Nhạy cảm "thưởng Tết" giáo viên
(Dân trí) - Đề cập đến vấn đề "thưởng Tết" của giáo viên, quản lý nhiều trường học xin phép không nhắc đến. Thực tế con số ít hay nhiều thì cũng là vấn đề... tế nhị.
Cuối năm, khi nhắc đến "thưởng tết" giáo viên, hiệu trưởng nhiều trường học ở TPHCM xin phép không ý kiến, không đề cập. Nhiều người không biết phải nói gì, con số "thưởng Tết" bao nhiêu cũng có phần tế nhị, nhạy cảm. Ít thì xót mà nhiều thì ngại, không hẳn là điều vui để có thể thoải mái chia sẻ như nhiều ngành nghề khác.
Về việc nhiều người e dè nói đến "thưởng Tết" của giáo viên, một hiệu trưởng ở Q.8, TPHCM cho biết, về "danh chính ngôn thuận", giáo viên không có tháng lương 13 và cũng không có thưởng Tết. Nên hiển nhiên ai cũng "ngại" là điều dễ hiểu.
Tiền mọi người gọi là "thưởng Tết" lâu nay, vị hiệu trưởng chia sẻ đó là tiền thu nhập tăng thêm, chia ra từ kết dư từ các khoản của nhà trường căn cứ vào Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Có thể hiểu, hàng năm ngân sách rót về theo số học sinh tính toán trên mọi hoạt động của trường, trường nào tiết kiệm, dùng không hết hay có nơi có thêm các nguồn thu... tạo thành khoản kết dư để chi tăng thêm cho đội ngũ.
Khoản này thường được chi vào cuối năm nên được phổ thông hóa cách hiểu, gọi thành "thưởng Tết".
Vì đó là tiền tiết kiệm từ ngân sách, hay từ các nguồn thu nên các trường khác và cùng một trường mỗi năm cũng khác nhau. Các năm trước, ở TPHCM có nơi chỉ vài trăm nghìn, có nơi có thể lên đến vài chục triệu đồng.
Hay có trường đang cao vọt nhưng năm sau có thể rớt thảm không tránh được những xáo động, nghi kỵ.
Con số cao hay thấp tùy thuộc vào khả năng tiết kiệm, quản lý tài chính cũng như quan điểm về đầu tư cho giáo dục của chính đội ngũ quản lý nhà trường. Tại một ngôi trường, tiền thu nhập tăng thêm của giáo viên năm nay với năm kia có thể là trên trời dưới vực chỉ cần thay hiệu trưởng.
Có hiệu trưởng "mạnh tay" trong các hoạt động giáo dục hoặc không có khả năng quản lý tài chính thì không có tiền tiết kiệm, không dư nhiêu thì... thu nhập tăng thêm của giáo viên không có hoặc thấp.
Ngược lại, có nơi làm mọi cách tiết kiệm, chi tằn tiện cho trong các hoạt động giáo dục, từ chối các hoạt động giáo dục dù hiệu quả nếu... tốn kém thì "thưởng Tết" lại cao.
Chưa kể, không ít trường có nhiều chiêu thức "vận động" để phụ huynh tham gia đóng góp vào đủ các hoạt động giáo dục trong trường. Vậy nên, một thực tế diễn ra, thứ gì ở trường học cũng... đến tay phụ huynh dù rằng trường hoạt động theo nguồn chi ngân sách.
Có nhiều giáo viên không tránh được chút mủi lòng khi tiền "thưởng Tết" ít, nhưng được nhiều có khi họ cũng tan nát cõi lòng, vui không nổi.
Hiệu trưởng biết "liệu cơm gắp mắm", biết chi tiêu tài chính một cách tiết kiệm mà vẫn hiệu quả, hợp lý hẳn không nhiều. Vì suy cho cùng, đây cũng không phải là chuyên môn của họ, họ cũng không được đào tạo bài bản.
Tồn tại nghịch lý vô cùng chua chát là tại TPHCM đã xảy ra trường hợp, giáo viên "tố" hiệu trưởng vì "thưởng Tết" quá thấp, hay năm sau giảm mạnh so với các năm trước.
Trong khi, chưa hẳn "thưởng Tết" thấp là trường hoạt động không hiệu quả, chất lượng giáo không không tốt. Và ngược lại, có nơi thưởng Tết cao chưa chắc nơi đó đầu tư cho giáo dục được chăm chút, quan tâm. Trường công lập hoạt động theo nguồn chi ngân sách không phải là đơn vụ kinh doanh có thu chi.
"Thưởng Tết" có sự nhập nhằng như vậy nên hiệu trưởng các trường và ngay cả giáo viên đều rất ngại khi nhắc đến vấn đề này. Nhiều người mong có chính sách tiền thưởng Tết hoặc tháng lương 13 trong ngành giáo dục để giáo viên có thể đường đường chính chính bàn về tiền thưởng Tết.