Nháo nhác trước lệnh cấm luyện thi
Cơ sở giáo dục đại học không được tổ chức luyện thi đại học. Đó là một nội dung trong qui định về dạy thêm học thêm do Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành, khiến các trường ĐH đứng ngồi không yên.
Chưa từng bàn thảo hay lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT đã bất ngờ đưa nội dung cấm các trường ĐH tổ chức luyện thi tuyển sinh ĐH vào quy định về dạy thêm học thêm vừa mới được ban hành.
Trong đó, tại khoản 3, điều 3, qui định này viết: “Cơ sở giáo dục ĐH không tổ chức dạy thêm học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục đại học đó”.
Và để khẳng định thêm quyết tâm cấm các trường ĐH tổ chức luyện thi cho học sinh, ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, người trực tiếp soạn thảo qui định nói: “Nếu các trung tâm luyện thi gắn liền với tên các trường ĐH, do cán bộ, giảng viên của các trường ĐH quản lý và giảng dạy, các trung tâm sẽ không được tổ chức ôn luyện thi đại học cho học sinh THPT nữa”.
Tiếp xúc với chúng tôi, không ít trường vừa ngỡ ngàng vừa lo lắng trước chủ trương bất thường này. Phó Giám đốc một trung tâm bồi dưỡng văn hóa - luyện thi lớn tại TPHCM tâm tư: “Nếu có cấm cũng phải thông báo trước hay ít nhất cũng lưu ý để các trường có thời gian chuẩn bị. Chúng tôi đã lên kế hoạch giảng dạy đến cuối năm. Hàng ngàn học sinh đang theo học. Bộ cấm thì chúng tôi phải làm sao đây?”.
Hàng loạt trung tâm luyện thi của các trường ĐH khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cho đến thời điểm này, họ cũng chỉ mới nhận được thông tin qua báo chí và chưa biết phải xử lý tình huống này ra sao. Trong khi đó, kế hoạch chiêu sinh giảng dạy đều đã thực hiện.
Ông Ngô Thiện - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết trung tâm đã lên kế hoạch cho khóa tuyển mới vào cuối tháng 2/2007 nên đã liên hệ thuê giáo viên, ký hợp đồng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến các trường ĐH vào những ngày đầu tháng 2/2007, hầu như trường nào cũng nhìn thấy những băng rôn giới thiệu chương trình luyện thi mới. Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ khai giảng khóa mới vào đầu tháng 3/2007.
Đây là một trong những trung tâm luyện thi thuộc vào loại lớn nhất nhì tại TPHCM. Chỉ tính riêng số học sinh đang theo học tại hai cơ sở chính của trường đã lên đến gần 2.000 em. Ngoài ra, trường còn có đến 32 cơ sở luyện thi đang hoạt động bên ngoài khuôn viên trường. Nếu tính tổng cộng, số thí sinh đang luyện thi lên đến hàng chục ngàn.
Số trung tâm của các trường ĐH khác có lượng học sinh theo học lên đến hàng nghìn không phải là ít. Vì thế, việc cấm các trường ĐH tổ chức luyện thi cho học sinh trong hoàn cảnh này không phải là chuyện dễ làm. Ông Đoàn Hữu Hải - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng “Đây quả thật là một vấn đề lớn”.
ĐH không phục vụ học sinh THPT?
Giải thích cho qui định này, ông Lê Quán Tần cho rằng: Luyện thi không phải là một chức năng của các trường ĐH, cũng không gắn với nhiệm vụ của các trường. Học sinh THPT chưa phải là đối tượng phục vụ của các cơ sở đào tạo ĐH.
Trong điều kiện đội ngũ giảng viên còn nhiều giới hạn, các trường không nên làm dịch vụ để còn tập trung làm nhiệm vụ chính là đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo SV của chính mình”.
Một thực tế không thể phủ nhận là giáo viên đang đứng lớp tại các trung tâm luyện thi của các trường ĐH phần lớn là giảng viên của trường đó và một vài trường ĐH khác.
Những người làm trong lĩnh vực luyện thi đều thừa nhận rằng sở dĩ học sinh tìm đến các trung tâm luyện thi của trường ĐH là vì họ biết có giảng viên của trường ĐH đó giảng dạy.
Giám đốc một trung tâm nói thẳng: “Đó là nhu cầu xã hội. Học sinh có quyền chọn lựa nơi nào tốt để học. Các trường ĐH vì uy tín, vì danh tiếng của mình, họ cũng tổ chức giảng dạy có chất lượng”.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa ĐHQG TPHCM - nhận định thêm: “Về mặt pháp lý, các trường có quyền tổ chức ôn luyện cho thí sinh, đồng thời thí sinh cũng có quyền được chọn lựa cơ sở để học.
Một PGS nhiều năm công tác trong ngành giáo dục tỏ ra bất bình: “Nếu lý luận học sinh THPT chưa phải đối tượng phục vụ của các cơ sở ĐH là không đúng với chủ trương của ngành.
Nói như vậy chẳng khác nào cho rằng sự tồn tại của hai trường THPT năng khiếu tại Hà Nội và TPHCM đều thuộc hai ĐHQG quản lý là sai”.
Không ít người tỏ ra không đồng tình khi Bộ cho rằng các trường không được luyện thi vì đó không phải là chức năng của trường. Ông Ngô Thiện khẳng định: “Việc luyện thi không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động chuyên môn của nhà trường”.
Theo Ngọc Hùng
Tiền Phong