Nhân rộng mô hình giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm

(Dân trí) - Từ nay tới hết tháng 8/2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Oxfam Anh phối hợp tổ chức tập huấn cho hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc tiểu học thuộc 41 tỉnh trên toàn quốc về phương pháp dạy-học lấy trẻ em làm trung tâm.

Chương trình được khai mạc tại Trà Vinh hôm nay, 9/8, cho các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục từ 9 tỉnh phía Nam. Đợt tập huấn kéo dài 4 ngày.

Sau Trà Vinh, chương trình tập huấn sẽ tiếp tục được tổ chức trên khắp các vùng miền từ nay đến hết ngày 26/8/2010. Các giáo viên từ 13 tỉnh phía Bắc sẽ tham dự tập huấn tại Sa Pa, 7 tỉnh miền Trung tại Huế, và 12 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột.

Phương pháp dạy-học lấy trẻ em làm trung tâm là phương pháp học tập tích cực, khác với phương pháp dạy học truyền thống trước đây là giáo viên giảng giải, học sinh lắng nghe và ghi nhớ thụ động. Giáo viên được tập huấn cách thiết kế và giảng dạy theo phương pháp dạy - học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, áp dụng các kỹ năng tổ chức làm việc nhóm, kỹ năng đặt câu hỏi, phương pháp đóng vai, tự làm đồ dùng dạy học bằng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, sử dụng trò chơi trong học tập, tối ưu hóa không gian lớp học.

Qua hơn 10 năm thực hiện dự án giáo dục của Oxfam, việc áp dụng phương pháp dạy-học này tại các tỉnh Lào Cai, Trà Vinh (và hiện nay là Đăk Nông) đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng dạy và học cho trẻ em ở những vùng khó khăn.

Tại lễ khai mạc khóa tập huấn tại tỉnh Trà Vinh, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đánh giá cao kết quả của chương trình và nhấn mạnh: “Sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam cho đợt tập huấn này và các năm tiếp theo là việc làm tích cực để phát huy tính hiểu quả của tổ chức trong lĩnh vực giáo dục. Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT hy vọng sau các khóa tập huấn, giáo viên các tỉnh sẽ có kỹ thuật tổ chức dạy học tốt hơn nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của cấp tiểu học”.

 Cũng trong khuôn khổ chương trình tập huấn này còn có thêm học phần đào tạo kỹ năng cho tập huấn viên (TOT – Training of Trainers) nhằm giúp các giáo viên tham gia có thể chia sẻ và phổ biến lại các nội dung đã được tập huấn cho các giáo viên tại trường. Đây là một bước đi nghiệp vụ mấu chốt, cho phép hình thành, phát triển và mở rộng đội ngũ chuyên gia đào tạo tại chỗ cho các tỉnh khó khăn, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực bên ngoài. 

A.H