Nhiều đổi mới trong thi học sinh giỏi năm 2007
(Dân trí) - Thi học sinh giỏi 2007 sẽ thay đổi theo hướng nào? Điều kiện như thế nào để được thi học sinh giỏi? Và có tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào đại học hay không? Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết:
Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tiếp tục có những đổi mới, điều chỉnh hợp lý từ năm 2007 để tất cả các kỳ thi đảm bảo chất lượng, nghiêm túc, khách quan, công bằng, góp phần tích cực thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Lãnh đạo Bộ đã giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì đề xuất, cùng các đơn vị hữu quan thảo luận một số vấn đề mới, nhằm xây dựng một quy chế thống nhất, áp dụng cho các kỳ thi các môn văn hóa chọn học sinh giỏi trung học cơ sở, trung học phổ thông cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố, trường đại học; chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT; chọn học sinh THPT vào các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực.
Vậy theo ông trong số các vấn đề mới, đề thi học sinh giỏi có gì cải tiến?
Đề thi được cải tiến theo hướng: thay đổi mạnh cấu trúc đề thi tự luận (tăng số câu hỏi riêng biệt sao cho mỗi câu riêng biệt không quá 3 điểm trong tổng số 20 điểm của bài thi, riêng đề Văn có thể có 1 câu 5/20 điểm). Đồng thời khuyến khích ra câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi. Chẳng hạn, đối với môn Sinh học, Vật lí có phần trắc nghiệm như trong các đề thi Olympic quốc tế.
Hướng cải tiến thứ hai là có phương án lập ngân hàng câu hỏi thi cho các kỳ thi học sinh giỏi, phục vụ việc rút thăm ngẫu nhiên để xây dựng đề thi.
Được biết, năm nay về đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi có thay đổi. Vậy thay đổi đó như thế nào thưa ông?
Nhằm đảm bảo chất lượng học sinh giỏi đoạt giải, dự kiến sẽ giảm số thí sinh dự thi; nói chung, mỗi đơn vị sẽ có 6 thí sinh/môn thi. Những đội tuyển của đơn vị nào năm trước đạt kết quả cao (về số giải) sẽ được tăng số thí sinh tham gia, theo quy định.
Một điều kiện đưa ra đang còn phải thảo luận là sẽ không có học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12, vì nếu học sinh lớp 11 dự thi thì sẽ phải học vượt để hoàn thành chương trình môn chuyên lớp 12 ngay từ vài ba tháng đầu của lớp 11 (thi học sinh giỏi sẽ tổ chức vào cuối học kỳ I hằng năm); điều này gây sức ép lớn, làm cho nhiều học sinh học lệch các môn khác.
Một điều kiện quan trọng khác nữa đối với các đội tuyển học sinh giỏi là không liên hệ, mời người ngoài trường ôn luyện, tập huấn cho giáo viên và học sinh dự tuyển dưới bất kỳ hình thức và thời gian nào. Nếu phát hiện vi phạm, thí sinh của đội không được dự thi hoặc bị hủy bỏ kết quả thi.
Như vậy, khâu tổ chức thi học sinh giỏi được đổi mới như thế nào?
Có ba vấn đề lớn được dự kiến thay đổi trong khâu tổ chức thi. Thứ nhất, tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia theo 9 cụm, tại các trường đại học trên địa bàn: Thái Nguyên, Sơn La, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TPHCM, Cần Thơ. Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi và điều động giám thị từ nơi khác đến.
Thứ hai, sẽ không phân bảng thi A, B như trước. Thay vào đó sẽ chỉ có một đề cho các đội tuyển thi cùng một môn, sao cho những học sinh thực giỏi của bảng B trước đây cơ bản làm được bài.
Thêm vào đó, có chế độ thưởng điểm: thí sinh thuộc các vùng (theo cách phân vùng trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng) được cộng điểm ưu tiên khi xét giải; chẳng hạn, thí sinh thuộc vùng I được cộng 1,5 điểm cho mỗi bài thi; thí sinh thuộc vùng II và vùng II nông thôn được cộng 1,0 điểm cho mỗi bài thi (thang điểm 20).
Thứ ba, đối với các môn thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học sẽ chỉ tổ chức một buổi thi như các môn thi khác (trước đây có hai buổi thi).
Được biết, Bộ GD&ĐT sẽ không tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào đại học, cao đẳng?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thành lập một nhóm nghiên cứu sử dụng kết quả thi học sinh giỏi quốc gia. Nhóm này đã thu thập được ý kiến của các cơ Sở Giáo dục Đào tạo và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương; số đông nghiêng về phía không nên tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia, mà nên chăng chỉ cộng điểm cho các thí sinh khi thi vào đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, vấn đề này chỉ liên quan đến quy chế tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với quy chế này trong thời gian tới.
Nhóm PVGD