên cao hơn ở trong nước cũng như quốc tế.
2. Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học (hệ kỹ sư)
Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Huế có nhiệm vụ đào tạo cử nhân Hóa học (4 năm) và kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật hóa học (4,5 năm, tuyển sinh khóa đầu từ năm học 2019-2020).
Ngoài kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học sẽ được trang bị các kiến thức chuyên ngành cập nhật về thiết bị, quá trình và công nghệ hóa học. Cùng với các kiến thức lý thuyết và thực hành thí nghiệm được đào tạo trong trường, sinh viên còn được học tập chuyên môn thông qua chương trình thực tập thực tế đa dạng ở các cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp liên quan đến chuyên ngành và quá trình thực hiện các đồ án công nghệ, đồ án tốt nghiệp. Với chương trình đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, các kỹ sư được đào tạo từ Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Huế sẽ có đầy đủ kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành, đảm bảo tiếp cận tốt với các kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực hóa học.
Nếu các em có nhu cầu, kỹ sư công nghệ kỹ thuật hóa học cũng có thể theo học tiếp các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hóa học ngay tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Về nhu cầu thị trường, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành hóa học và công nghệ kỹ thuật hóa học có một vai trò và vị trí rất quan trọng. Hóa học và Công nghệ kỹ thuật hóa học đã và đang trở thành những bộ phận không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất, thu hút và có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lực lượng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn cao.
Rất nhiều lĩnh vực sản xuất có liên quan trực tiếp đến ngành công nghệ kỹ thuật hóa học như: công nghiệp sản xuất vật liệu gốm sứ, thủy tinh, xi măng, vật liệu xây dựng nội và ngoại thất, sản xuất và chế biến thực phẩm, hóa chất, phân bón, hóa dược, mỹ phẩm, chế biến dầu mỏ, polyme, dệt nhuộm, hàng tiêu dùng....
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, từ 2015 đến 2020, riêng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có 4 ngành kinh tế chủ lực cần nhiều lao động, trong đó ngành hóa chất - hóa dược - mỹ phẩm: cần 10.800 người/năm, ngành chế biến thực phẩm: cần 10.800 người/năm. Theo thống kê này, hằng năm các cơ sở đào tạo khu vực phía Nam chỉ mới cung cấp được cho xã hội khoảng 2.000 lao động có trình độ đại học trong lĩnh vực Hóa học và Công nghệ kỹ thuật hóa học..
Các kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau: Kỹ sư phụ trách kỹ thuật, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hóa học; Kỹ sư phụ trách tư vấn, thiết kế tại các đơn vị chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, vật tư, phụ gia, hóa chất trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hóa học; Chuyên viên tại các cơ quan quản lý có liên quan đến công nghệ kỹ thuật hóa học; Chuyên viên nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật hóa học ở các viện nghiên cứu, trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, trường đại học và cao đẳng; Giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.
3. Ngành Kỹ thuật phần mềm (Cơ chế đặc thù)
Đây là ngành đào tạo được áp dụng theo cơ chế đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo được khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Huế mở và đảm trách. Sinh viên được học tập trong môi trường có gắn kết với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo với khối lượng khoảng 30% tổng khối lượng toàn khóa học; Chương trình được thiết kế theo các mô đun nhằm tối ưu hóa việc học tập của sinh viên cũng như tiếp cận nhanh với môi trường nghề nghiệp. Khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên được tạo điều kiện để thực hành trong môi trường của doanh nghiệp dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các chuyên gia trong doanh nghiệp.
Sau khi ra trường, nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cao sẽ đến khi sinh viên có thể làm việc trong các công ty sản xuất, gia công phần mềm trong nước - nước ngoài; các công ty tư vấn về đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các hệ thống thông tin. Công việc có thể là chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì các phần mềm máy tính trong các tổ chức, doanh nghiệp; là cán bộ quản lý, chuyên viên phụ trách mảng ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không, xây dựng,… hay giảng dạy về ngành Công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
4. Ngành Kỹ thuật sinh học (hệ kỹ sư)
Ngành Kỹ thuật sinh học lần đầu tiên được đào tạo tại Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Huế. Ngành học mới này đang có rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật sinh học có thể làm việc trong các lĩnh vực như chuyên viên tại các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý chất lượng trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, xử lý môi trường, sản xuất dược phẩm, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi...
Ngành Kỹ thuật sinh học lần đầu mở tại Khoa Sinh Trường ĐH Khoa học Huế.
Với bằng kỹ sư Kỹ thuật sinh học người học có thể làm việc ở các vị trí như cán bộ quản lý, phụ trách kỹ thuật, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên các phòng xét nghiệm tại các cơ sở Y tế, trung tâm quan trắc môi trường... kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất: rượu - bia, nước giải khát, bánh kẹo, sản xuất văc-xin, dược phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm có hoạt tính sinh học... và các tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghệ sinh học.
