“Nhạy cảm” quà tặng giáo viên ngày 20/11
(Dân trí) - Thay cho sự trân trọng, chân thành thì những món quà tặng thầy cô mang nặng dáng dấp của sự toan tính, hơn thiệt. Quà tặng 20/11 cho thầy cô lẽ ra cần được nâng niu lại trở nên vô cùng “nhạy cảm”.
Trước ngày 20/11 năm nay, một trường mầm non thông báo đến phụ huynh việc nhà trường không nhận bất cứ món quà nào, bất cứ với hình thức nào. Ở TPHCM, từ lâu một số trường học cũng đã có quy định giáo viên (GV) không được nhận quà từ phụ huynh. Tuy nhiên, có lẽ chưa trường nào ra thông báo bằng một văn bản chính thức như vậy.
Việc công khai “không nhận quà” là một sự mạnh dạn, rõ ràng của nhà trường. Trong thực tế hiện nay, việc này giải tỏa rất nhiều vấn đề, đặc biệt là “gỡ bí” cho phụ huynh, họ không còn phải nặng nề chuyện mua gì, tặng gì cho thầy cô...
Vậy nhưng phảng phất đằng sau quy định “không nhận quà” có rất nhiều chuyện để nói. Những mảng buồn và đáng trăn trở.
Không thể phủ nhận thực trạng phụ huynh tặng quà thầy cô giáo, nhiều người thể hiện rõ hàm ý “mua chuộc”. Còn một bộ phận GV coi nặng chuyện quà cáp, từ đó đối xử “lệch” với con trẻ.
Thay cho sự trân trọng, chân thành thì những món quà ít nhiều mang dáng dấp của sự toan tính, hơn thiệt từ cả phía người nhận, người tặng. Những món quà 20/11 dành tặng thầy cô lẽ ra đáng được nâng niu vì thế trở nên vô cùng “nhạy cảm”.
Bên cạnh “mảng tối” của chuyện quà cáp, chắc chắn có rất nhiều phụ huynh tặng quà cho thầy cô, nhất là trong những dịp đặc biệt như 20/11, như một lời cảm ơn, trân trọng tới người “đưa đò” của con.
Có phụ huynh xem đó là “hối lộ” thì cũng có những ông bố bà mẹ nhìn nhận việc nhớ đến thầy cô, tri ân thầy cô là cách để giáo dục, để bồi đắp tâm hồn, niềm tin cho con trẻ. Một cách giáo dục hiệu quả.
Và chắc chắn không phải thầy cô nào cũng xem nặng giá trị quà tặng. Số đông những người nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, điều họ mong mỏi nhất vẫn là sự trưởng thành của học trò. Mong muốn được học trò thể hiện yêu thương, nhớ đến mình là tình cảm tự nhiên nhất của con người và hoàn toàn chính đáng.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở TPHCM - nơi cũng có quy định GV không được nhận quà của phụ huynh - chia sẻ quy định này nhà trường đưa ra để tạo sự trong sạch cho GV, công bằng cho trẻ và giảm áp lực cho phụ huynh.
Nhưng rồi, chính bà cũng phải tự hỏi như vậy có phải là một rào chắn, tước đi rất nhiều thứ quý giá - quý hơn cả những món quà - là tình cảm thầy trò.
Giáo sư Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch chia sẻ, tình thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người và trẻ cần được bồi đắp tình cảm này. Tình cảm thầy trò đang bị lung lay, mai một trong cuộc sống hiện nay thì việc bồi dưỡng, vun đắp tình cảm lại càng cần thiết.
Theo ông Hiền, một năm có hai ngày, mùng 3 Tết thầy cô và ngày 20/11, hãy tạo điều kiện cho các em bày tỏ, thể hiện tình cảm đến thầy cô một cách chân thành nhất - chứ không phải là chuyện của món quà. Qua đó nuôi dưỡng, làm giàu cho tâm hồn các em, giúp trẻ biết trân trọng những giá trị tình cảm, nét đẹp tôn sư trọng đạo. Âu đó cũng là nhiệm vụ giáo dục của gia đình, của nhà trường.
Khi tình cảm xuất phát từ sự chân thành thì những món quà sẽ không còn bị nghi kỵ. Nhưng có lẽ sự mất niềm tin, lòng nghi ngờ đối với giáo dục đã quá lớn? Đến nỗi đẩy tình cảm thầy trò vào cảnh muốn yêu thương mà thật khó yêu thương, muốn bày tỏ nhưng rất khó thể hiện?
Sự toan tính của người lớn đang tước đi của trẻ những tình cảm chân thành, trong sáng cũng như quyền được yêu thương, bày tỏ sự biết ơn của các em. Và rồi dễ lắm người lớn lại quay sang trách lớp trẻ sao mà sống vô tâm, hời hợt, chẳng biết đến ân tình.
Hoài Nam