Quảng Trị:
Nhiều bất cập nảy sinh sau quá trình sắp xếp, sáp nhập trường học
(Dân trí) - Vào năm học 2018-2019, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập trường học, tỉnh Quảng Trị đã giảm được 75 trường. Tuy nhiên, sau quá trình sáp nhập đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập về công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy học, cũng như các chế độ chính sách.
Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành việc sáp nhập trường học (giai đoạn 1) trước khai giảng năm học 2018-2019. Qua đó, giảm được số lượng đầu mối đơn vị hành chính, đầu mối quản lý, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp.
Khó khăn sau quá trình sắp xếp, sáp nhập cơ sở giáo dục
Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị đã giảm 75 trường, hiện còn 422 trường. Các trường sáp nhập đã nhanh chóng ổn định tổ chức đi vào hoạt động. Song, thực tế hoạt động tại các trường sau sáp nhập đều gặp nhiều khó khăn, bất cập về công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy và học cũng như về chế độ chính sách.
Thực hiện chủ trương sáp nhập, Trường Tiểu học và Trường THCS Gio Phong sáp nhập thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Gio Phong.
Cô giáo Lê Thị Tuyên - Phó Hiệu trưởng cho biết, dù 2 trường đã sáp nhập nhưng hai điểm trường vẫn tổ chức các hoạt động riêng lẻ, ít tổ chức hoạt động chung. Nguyên nhân là vì trái buổi và thời gian biểu giữa 2 cấp học nên khó trong việc bố trí học sinh.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên khối Trung học cơ sở lại gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy theo phương pháp của học sinh tiểu học, do sự khác biệt trong tâm sinh lý lứa tuổi.
Tại một số địa phương thực hiện sáp nhập các cơ sở giáo dục của 2 đơn vị hành chính khác nhau cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.
Sau hơn 2 tháng sáp nhập, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (xã Vĩnh Tân) và Trường Trung học cơ sở Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng) vẫn chưa thuộc địa phương nào quản lý. Thầy giáo Nguyễn Đăng Ánh, Phụ trách Trường Trung học cơ sở Cửa Tùng, nói rằng: Do sáp nhập lại thành một trường, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa sáp nhập nên hiện tại trường vẫn chưa thuộc đơn vị hành chính địa phương của bên nào quản lý. Và như vậy, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, điều hành.
Ngoài ra, sau sáp nhập tình trạng thừa, thiếu vẫn đang diễn ra tại các trường. Còn tình trạng thừa giáo viên sau sáp nhập do chưa giảm được biên chế. Một số giáo viên bộ môn dạy học ở cấp trung học cơ sở chưa thể nghỉ hưu hoặc chuyển sang giảng dạy ở bậc tiểu học.
Bên cạnh đó, việc bố trí tạm thời cán bộ quản lý Phụ trách trường (Hiệu trưởng) khiến công tác điều hành, quản lý và giao dịch tài chính gặp nhiều khó khăn…
Ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh cho biết: Huyện đã sáp nhập được 16 đơn vị, giảm được 19 đầu mối. Việc sáp nhập đến nay đã hoàn thành, các trường đã đi vào hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, sau sáp nhập các trường đang gặp nhiều khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ quản lý. Khi thực hiện sáp nhập, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán cũng dôi dư.
Hiện nay, các trường sau khi sáp nhập đang tập trung khắc phục khó khăn, đảm bảo duy trì chất lượng dạy và học. Ngành giáo dục Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, giáo viên hiểu rõ mục đích của chủ trương sát nhập các trường học.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến nay, việc sáp nhập các trường được thực hiện đúng theo lộ trình kế hoạch đề ra, các trường đã đi vào hoạt động tương đối ổn định.
“Trong quá trình sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn về việc giải quyết cán bộ dôi dư, việc thực hiện nhiệm vụ đối với môi trường trường học mới và về việc chỉ đạo điều hành các hoạt động chuyên môn ở các đơn vị trường học...”, bà Hương nói.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, ngành giáo dục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung trong việc phối hợp với Sở Nội vụ cũng như UBND các địa phương để rà soát, sắp xếp sớm ổn định bộ máy cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các đơn vị trường học.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục theo dõi, rà soát, nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc, bất cập sau sáp nhập. Từ đó đưa ra những phương án giải quyết kịp thời, đạt hiệu quả cao, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học sau sáp nhập tại địa phương.
Đăng Đức – Mạnh Toản