Đắk Nông:

Nhân viên trường học xoay xở trước chủ trương tinh giản biên chế

(Dân trí) - Trong những năm qua, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiến hành cắt giảm, tinh giản biên chế. Những người đầu tiên thuộc diện cắt giảm này sẽ là nhân viên trường học. Để giữ lại suất biên chế, hoặc ít nhất là có việc làm, nhiều nhân viên trường học phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ hoặc đi học để trở thành giáo viên.

Kế toán kiêm nhân viên văn thư

Năm học 2018-2019, Trường mầm non Hoa Phượng Vàng (TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thiếu khoảng 7 giáo viên (GV) đứng lớp. Để giải quyết tình trạng này, trước hết nhà trường thống nhất với phụ phuynh để thực hiện xã hội hóa hợp đồng GV. Ngoài các cháu đang học lớp lá, mỗi học sinh của trường sẽ đóng góp khoảng 70.000 đồng/tháng để thuê GV về dạy.

Trường mầm non Hoa Phượng Vàng cũng thuộc diện cắt giảm, tinh giản biên chế ngành Giáo dục của TX. Gia Nghĩa. Chính vì thế, từ những năm học trước, nhân viên văn thư của trường đã kiêm luôn cả thủ quỹ.

Nhân viên trường học xoay xở trước chủ trương tinh giản biên chế - 1
Nhiều nhân viên trường học phải kiêm nhiệm các vị trí do tinh giản biên chế

Thực hiện chủ trương trên, Trường mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức) cũng phải cắt bỏ vị trí nhân viên y tế trường học. Hai năm nay, kế toán của trường, chị Trần Thị Mận cũng phụ trách luôn công việc văn phòng. Riêng năm học 2018-2018, chị Mận làm cả kế toán, văn phòng của Trường mầm non Hoa Pơ Lang. Hai trường mầm non cùng một xã nhưng cách nhau cả chục cây số nên hàng tuần, chị Mận phải chia lịch để đến làm việc.

“Công việc cũng rất vất vả, làm một trường cũng đã khó khăn rồi, bây giờ phải làm thêm ở Trường mầm non Hoa Pơ Lang nữa nên có hôm về đến nhà không còn sức để làm việc nhà. Thế nhưng nếu không chịu được thì không có việc làm, thành ra phải chấp nhận, làm nhiều cũng quen”, chị Mận tâm sự.

Tương tự, Trường mầm non Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long) nhiều năm nay cũng thiếu GV đứng lớp và nhân viên trường học. Theo Ban giám hiệu của trường, hiện nhà trường chỉ có một kế toán kiêm luôn cán bộ văn thư và không có nhân viên y tế trường học. Ngoài ra, do không có biên chế thủ quỹ nên nhà trường phải cắt cử một giáo viên làm nhiệm vụ này.

“Nói chung là công việc rất nhiều, nhưng do chủ trương nên phải sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy. Nhân viên kiêm nhiệm hai ba năm mới được đi tập huấn một lần nên nhiều lúc các cô cũng khó khăn, loay hoay với công việc”, một lãnh đạo Trường mầm non Quảng Hòa cho hay.

Văn thư, thủ quỹ đi học để làm giáo viên

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Đắk Nông thiếu khoảng trên 1.000 biên chế; trong đó biên chế GV mầm non thiếu khoảng trên 830 người. Ðể hạn chế tình trạng thiếu GV, tỉnh này đã triển khai chuyển đổi được khoảng trên 60 biên chế nhân viên sang GV.

Nhân viên trường học xoay xở trước chủ trương tinh giản biên chế - 2
Trong khi đó, nhiều nhân viên đi học thêm nghiệp vụ để đứng lớp (ảnh minh họa)

Năm học này, cô Lê Thị Thu Hiền được phân công phụ trách gần 40 học sinh Trường mầm non Hoa Mai ở xã Đắk Ha (Đắk G’Long). Với một GV kinh nghiệm lâu năm thì để quản lý lớp học đông như vậy đã là khó khăn, nên với cô Hiền, công việc càng khó gấp bội khi năm đầu tiên đứng lớp. Cô Hiền, trước vốn là nhân viên văn thư kiêm thủ quỹ tại một trường THCS trên địa bàn.

Theo nữ GV, công tác tại trường THCS từ nhiều năm, cô Hiền cũng đã tranh thủ thời gian học thêm lớp Sư phạm Mầm non. Đến năm 2018, khi biết thông tin là huyện đang thiếu rất nhiều GV mầm non, cô Hiền đã quyết định đăng ký xin chuyển qua làm GV.

Cô Hiền tâm sự: “Mặc dù đã được học nghiệp vụ sư phạm nhưng ban đầu chuyển qua dạy cũng rất khó khăn. Trẻ dân tộc thiểu số nhiều nên rất khó khăn để làm quen với tiếng Việt. Có những ngày về rất mệt và mất luôn giọng”.

Nhân viên trường học xoay xở trước chủ trương tinh giản biên chế - 3
Cô Nguyệt từng là nhân viên trường học, sau đó trở thành giáo viên

Tại Trường mầm non Hoa Sen ( xã Quảng Thành, TX. Gia Nghĩa), cô giáo Hoàng Thị Ánh Nguyệt cũng miệt mài dạy múa hát cho trẻ. Cũng giống cô Hiền, cô Nguyệt từng là nhân viên thủ quỹ sau đó học thêm nghiệp vụ để trở thành GV đứng lớp.

Năm học 2017-2018, trường gặp khó khăn vì thiếu GV đứng lớp, bị chậm tiến độ thực hiện đạt chuẩn quốc gia, cô Nguyệt đã đăng ký đi học chuyển đổi từ biên chế nhân viên sang giáo viên. “Ban đầu chưa quen nên vất vả lắm, cả ngày gần như hoạt động liên tục, hết dạy đến chăm sóc trẻ, làm vệ sinh hành lang, lớp học...”, nữ GV nhớ lại.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long, để khắc phục tình trạng thiếu GV, huyện này thực hiện phương án chuyển đổi biên chế nhân viên sang biên chế giáo viên được 17 người. Một số trường mầm non nhờ đó đã nhận thêm được số lượng trẻ đến trường.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa, hiện nay thị xã đã thực hiện chuyển đổi được 6 nhân viên thành GV và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục chuyển đổi thêm 17 người nữa nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV hiện nay. Nhân viên chuyển đổi chủ yếu là các thủ quỹ, kế toán ở trường học.

Nhiều trẻ vẫn chưa được đến trường vì thiếu GV

 

Riêng tại huyện Đắk G’Long, hiện còn thiếu khoảng 320 GV. Toàn huyện có 618 trẻ đến độ tuổi mầm non không được đến trường do thiếu GV.  Nhóm trẻ chủ yếu từ 3 - 5 tuổi, tập trung phần lớn ở hai xã Quảng Hòa và Đắk R’măng, là dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào.

 

Trước áp lực mỗi năm số học sinh tăng lên gần 1.600 trẻ, hiện huyện Đắk G’long thiếu phòng học và GV trầm trọng. Để giải quyết khó khăn trước mắt, huyện đang ưu tiên bố trí cho số trẻ 5 tuổi ra lớp để đảm bảo lên học lớp 1 của bậc Tiểu học.

Dương Phong