Là một ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, các kỹ sư ngành Kỹ thuật Sinh học có đủ năng lực làm cán bộ kỹ thuật, quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, thiết kế, lắp đặt và vận hành các thiết bị trong lĩnh vực công nghệ sinh học; xử lý môi trường, chuyên viên lập và quản lý các dự án đầu tư phát triển; hay giảng dạy, nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề ở miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Hằng năm có nhiều suất học bổng du học Sau đại học dành cho sinh viên Kỹ thuật Sinh học đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Canada, Hà Lan… Đồng thời, Khoa đào tạo cũng dành cho các sinh viên có thành tích học tập tốt, rèn luyện tốt với nhiều học bổng có giá trị từ Quỹ Khuyến học của Khoa.
Xin vui mừng chào đón các bạn trẻ từ khắp mọi miền đất nước đến với ngành Kỹ thuật sinh học tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế!
5. Ngành Quy hoạch vùng và đô thị (hệ kiến trúc sư)
Ngành học Quy hoạch vùng và đô thị của khoa Kiến trúc có thời gian đào tạo 4,5 năm cùng với hệ thống chương trình cấu trúc tiên tiến, chú trọng nhiều đến khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và thực tế. Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều mảng công việc trong các lĩnh vực về tư vấn lập đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các công ty tư vấn của Nhà nước và tư nhân;
Các sinh viên trong tương lai có thể trở thành cán bộ nghiên cứu về quy hoạch tại các Viện nghiên cứu, Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; cán bộ quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tại Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện, thị xã; cán bộ thiết kế quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị và kiến trúc cảnh quan, thiết kế công trình kiến trúc dân dụng và công nghiệp; Bên cạnh đó,
Sinh viên ra trường có thể trở thành những chuyên viên lập, thẩm định và quản lý các dự án đầu tư về kiến trúc, quy hoạch hạ tầng đô thị và nông thôn; hoặc có thể giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
6. Ngành Địa kỹ thuật xây dựng (hệ kỹ sư)
Là một ngành mới cung cấp nguồn nhân lực về kỹ sư Địa kỹ thuật xây dựng cho cả nước và lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.
Sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ về kỹ năng thực hành và các kiến thức tiên tiến trong lĩnh vực xử lý, kiểm định nền móng công trình và các vấn đề về môi trường Địa kỹ thuật. Chương trình đào tạo được thiết kế hiện đại, đội ngũ giảng viên có trình độ cao được đào tạo ở trong và nước ngoài. Sinh viên tốt nghiệp dễ dàng có việc làm tại các Công ty, Trung tâm,… tư vấn thiết kế, thi công, xử lý, kiểm định nền móng các công trình xây dựng trong và ngoài nước, quản lý chuyên môn tại các Sở, Ban, Ngành liên quan, hoặc nghiên cứu, giảng dạy tại các Viện, Trường Đại học, đồng thời có thể tiếp tục học tập ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài.
7. Ngành Quản lý nhà nước
Quản lý nhà nước là một trong những ngành được đào tạo rộng rãi và phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực; đặc biệt là những nước có nền kinh tế, chính trị, giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy sĩ, Australia, Nga, Nhật Bản, Singapore,... Ở Việt Nam, quản lý nhà nước được xem là một nghề đặc biệt trong xã hội. Đây là công việc dựa trên sử dụng quyền lực công để điều hành, quản lý các hành vi của tổ chức, cá nhân trong xã hội, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển xã hội, theo các mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra.
Trong quá trình đào tạo ngành học mới mẻ này, người học sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quản lý hành chính nhà nước. Người học có khả năng thực hiện các công việc quản lý hành chính, có khả năng phân tích, viết và thuyết trình rõ ràng những vấn đề thuộc quản lý của Nhà nước; lên kế hoạch quản lý thời gian hiệu quả - một trong những yếu tố mang tới thành công trong công việc quản lý nhà nước; khả năng lắng nghe, giao tiếp, thuyết trình và đàm phán tốt…
Hiện nay, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên hàng năm số lượng cán bộ cử đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn về quản lý nhà nước là rất lớn, theo khảo sát khoảng trên 600 cán bộ/năm. Nhu cầu sử dụng ở các cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội ngày càng lớn. Kết quả khảo sát các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động cho thấy 100% cơ quan hành chính nhà nước, các ban, ngành được khảo sát trả lời rằng cử nhân ngành Quản lý nhà nước là cần thiết đối với cơ quan của họ; 92,78% các sở nội vụ trả lời là cử nhân Quản lý nhà nước cần thiết với cơ quan của họ, trong khi đó số liệu này đối với các cơ quan về đoàn thể là 80%.
