Nhiều học sinh “hồn nhiên” phạm luật giao thông

(Dân trí) - Vượt đèn đỏ, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng… là những lỗi vi phạm chủ yếu của học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Ngoài ra, các em còn “hồn nhiên” bóp còi inh ỏi, nói tục, chửi bậy khi đi trên đường.

Nhiều học sinh “hồn nhiên” phạm luật giao thông - 1
Nhiều học sinh cố tình vi phạm luật giao thông
  
Mỗi giờ phát hiện hàng chục học sinh phạm luật 
 

Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an đánh giá: Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông có chiều hướng gia tăng. Trong tổng số 10.140 vụ tai nạn giao thông, có 37% vụ liên quan đến đối tượng dưới 24 tuổi và có đến 5.526 nạn nhân dưới 24 tuổi tử vong. 

 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật giao thông” được tổ chức qua cầu truyền hình sáng 3/11 tại Bộ GD-ĐT.

 

Theo thống kê, hiện tượng học sinh đi xe máy tới trường ở các thành phố lớn có chiều hướng gia tăng. Tại Hà Nội, riêng trong tháng “An toàn giao thông” năm 2009, đã xử lý 600 trường hợp vi phạm là học sinh phổ thông. Đặc biệt, qua ghi hình tại một số trường học Hà Nội, cứ 1 giờ đồng hồ có hàng chục trường hợp học sinh vi phạm.

 

Tại Đà Nẵng, từ năm 2003-2008 có tới gần 2.000 trường hợp HSSV vi phạm an toàn giao thông, trong đó 1.300 trường hợp bị xử phạt hành chính và 7 trường hợp bị khởi tố do vi phạm luật an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Còn tại TPHCM, trong tháng 9 vừa qua cũng có 70 trường hợp học sinh vi phạm Luật giao thông.

 

“Hồn nhiên” phạm luật

 

Các lỗi chủ yếu mà HSSV thường vi phạm là đi môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, đi xe đạp dàn hàng, chở quá số người quy định…

 

Bên cạnh đó, HSSV khi tham gia giao thông chưa có biểu hiện văn hoá, còn bóp còi inh ỏi, lắp các loa to, phát nhạc ầm ĩ trên đường, nói tục, chửi bậy khi đi trên đường, đùa nghịch khi đang lái xe… Đáng lưu ý là những hành vi của các em diễn ra rất “hồn nhiên”.

 

Đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự phối hợp giữa CSGT với nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục và xử lý các học sinh vi phạm còn thiếu chặt chẽ. Các trường hợp vi phạm của HSSV được lực lượng CSGT thông báo tới nơi mà người vi phạm học tập thì rất ít nơi phản hồi. Cha mẹ thì không quản lý hoặc chiều chuộng quá mức để HSSV sử dụng xe máy khi chưa có đủ điều kiện”.

 

Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ công tác HSSV, Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Việc HSSV vi phạm an toàn giao thông chưa thể kiểm tra, giám sát được. Thời lượng giảng dạy trật tự an toàn giao thông còn ít, giáo viên dạy an toàn giao thông đều là giáo viên kiêm nhiệm, tài liệu học tập thiếu, hầu hết các giáo viên đều phải dạy chay”.

 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của gia đình - nhà trường - xã hội để có những thông tin hai chiều kịp thời giữa cơ quan chức năng với các cơ sở giáo dục. Để từ đó, địa phương cũng như gia đình cần nắm được tình trạng con em mình vi phạm Luật giao thông mà có biện pháp giáo dục hiệu quả. 

 

Các Sở GD-ĐT  đề nghị Bộ GD-ĐT cần có khung quy định xử lý kỷ luật cụ thể đối với từng trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông. Với các hình thức xử lý, nhà trường cần thông báo lại cho đơn vị CSGT biết để cùng phối hợp thực hiện.

 

Hồng Hạnh