Nhiều bất cập trong đào tạo ngành Kế toán - kiểm toán

(Dân trí) - Nội dung môn học ngành Kế toán - kiểm toán còn nặng về lý thuyết; nhiều môn học còn trùng lặp nhau, thậm chí chưa gắn với thực tế công việc. Sinh viên ra trường còn yếu về kỹ năng mềm…

Đó là ý kiến nhận định của nhiều GS.TS, giảng viên tại hội thảo khoa học quốc gia về "Đổi mới đào tạo kế toán - kiểm toán trong các trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam" diễn ra sáng nay 4/11 tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Nhiều bất cập trong đào tạo ngành Kế toán - kiểm toán  - 1

Nhiều môn học trùng lặp

Nhận định về thực trạng đào tạo ngành Kế toán tại nhiều trường đại học trong thời gian vừa qua, GS.TS Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính, cho biết: "Nhìn chung, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy các môn học Kế toán, Kiểm toán trong các trường đại học những năm qua đã có những đổi mới căn bản về nội dung và hình thức. Ngoài việc cung cấp cho sinh viên những lý luận cơ bản, môn học còn cung cấp cho họ những kỹ năng tính toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh một cách cụ thể, tỉ mỉ vào các tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính".

Tuy nhiên, GS.TS Ngô Thế Chi cho hay, nội dung môn học vẫn còn nặng về lý thuyết thuần túy. Mặc dù, trong mấy năm gần đây nhiều trường đại học, học viện đã có những đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy theo hướng giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành và giờ tự học của SV. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này còn quá thấp vì cơ sở vật chất và kinh phí của các trường thường quá thiếu. Mặc khác, sự phối hợp với các doanh nghiệp để SV đi thực tập tốt nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực tập ít, thậm chí chỉ là hình thức.

PGS.TS Nguyễn Năng Phúc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng: “đào tạo chuyên ngành Kế toán - kiểm toán, theo chúng tôi còn quá nhiều môn học chuyên ngành, có nhiều môn học trùng lặp về nội dung khoa học như kế toán công ty, kế toán tập đoàn, kế toán công... vì có sự trùng lặp nên người giảng và người nghe đều không hứng thú”.

TS Nguyễn Khắc Hùng, Trường ĐH Sài Gòn, thẳng thắn nói: “Các trường bắt buộc phải tuân thủ chương trình khung của Bộ, trong đó các môn học bắt buộc thuộc phần giáo dục đại cương còn chiếm khối lượng khá lớn khiến cho việc giảm tải chương trình gặp nhiều khó khăn. Phương pháp giảng dạy vẫn thầy đọc trò chép và làm bài tập được thay bằng công thức “thầy giảng, trò nghe và làm bài tập”. Cách làm này tưởng chừng như đã đổi mới phương pháp dạy học nhưng không đảm bảo kiểm soát tất cả người học phải làm việc và không đảm bảo nâng cao kiến thức cho người học ở trình độ cao, người học chỉ học được những gì thầy dạy”.

Chỉ rõ thêm về sự bất cập trong chương trình đào tạo Kế toán - kiểm toán hiện nay, Thạc sĩ Trần Trung Tuấn, ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: “Mặc dù đã ban hành các chuẩn mực kế toán nhưng hầu hết các giáo trình về kế toán của các trường dều được soạn theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nên hạn chế phần nào đến khả năng sy luận và phát triển kiến thức của SV. Bên cạnh đó, chương trình hiện nay chưa tính đến vấn đề hội nhập. Đặc biệt, chưa chú trọng đến ngoại ngữ và kỹ năng mềm của cán bộ Kế toán - kiểm toán sau này một cách thích đáng”.

Xác định rõ mục tiêu chương trình đào tạo

Để khắc phục tình trạng trên, GS.TS Ngô Thế Chi đề nghị: “Rà soát lại nội dung cụ thể của môn học để tránh trùng lắp, giảm bớt những vấn đề không cần thiết, bổ sung kiến thức mới như các thông lệ, chuẩn mực chung mang tính quốc tế về kế toán nhằm cung cấp thêm lý luận cơ bản và tạo điều kiện cung cấp thông tin hội nhập về kế toán quốc tế và khu vực...; nội dung, phương pháp và nguyên tắc lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, quy trình kiểm toán… Bên cạnh đó giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy hướng tới mục tiêu giúp cho SV tiếp thu được lý luận cơ bản về kế toán trong điều kiện hội nhập".

TS Nguyễn Khắc Hùng, trường ĐH Sài Gòn cho rằng: “Đổi mới chương trình đào tạo phải thực hiện đồng bộ với việc đổi mới phương pháp dạy và học. Không thể đổi mới chương trình đào tạo trên cơ sở phương pháp dạy và học cũ.

Phải xây dựng chương trình đào tạo một cách khoa học, xác định rõ mục tiêu của chương trình đào tạo. Trong chương trình đào tạo bao gồm nhiều môn học khác nhau, mỗi môn học phải thể hiện rõ mục tiêu đào tạo trong thời lượng cho phép và trong từng chương cũng nêu rõ mục đích phải đạt được. Xác định rõ nội dung để đạt được mục tiêu đề ra và chuyển tải nội dung đó đến người học”.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm