Nhiều khó khăn cho học sinh ở các khu tái định cư thủy điện

(Dân trí) - Tại các khu tái định cư thủy điện, học sinh vẫn không đủ các điều kiện đảm bảo về việc học khiến tình trạng bỏ học, thiếu học vẫn đang diễn ra.

Ngày 27/10 tại TP Huế đã diễn ra Diễn đàn nhân dân “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên – Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan lần 2”. Chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức.

Hiện lưu vực của các sông miền Trung, Tây Nguyên xem là nơi có mật độ các dự án thủy điện cao nhất cả nước. Qua việc phát triển các dự án thủy điện đã đóng góp nguồn năng lượng cho quốc gia. Tuy nhiên trong vòng 6 năm trở lại, các tác động tiêu cực về môi trường, xã hội từ các dự án thủy điện đã ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư ở đây.

Một vấn đề mới là giáo dục cho học sinh tại các khu tái định cư cũng ghi nhận có nhiều tác động tiêu cực. Theo Th.s. Lê Thị Nguyện, Nhóm phó nhóm Tư vấn đánh giá tác động Môi trường Xã hội của CSRD và từ phản ánh của người dân tái định cư thủy điện Bình Điền (thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhiều tác động xấu về giáo dục đã xảy ra sau khi người dân về ở tại khu tái định cư thôn Bồ Hòn.

Cụ thể, tại thôn Bồ Hòn tuy có nhà mẫu giáo nhưng không sử dụng nên các cháu phải qua thôn khác học. Trong thôn có 1 trường cấp 1, nhưng chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 4 và mỗi phòng học ghép 2 lớp. Bên trong các lớp học ghép rất ẩm thấp, các cửa mục nát. Riêng học sinh lớp 5 phải đến trung tâm xã để học. Tương tự, học sinh cấp 2, 3 phải đến trung tâm xã Bình Điền để học.

Các phòng học của khu tái định cư thủy điền Bình Điền ở thôn Bồ Hòn có điều kiện ẩm thấp, cửa mục, lớp phải học ghép...
Các phòng học của khu tái định cư thủy điền Bình Điền ở thôn Bồ Hòn có điều kiện ẩm thấp, cửa mục, lớp phải học ghép...

 

“Do cuộc sống của nhiều gia đình rất khó khăn, không có thu nhập nên không có tiền để chi trả các phí học hành của con. Đặc biệt đối với học sinh cấp 2 và cấp 3, do khoảng cách từ nhà đến trường khá xa, phải đi bộ trên 3 – 5 km đường dốc, vì vậy tình trạng bỏ học vẫn xảy ra.

Số học sinh sau khi bỏ học cũng phải tự kiếm việc làm để có thu nhập phụ giúp gia đình, công việc phổ biến của các cháu hiện nay là đi lượm phế liệu (sắt), chặt mây (3.000đ/kg), hái là nón (200.000đ/1.000 lá)” – bà Nguyện trao đổi.

Th.s. Trần Bá Quốc (CSRD) cho biết, ở khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 4 (thôn Nước Lang, (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), do không có trường mầm non nên tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều không được đến trường. Điều này vừa thiệt thòi cho các em, vừa tốn công của người lớn vì phải chăm giữ các em.

Hầu hết các em dưới 6 tuổi ở khu tái định cư thôn Nước Lang đều không được đến trường
Hầu hết các em dưới 6 tuổi ở khu tái định cư thôn Nước Lang đều không được đến trường

 

Khu trường cấp 1 được xây dựng trên đồi, xung quanh là vực sâu nên tình trạng các em học bị tai nạn do rơi xuống vực là rất cao. Do đó, việc xây dựng hàng rào bảo vệ xung quan trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đang được khuyến nghị đến chính quyền.

Tại khu tái định cư Bến Ván (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với 224 hộ dân di dời tới đay khi làm công trình thủy lợi – thủy điện Tả Trạch, tuy cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục ở nơi mới tốt hơn nơi cũ rất nhiều nhưng tỷ lệ các em học sinh vào cấp 3 đang giảm dần, khoảng 80% bỏ học do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Một nguyên nhân là ở nơi ở mới, khả năng sinh kế dựa vào tự nhiên của hơn 200 hộ dân trên đã giảm hẳn khi không còn có điều kiện ưu đãi của thiên nhiên…

Các em học sinh theo cha mẹ sang sông canh tác (ở 1 khu tái định cư thủy điện thuộc tỉnh Đăk Lăk). Thủy điện xuất hiện khiến cư dân tái định cư gặp cách trở về khoảng cách giữa nơi ở mới và nơi canh tác, thậm chí mất chỗ canh tác. Điều này dẫn đến điều kiện kinh tế của gia đình đi xuống, khiến nhiều học sinh cấp 3 bỏ học
Các em học sinh theo cha mẹ sang sông canh tác (ở 1 khu tái định cư thủy điện thuộc tỉnh Đăk Lăk). Thủy điện xuất hiện khiến cư dân tái định cư gặp cách trở về khoảng cách giữa nơi ở mới và nơi canh tác, thậm chí mất chỗ canh tác. Điều này dẫn đến điều kiện kinh tế của gia đình đi xuống, khiến nhiều học sinh cấp 3 bỏ học

 

Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBMTTQVN nhấn mạnh: “Phát triển thủy điện để phục vụ quốc gia là đúng đắn. Tuy nhiên các cộng đồng bị tác động cần phải được quan tâm và đối xử công bằng hơn”. Bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc CSRD, Ban điều hành VRN cùng quan điểm: "Tôi tin rằng qua diễn đàn, các cộng đồng bị ảnh hưởng có thể kêu gọi các hành động thực tế nhất từ các bên có trách nhiệm nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại từ lâu trong cộng đồng".

Diễn đàn nhân dân lần thứ 2 về tác động của thủy điện nhằm tiếp tục tăng cường đối thoại đa chiều và trực tiếp giữa các bên bị ảnh hưởng, các bên có trách nhiệm liên quan. Có gần 100 đại biểu từ các cấp, ngành trung ương và địa phương, các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên. Diễn đàn cũng là cơ hội để UBMTTQVN và UBMTTQ các tỉnh có thêm thông tin để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện cho nhân dân để trình lên chính phủ và nhà hoạch định chính sách.

 

Đại Dương