Ngành học Quản lý nhà nước với nhiều tiềm năng của Khoa Lý luận chính trị sẽ giúp cho sinh viên tốt nghiệp có thể làm nhiều việc như: lãnh đạo, quản lý, chuyên viên hành chính các khu vực công và khu vực tư, đặc biệt là hệ thống chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương; Nghiên cứu viên về khoa học hành chính, khoa học quản lý ở các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước; Giảng dạy về khoa học hành chính, cán bộ hành chính, khoa học quản lý tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hành chính; Có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn ở bậc sau đại học chuyên ngành Quản lý nhà nước, Hành chính công, Quản lý công, Chính trị học, Chính sách công…
8. Ngành Toán kinh tế
Ngành Toán Kinh tế, chuyên ngành Tài chính định lượng (TCĐL) hay Toán Tài chính (Quantitative Finance hay Mathematical Finance) trong năm học 2019-2020 sẽ được Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chính thức đào tạo. Đây là một mảng của ứng dụng các mô hình toán học vào thị trường tài chính nhằm dự báo, định giá giá trị chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư; quản trị rủi ro tài chính hay giao dịch tự động.
Toán Kinh tế là một trong những ngành được đào tạo rộng rãi và phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực. Mỹ và Châu Âu là hai khu vực khởi đầu và phát triển nhất đến thời điểm hiện tại. Trong khu vực Châu Á, các quốc gia, lãnh thổ công nghiệp (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đặc khu Hong Kong) và cường quốc mới nổi Trung Quốc đang có nhu cầu nhân lực ngành này rất cao. Ở Việt Nam, trong vòng vài năm trở lại đây, khi chúng ta tiến hành hội nhập, liên kết tài chính sâu rộng, thị trường tài chính năng động và quy mô lớn hơn đã tạo ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia tài chính thử sức.
Chương trình ngành Toán Kinh tế, chuyên ngành Tài chính định lượng của Khoa Toán cho phép sinh viên được tiếp cận một chương trình đào tạo tiên tiến về lý thuyết và thực tiễn. Các bài tập tình huống được sinh viên giải quyết mô phỏng với các mô hình toán học trong Tài chính với các phần mềm Tin học. Chương trình được thiết kế tích hợp các môn học về Tài chính và Toán học, sinh viên tốt nghiệp cử nhân sẽ được trang bị những kiến thức về Xác suất - Thống kê, mô hình Toán kinh tế, thiết lập mô hình tài chính, tối ưu hóa danh mục đầu tư, quản lý định lượng rủi ro tài chính, phân tích chuỗi thời gian tài chính… Qua đó, sinh viên có khả năng xây dựng các mô hình mô phỏng danh mục đầu tư, đo lường rủi ro và dự đoán được lợi nhuận của danh mục, xử lý các vấn đề liên quan tới các mô hình tài chính trong thực tế; vận hành được các mô hình định lượng, khai thác dữ liệu, kiểm định và tối ưu hóa tham số trong các bài toán tài chính, đầu tư, quản lý rủi ro...
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau: Chuyên viên phân tích, quản lý và tư vấn về kinh tế, tài chính trong các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội; Chuyên viên phân tích, môi giới đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, tư vấn xây dựng và quản lý danh mục đầu tư tài chính; Chuyên viên định giá tài sản, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; Chuyên viên xây dựng mô hình, đo lường, phân tích, dự báo và quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán; Giảng dạy về toán tài chính, toán kinh tế tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Hiện nay, tại miền Trung và Tây Nguyên, nhiều công ty, trung tâm Tài chính, Bất động sản, Bảo hiểm, Ngân hàng… đã và đang hình thành, phát triển. Nhu cầu về nhân lực hoạt động trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm đang gia tăng một cách đáng kể. Kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động trên khắp cả nước cho thấy, thị trường lao động cần nhân lực là cử nhân ngành Toán Kinh tế chuyên ngành Tài chính định lượng là rất lớn. Ngành Tài chính, Tín dụng, Bảo hiểm… cần khoảng 10.800, tuy nhiên, tỷ lệ cử nhân được đào tạo bài bản trong các ngành này chỉ khoảng 33%.
Theo thống kê này, hằng năm các cơ sở đào tạo khu vực phía Nam và phía Bắc chỉ cung cấp cho xã hội khoảng gần 220 lao động có trình độ đại học trong các lĩnh vực như chuyên viên định giá tài sản tài chính, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; Chuyên viên xây dựng mô hình, đo lường, phân tích, dự báo và quản trị rủi ro trong ngân hàng, công ty chứng khoán, các định chế tài chính, các doanh nghiệp. Các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính, bảo hiểm… cũng đang khát nguồn nhân lực thành thạo về ngành Toán Kinh tế, chuyên ngành Tài chính định lượng.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế cho biết: Trong các năm qua, nhờ thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, kết nối doanh nghiệp và các giải pháp khác, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường có việc làm sau 12 tháng - một điều kiện bắt buộc trong việc công bố Đề án Tuyển sinh của các trường đại học - năm 2016, 2017 khá khả quan với con số 85, 67% và 88, 23%. Thầy Hiển hy vọng rằng với việc mở thêm 8 ngành học mới nói trên và sự nỗ lực từ nhiều phía, tỷ lệ sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp sẽ cao hơn.
Phụ huynh và học sinh quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đây: http://tuyensinh.husc.edu.vn/
PV